Mở rộng diện tích gieo sạ lúa lai: Cần giải pháp đồng bộ

08:09, 28/09/2012
.

(QNg)- Sử dụng các loại giống lúa lai để tăng năng suất, sản lượng nhằm đảm bảo an ninh lương thực đang là lựa chọn tất yếu của nông dân trước tình trạng biến đổi khí hậu như hiện nay. Tuy nhiên, nếu chỉ vì mục đích này mà diện tích gieo sạ lúa lai được ưu ái "mở" quá rộng thì mục tiêu trên không những không đạt được mà còn khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp của chúng ta bị lệ thuộc nước ngoài vì… giống!  

TIN LIÊN QUAN


Toàn tỉnh hiện có hơn 180 ha diện tích gieo sạ các loại giống lúa lai như: Syn6, BTE1, Dương Quang 18, BiO404, TBR1, TH3-3, Pac807, XL94017, Xuyên Hương 178… phân bố rải rác ở các địa phương, nhưng tập trung ở hai huyện Mộ Đức và Bình Sơn. Theo định hướng phát triển lúa lai của tỉnh từ nay đến 2015 thì: Diện tích sản xuất được mở rộng lên 3.350 - 6.700 ha (chiếm 10-20% tổng diện tích), xây dựng vùng sản xuất giống tại chổ để đáp ứng nhu cầu cho 50%-70% diện tích.
 

Từ năm 2003, Bộ NN&PTNT đã đề ra kế hoạch đến năm 2010 sẽ nâng tổng diện tích lúa lai toàn quốc lên 1 triệu hecta, đồng thời chủ động sản xuất giống lúa lai để đáp ứng nhu cầu cho 70% diện tích. Tuy nhiên đến nay, diện tích lúa lai trong cả nước chỉ đạt khoảng 700 nghìn hecta và hầu hết các loại giống lúa lai hiện sử dụng được nhập từ nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc.

Năng suất cao, hiệu quả vừa!

Huyện Mộ Đức hiện đang dẫn đầu cả tỉnh về diện tích gieo sạ lúa lai với gần 120 ha. Vụ hè thu vừa qua, chung niềm vui được mùa với nông dân trong tỉnh, người làm lúa lai ở Mộ Đức cũng bội thu với giống Syn6, Bi0404, BTE1 và XL94017... khi năng suất bình quân đạt 78 tạ/ha, cao hơn các loại giống lúa thuần 13,18 tạ/ha.

 

Chỉ tay về ruộng lúa BTE1 đang gặt dỡ, lão nông Lê Phụng ở thôn Thanh Long, xã Đức Thắng phấn khởi nói: "Đây là vụ thứ 2 liên tiếp tui trúng với BTE1 bởi so với các giống lúa khác, BTE1 cho năng suất cao hơn 100 - 150 kg/sào". Không riêng gì ông Phụng, mà nhiều hộ dân ở các xã như: Đức Thắng, Đức Nhuận, thị trấn Mộ Đức... cũng được loại giống siêu hạt BTE1 mang lại niềm vui từ hơn hai năm nay. Thậm chí, vụ đông xuân 2010 - 2011, nhiều người dân ở Mộ Đức còn biết ơn BTE1 vì đã "cứu" họ thoát khỏi nạn mất mùa. Bởi lẽ, khi nông dân trong tỉnh buồn thiu do lúa bị sâu bệnh, rét "ăn" mất 30 - 50% sản lượng thì, những người sản xuất lúa lai ở Mộ Đức vẫn vui như hội vì năng suất không giảm mà còn tăng. "Năm ấy mưa lạnh, rầy nâu cắn phá tan tành nhưng 7 ha lúa BTE1 ở xứ đồng Rộc Ngấn vẫn bình yên vô sự trước nạn sâu bệnh. Vì thế, năng suất bình quân đạt 450 - 550 kg/sào, cao hơn nhiều so với giống lúa truyền thống", ông Phạm Văn Minh ở xã Đức Nhuận nhớ lại.

