Vì sao lượng phát hành báo, tạp chí của Đảng ngày càng sụt giảm?

07:06, 02/06/2012
.

(QNg)- Thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TƯ ngày 28/12/1996 của Bộ Chính trị và Công văn  893 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc mua, đọc và làm theo báo, tạp chí của Đảng, trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành có liên quan trong tỉnh đã có những cố gắng đáng kể trong việc nâng cao số lượng phát hành các ấn phẩm báo, tạp chí của Đảng. Tuy nhiên, với nhiều lý do khác nhau, số lượng phát hành báo Đảng lại sụt giảm qua từng năm.

“Phớt lờ” quy định

Toàn tỉnh hiện có 2.537 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, đồng nghĩa với số cơ sở cần có Báo Quảng Ngãi. Tuy nhiên, theo thống kê của Bưu điện tỉnh, chỉ có khoảng trên 60% chi bộ có báo đảng. Mặc dù số phát hành qua Bưu điện tỉnh đạt trên 3.000 tờ/kỳ, nhưng đây là con số thống kê của nhiều đầu mối, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Điều đáng nói là, chỉ số phát hành Báo Quảng Ngãi những tháng đầu năm 2012 giảm đáng kể.

 

Tính đến ngày 31/5/2012 chỉ số phát hành báo bình quân đạt 4.115 tờ/kỳ (giảm 243 tờ/kỳ so với năm 2011). Cùng với Báo Quảng Ngãi, các ấn phẩm của Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản cũng có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Sự giảm sút của cả 2 tờ báo Đảng (Báo Nhân Dân và Báo Quảng Ngãi) nói trên cũng đồng nghĩa với việc, ngày càng có thêm nhiều tổ chức cơ sở đảng trên địa bàn "trắng" báo Đảng.

 

Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để việc mua và đọc báo Đảng trở thành nền nếp. Trong ảnh: Cán bộ hưu trí và nhân dân xem các ấn phẩm báo chí tại Hội Báo Xuân Nhâm Thìn - 2012.
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để việc mua và đọc báo Đảng trở thành nền nếp. Trong ảnh: Cán bộ hưu trí và nhân dân xem các ấn phẩm báo chí tại Hội Báo Xuân Nhâm Thìn - 2012.


Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân của bước lùi trên chủ yếu vẫn là do yếu tố chủ quan. Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của báo mạng hút độc giả tìm kiếm thông tin ngày càng tăng nhanh và nguồn kinh phí cấp cho việc mua báo Đảng còn hạn hẹp thì việc nhiều địa phương, cơ quan, trường học… trong tỉnh sử dụng sai mục đích nguồn kinh phí này vẫn là một trong những lý do chính.

"Thay cho việc mua báo Đảng, các địa phương, đơn vị này lại dùng nguồn kinh phí mua báo Đảng vốn đã rất khiêm tốn này vào việc khác hoặc mua các loại báo khác theo ý thích riêng", một nhân viên phát hành của Bưu điện tỉnh khẳng định. Bên cạnh đó, nhận thức về việc mua và đọc báo Đảng của lãnh đạo một số địa phương, cơ quan, đơn vị còn thiếu đầy đủ, một số tổ chức cơ sở đảng buông lỏng lãnh đạo công tác phát hành.

 

Các chi bộ trường học, khu dân cư, khối doanh nghiệp đặt mua báo, tạp chí của Đảng còn ít. Việc đọc và sử dụng báo, tạp chí của Đảng tại nhiều chi bộ, cơ quan, đơn vị chưa đi vào nền nếp, chưa trở thành nhu cầu thiết thực của cán bộ, đảng viên, quần chúng, do đó hiệu quả chưa cao... Một nguyên nhân nữa khiến số lượng phát hành báo Đảng giảm được một số ý kiến ở cơ sở nêu ra là hình thức, nội dung của báo thiếu hấp dẫn, thông tin chưa phong phú, tính phản biện và giải trí chưa cao, chưa thu hút được bạn đọc, nhất là bạn đọc ở nông thôn.