 

Tuy nhiên, dù vượt trội về năng suất nhưng hiệu quả mà lúa lai mang lại vẫn chưa cao vì chi phí sản xuất khá lớn. Cụ thể: Giá một kg giống lúa lai hiện nay dao động từ 70.000 - 100.000 đồng (lúa nội địa từ 10.000 - 15.000 đồng/kg). Mặt khác, các loại giống lúa lai xuất xứ từ Trung Quốc có chất lượng gạo kém, giá trị xuất khẩu không cao nên giá bán thường thấp hơn lúa nội địa như: Khang Dân đột biến, Xi23, Vn121.... "Do đó, nếu hạch toán sòng phẳng thì sản xuất lúa lai chưa hẳn lời hơn lúa thuần. Thậm chí lỗ vì nhỡ gặp sự cố như sâu bệnh, thiên tai thì lúa lai sẽ mất trắng, còn lúa thuần thì vẫn vớt vát được chút ít" - ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm HTX  Phước Hòa, xã Đức Phú (Mộ Đức) cho biết. Đồng quan điểm này, ông Phạm Văn Tuân, Trưởng phòng Nông nghiệp, Sở NN&PTNT tỉnh cũng khẳng định: "Chi phí sản xuất 1 sào lúa lai thường cao hơn lúa thuần 10%. Do đó, nếu thời tiết thuận lợi, nông dân thực hiện đúng quy trình và kỹ thuật canh tác thì hiệu quả mà lúa thuần mang lại cũng không thua kém lúa lai là bao".

Tiềm ẩn nguy cơ phụ thuộc

 

Nông dân tham quan vùng lúa lai thôn Chú Tượng, xã Đức Hiệp (Mộ Đức).
Nông dân tham quan vùng lúa lai thôn Chú Tượng, xã Đức Hiệp (Mộ Đức).


Hiện nay, hầu hết các loại giống lúa lai đang sử dụng chủ yếu nhập từ Trung Quốc. Riêng ở tỉnh ta, hiện vẫn chưa có đơn vị nào sản xuất được hạt lai F1 nên 100% các loại giống lúa lai đều do các công ty nhập về cung cấp. "Đây chính là nút thắt mà nếu không được tháo gỡ kịp thời, thì việc nông dân rơi vào thế bị động trong sản xuất và lệ thuộc hoàn toàn các công ty giống là điều khó tránh khỏi", ông Phạm Văn Tuân, Trưởng phòng Nông nghiệp, Sở NN&PTNT tỉnh nhận định. Bởi theo ông Tuân, một khi nguồn giống bị độc quyền, các công ty bán hàng sẽ được dịp "làm mình làm mẩy", khiến cho giá bán tha hồ "nhảy múa" theo ý họ. Vậy là, mọi thiệt thòi sẽ lại đổ lên đầu nông dân.

Bài học về việc lệ thuộc vào giống lúa lai vẫn chưa cũ với nông dân trong tỉnh khi cách đây 10 năm, giống Trang nông 15 (nguồn gốc từ Trung Quốc) xuất hiện và tạo ra "cơn sốt". Phần vì năng suất của Trang nông 15 quá ấn tượng, phần được chính quyền khuyến cáo nên nhiều người dân bỏ quên các loại lúa thuần, dành toàn bộ diện tích để gieo sạ giống mới. Chính sự đón nhận nhiệt tình như thế đã vô tình tạo điều kiện cho công ty sản xuất và cung cấp độc quyền giống Trang nông 15 làm khó "Thấy mình cần, họ giả vờ… lơ, thậm chí không chịu cung ứng giống. Đã thế, giá cả cứ liên tục bị họ "đội" nhưng nông dân vẫn phải bấm bụng mua vì nếu không, lấy đâu ra giống để sạ. Đó là bài học nhớ đời cho ngành nông nghiệp tỉnh ta khi tiếp cận với lúa lai", ông Phạm Văn Tuân cho biết.

Kịch bản này dường như đang lặp lại với các loại giống lúa lai ngoại nhập hiện nay. Điển hình như năm 2009, giá giống BTE1, XL94017 chỉ ở mức 80.000 - 85.000 đồng/kg nhưng vụ hè thu vừa rồi, đã "nhảy" lên 100.000 đồng/kg và dự kiến vụ đông xuân sắp tới, sẽ tiếp tục tăng thêm 6.000 đồng/kg. Giải thích lý do tăng giá này, ông Phạm Xuân Đào, cán bộ phụ trách kỹ thuật, kinh doanh giống lúa của Công ty TNHH Bayer Việt Nam cho rằng: "Đó là do chi phí vận chuyển tăng nên giá giống cũng phải… chạy theo"!.

Rõ ràng, giống lúa lai đang bị các doanh nghiệp nắm quyền chi phối về giá cả và chất lượng. Do đó, nếu phát triển diện tích lúa lai mà sự "độc quyền" về giống chưa được phá vỡ thì thời gian không xa, hoạt động sản xuất nông nghiệp của chúng ta bị các đơn vị cung ứng giống điều khiển là hiển nhiên. Và như thế, bất ổn về an ninh lương thực sẽ không còn là dự đoán.
 