Cần sự phối hợp đồng bộ

Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị (khóa VIII) "Về việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng" không những khẳng định tính tư tưởng, tính định hướng các báo, tạp chí của Đảng, mà còn thể hiện sự tin cậy và đề cao trách nhiệm của báo, tạp chí của Đảng trong hệ thống báo chí nước ta. Riêng tại Quảng Ngãi, thực hiện Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị đã góp phần nâng cao nhận thức trong Đảng và xã hội. Các cấp ủy đảng, lãnh đạo các địa phương đơn vị, các chi đảng bộ, các trường học đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều cán bộ, đảng viên nghiên cứu, học tập, tham khảo, nắm bắt những thông tin chính thống, bổ ích về chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên báo Đảng.

Các báo, tạp chí của Đảng đã thực sự là nguồn thông tin đáng tin cậy, bổ ích, là tài liệu tuyên truyền quan trọng giúp các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi nắm bắt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, là ngọn cờ chính trị của Đảng trên mặt trận báo chí… Tuy nhiên, việc đọc và sử dụng báo, tạp chí của Đảng tại nhiều chi bộ, cơ quan, đơn vị chưa đi vào nền nếp, chưa trở thành nhu cầu thiết thực của cán bộ, đảng viên, quần chúng, hiệu quả chưa cao. Việc sử dụng báo chí của một số tổ chức đảng còn hình thức, mua cho có, chưa coi báo, tạp chí của Đảng là tài liệu cung cấp thông tin bổ ích cho sinh hoạt chi bộ ở cơ sở, dẫn tới việc xem nhẹ trong chỉ đạo mua và sử dụng báo, tạp chí của Đảng.

Trong tình hình hiện nay, khi các loại hình báo điện tử, phát thanh, truyền hình phát triển nhanh, đa dạng, tạo nên sự cạnh tranh gay gắt nên thị phần báo in có xu hướng giảm sút. Để báo Đảng thực sự là món ăn tinh thần, là tài liệu sinh hoạt chi bộ không thể thiếu, các đảng bộ cơ sở cần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên; nhất là người đứng đầu về vai trò, tầm quan trọng của báo Đảng. Đồng thời, tạo điều kiện để mọi tầng lớp nhân dân nhất là đảng viên, đoàn viên thanh niên vùng sâu, vùng xa thường xuyên được đọc, học, nghiên cứu báo và tạp chí của Đảng để hiểu, nắm bắt và thực hiện có hiệu quả đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó còn phải kể đến sự phối hợp đồng bộ của các cấp uỷ đảng, chính quyền và ngành bưu điện, cộng với sự cố gắng của các cơ quan báo chí trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung và hình thức các ấn phẩm báo chí của Đảng chất lượng ngày càng cao, thiết thực, đáp ứng nhu cầu của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời cũng cần biểu dương những cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác phát hành báo, tạp chí của Đảng; những gương điển hình tiên tiến, những kinh nghiệm hay mà báo chí phản ánh, từ đó tạo ra sức mạnh và niềm tin trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào báo chí của Đảng, coi báo chí của Đảng như người bạn đồng hành trong cuộc sống.
 

*Đồng chí Lê Thị Kim Thùy - Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh: Trước đây, việc sử dụng báo, tạp chí của Đảng ở các doanh nghiệp có TCCSĐ chưa được quan tâm lắm. Mặc dù, đảng ủy đã triển khai hội nghị quán triệt vấn đề này nhưng hiện chỉ có 40% TCCSĐ đã đặt mua báo Đảng theo quy định. Đối với những tổ chức không mua vì cho rằng xem thông tin trên báo mạng là do cấp ủy đảng chưa nhận thức đầy đủ về vai trò và tầm quan trọng của việc đọc báo Đảng. Đây cũng có trách nhiệm một phần của Đảng ủy khối trong việc không thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền, kiểm tra việc thực hiện. Qua thực tế hiện nay ở Đảng ủy khối doanh nghiệp, tôi đề nghị tỉnh cần có hội nghị tổng kết, đánh giá, tìm ra nguyên nhân, giải pháp thực hiện để Ban Thường vụ có cơ sở chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện tốt Chỉ thị này.

*Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Tuyên truyền (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy): Cần phải xác định mua và đọc báo, tạp chí của Đảng là trách nhiệm và đưa thành  chỉ tiêu để bình xét thi đua hằng năm ở cơ sở. Vì trên thực tế nhiều cấp ủy không thực hiện nghiêm túc Quyết định 84 của Ban Bí thư "về chế độ chi hoạt động công tác Đảng của tổ chức đảng các cấp" và cho rằng do có báo điện tử, nên nhiều tổ chức đảng lấy lý do đó để không đặt mua báo, tạp chí in của Đảng. Thực tế là, mạng Internet vẫn chiếm một tỉ lệ nhỏ ở nhiều địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, nhiều nơi chưa có kết nối Internet. Bên cạnh bản in có ấn bản điện tử, nhưng nội dung hai loại hình này rất khác nhau và không thể thay thế vị trí của nhau. Điều đó cho thấy phải duy trì việc mua và đọc các loại báo, tạp chí in.

*Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hiền - Bí thư Chi bộ 14 thuộc Đảng bộ phường Nghĩa Lộ (TP Quảng Ngãi): Báo Đảng có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiểu biết, nhận thức của đảng viên. Báo Đảng là hình thức chính thống nhất để tiếp nhận những nghị quyết, chủ trương của Đảng. Thông qua tờ báo đảng địa phương người đọc, nhất là tầng lớp hưu trí có cái nhìn toàn diện hơn, nắm bắt kỹ càng hơn về tình hình chính trị - kinh tế- xã hội trong tỉnh. Đồng thời, qua các bài báo phản ánh về người tốt việc tốt, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… giúp nâng cao tinh thần học hỏi của người đọc hơn. Tuy nhiên, trong các buổi sinh hoạt chi bộ việc đọc báo đảng còn gặp nhiều khó khăn vì thời gian sinh hoạt hạn hẹp, hầu hết là tầng lớp hưu trí thường tìm hiểu thông tin qua kênh truyền hình và các báo trung ương nên việc đọc báo đảng địa phương còn hạn chế.

*Chị Bùi Thị Bảy - Nhân viên phát hành báo, Bưu điện huyện Tư Nghĩa: Những năm gần đây, số lượng báo đảng phát hành tại huyện Tư Nghĩa khoảng trên 200 tờ/kỳ. Việc phát hành báo đảng tại các chi đảng bộ huyện gặp một số khó khăn, do báo mạng phát triển nên một số nơi không đặt báo in nữa. Một số xã như Nghĩa Thọ, Nghĩa Sơn không đặt báo nhiều năm nay, tuy đã nhiều lần đến tận cơ sở để vận động mua báo đảng nhưng vẫn không có tiến triển. Các xã Nghĩa Thuận, Nghĩa Thắng lại khó khăn trong việc thanh toán kinh phí mua báo cho bộ phận phát hành. Để nâng số lượng phát hành báo tại các địa phương  cũng như trên địa bàn huyện Tư Nghĩa, tôi cho rằng, cần phải có sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy trong việc thực hiện Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị và cũng cần phải có biện pháp xử lý nào đó đối với những đơn vị "thờ ơ" với Chỉ thị này. Đẩy mạnh phát hành tổ  chức theo tuyến  và mở rộng các điểm bán lẻ báo chí, tuyên truyền vận động để nhiều người có thu nhập cao, có điều kiện mua, đọc báo.


THANH THUẬN
 


.