* Phó chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Vũ Nhân: "Đầu tư đồng bộ, tránh tình trạng nông dân phụ thuộc vào chính sách". Để phát triển phong trào sản xuất lúa lai, huyện Mộ Đức đã trích ngân sách hỗ trợ 50% chi phí mua giống cho nông dân và sang năm 2013 sẽ là 30%. Tuy nhiên, vì giá giống lúa lai hiện nay quá cao nên ngoài những diện tích được huyện hỗ trợ, còn lại vẫn chưa được người dân nhiệt tình hưởng ứng. Và để tránh tình trạng khi chương trình hỗ trợ kết thúc, người dân cũng… rút, huyện đã có Đề án quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất và cung ứng các loại giống lúa lai, nhằm tạo "cú hích" để lúa lai gắn bó bền vững với nông dân.


* Thạc sĩ Trần Văn Mạnh - Giám đốc Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống sản phẩm cây trồng và phân bón khu vực miền Trung - Tây Nguyên: "Quy hoạch vùng để phát triển diện tích lúa lai mang tính bền vững". Hầu hết năng suất lúa ở các địa phương miền núi luôn đạt thấp, phần vì đất đai bạc màu, phần thời tiết khắc nghiệt cũng như tập quán canh tác của người dân chưa đáp ứng yêu cầu. Do đó, việc phát triển diện tích lúa lai ở các khu vực này sẽ là hướng đi phù hợp nhằm tăng sản lượng, giải quyết vấn đề lương thực tại chỗ. Hơn nữa, việc lựa chọn và quy hoạch vùng sản xuất lúa lai sẽ giúp các nhà khoa học trong nước nghiên cứu chọn và lai tạo các loại giống có chất lượng, thích hợp cho từng vùng, miền.  

* Phó giám đốc Trung tâm giống cây trồng vật nuôi tỉnh Đỗ Đức Sáu: "Có chính sách đầu tư và hỗ trợ các đơn vị sản xuất hạt lai F1". Vì các loại giống lúa lai có nguồn gốc từ nước ngoài nên chỉ một số ít công ty tiềm lực kinh tế mạnh mới sở hữu được bản quyền để sản xuất và cung ứng hạt lai F1. Tuy nhiên, do giống lai biến thiên liên tục nên quá trình nghiên cứu và sản xuất hạt lai trong nước gặp rất nhiều khó khăn, chi phí và rủi ro cao nên hầu hết các đơn vị chọn cách nhập khẩu từ nước ngoài, rồi bán lại cho nông dân kiếm lời thay vì đầu tư dài hạn. Cách làm này khiến cho giá giống luôn ở mức cao, trong khi chất lượng (đặc tính di truyền do gen có lợi quy định) thì không chắc có "chuẩn" như những gì bố, mẹ chúng có.

* Chủ nhiệm HTX Bình Dương Võ Tấn Đại: "4 nhà cần gắn kết". Hiện nay, nông dân hiếm khi "để dành" và tái sử dụng giống như trước mà thay vào đó, họ biết lựa chọn và thường xuyên thay đổi các loại giống lúa phù hợp với từng chân ruộng, mùa vụ để tăng năng suất và chất lượng. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho người dân tham gia sản xuất lúa lai thì nhất thiết phải có sự can thiệp kịp thời của Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp về giá, chất lượng giống cũng như hỗ trợ kỹ thuật canh tác. Lựa chọn và khuyến cáo nông dân sử dụng những giống lúa lai có phẩm chất tốt, kiên quyết loại bỏ giống xấu để tránh tình trạng "vàng thau" lẫn lộn.

* Ông Nguyễn Minh, thôn Gia Hòa, xã Đức Thắng (Mộ Đức): "Phải có đơn vị thu mua lúa lai thương phẩm". Những vụ trước, tui thấy giá bán lúa lai thương phẩm cũng ngang với các loại lúa thuần. Nhưng gần đây, nhiều loại lúa lai bị thương lái "chê" là gạo không ngon nên kì kèo, thu mua với giá thấp hơn lúa truyền thống khiến người làm lúa lai rất hoang mang. Bởi chi phí sản xuất lúa lai ngày càng tăng cao, mà giá lúa thương phẩm lại hạ xuống thì nông dân chỉ có huề vốn hoặc… lỗ!


Mỹ Hoa
 


.