Báo chí Quảng Ngãi: Năng động và chuyên nghiệp

06:06, 18/06/2012
.

(QNg)-  Tại Đại hội lần thứ III (9/1962) Hội Nhà báo Việt Nam, Bác Hồ nói: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ". Thấm nhuần lời dạy của Bác, các thế hệ người làm báo Quảng Ngãi đã không ngừng nỗ lực để rèn dũa tâm, bút của mình thật sáng và sắc …
    
Báo chí được xem là nghề mang tính đào thải khốc liệt, nó buộc người làm báo phải hy sinh nhiều thứ, chịu đựng nhiều gian truân và chấp nhận hiểm nguy để dấn thân…

Nghề báo: Khổ mà vui

Không khác những phóng viên trẻ mới bước chân vào nghề báo, Văn Thương (Phòng Chuyên đề khoa giáo, Đài PTTH Quảng Ngãi) đã nhiều phen "chết dở" vì sự chủ quan, cả nể của mình. Chẳng thế mà đến giờ, sau 5 năm lăn lộn cùng chiếc máy quay để cho ra đời nhiều tác phẩm hay phục vụ công chúng, Thương cũng kịp ghi lại cho mình những thước phim kinh nghiệm đáng nhớ. Thương bảo rằng nhớ nhất là lần cậu Thương cùng ê kíp thực hiện cảnh quay lễ về nhà mới của đồng bào dân tộc thiểu số. Ngỡ họ cũng như mình, thường cúng vào giờ trưa nên anh em chẳng vội, cứ từ từ mà đi. Ai dè, mới hơn 8 giờ mà bà con đã ăn uống tưng bừng vì mọi lễ cúng hoàn tất từ lúc trời còn tờ mờ sáng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quang Thích tặng bằng khen cho những nhà báo có tác phẩm đạt giải cao ở các giải báo chí Trung ương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quang Thích tặng bằng khen cho những nhà báo có tác phẩm đạt giải cao ở các giải báo chí Trung ương.


Chẳng biết xoay xở thế nào, cả ê kíp đành tiu ngỉu trở về. Sáng sớm hôm sau phải lên năn nỉ già làng thực hiện lại toàn bộ nghi thức cúng với lễ vật là một con heo lớn! Ghi hình xong, mọi người xúm lại chè chén thâu đêm và còn phấn khởi bảo: "Sướng quá. Nhờ nhà báo mà mình được ăn mừng nhà mới tận 2 lần". Câu nói kiểu nửa đùa ấy khiến anh em trong đoàn chột dạ vì cách làm việc "giờ dây thun", thiếu tôn trọng người dân của mình.

Còn phóng viên Thủy Thanh (Phòng Văn nghệ-Giải trí, Đài PTTH Quảng Ngãi) thì lại nhiều lần dở khóc dở cười vì bị ông trời trêu ngươi! Bởi cứ nhè lúc chị chuẩn bị bấm máy quay là trời lại cổ vũ bằng một trận mưa lớn, khiến mọi người thót tim vì sông suối bỗng dưng cuồn cuộn nước. Đã thế, các nhân vật "nhí" là những cô cậu học trò nhỏ miền núi thường ngày "lì" nước là vậy nhưng khi thấy mưa to, nước sông dâng cao thì lại gào khóc và bắt chị phải cõng về nhà bằng được. Tạnh mưa, chị lại tiếp tục dỗ dành và bồng các cháu băng rừng để đến địa điểm ghi hình.

Thủy Thanh bộc bạch: Tuy bận rộn chăm sóc gia đình, con cái nhưng nữ nhà báo không hề kém cạnh nam giới về độ "lì" và chịu khó khi tác nghiệp. Bằng chứng là họ luôn tìm tòi và không ngại dấn thân vào các vấn đề "nóng", nhạy cảm của xã hội; sẵn sàng phơi nắng đội mưa, cuốc bộ vài giờ đồng hồ đến những ngôi làng xa tít tắp để có được bức ảnh, thước phim đẹp và sinh động nhất. Điểm mạnh của nhà báo nữ là giàu cảm xúc, điều này giúp họ dễ dàng cảm nhận trọn vẹn từng nốt nhạc lòng của nhân vật để "thổi" vào tác phẩm. Tuy nhiên, điều cốt lõi để có một tác phẩm hay ngoài lòng yêu nghề và say nghề, thì dù là nhà báo nam hay nữ cũng phải biết tôn trọng sự thật. Bởi chỉ có sự thật mới "đẻ" được cảm xúc thật mà thôi.

Hoạt động báo chí: Tỏa sáng và khởi sắc

Đó là nhận định của ông Hà Minh Đích, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi (HNB). Bởi theo ông, với 6 cơ quan và văn phòng đại diện của báo chí TƯ, địa phương cùng hơn 200 nhà báo (trong đó có 141 người là hội viên HNB) đang tác nghiệp, đã khiến cho hoạt động báo chí tỉnh ta thực sự sôi động. Các cơ quan báo chí, đặc biệt là Báo Quảng Ngãi và Đài PTTH tỉnh không ngừng cải tiến và đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng nội dung để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả.

Phóng viên tác nghiệp ở vùng “bệnh lạ” xã Ba Điền (Ba Tơ).
Phóng viên tác nghiệp ở vùng “bệnh lạ” xã Ba Điền (Ba Tơ).


Điều này thể hiện qua việc hàng loạt các điển hình tiên tiến cùng nhiều vấn đề, sự kiện lớn được báo chí thông tin kịp thời và liên tục, giúp bạn đọc có cái nhìn toàn cảnh về bức tranh kinh tế, chính trị và xã hội của tỉnh. Song song với nhiệm vụ thông tin, báo chí cũng đã thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền và định hướng dư luận đối với những sự cố, vụ việc khuất tất xảy ra trong thời gian qua, đóng góp tích cực vào việc ổn định chính trị, thu hút đầu tư và kêu gọi các hoạt động xã hội từ thiện của nhân dân cả nước đối với tỉnh.

Cùng với các cây bút gạo cội thì báo chí tỉnh ta đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều nhà báo trẻ tài năng và bản lĩnh. Với kiến thức, sức trẻ và lòng yêu nghề, họ không ngần ngại "ăn, nằm" ở cơ sở để phát hiện và đưa ra ánh sáng những vụ việc tiêu cực, được dư luận đồng tình và đánh giá cao. Và suốt 5 năm qua, nhiều tác phẩm báo chí của các nhà báo trẻ đã đạt giải cao ở Liên hoan PTTH toàn quốc và Giải báo chí quốc gia, tỉnh, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của báo chí Quảng Ngãi trong làng báo cả nước.

*Nhà báo Hà Minh Đích, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi: "Báo chí tỉnh còn thiếu nhiều tác phẩm đỉnh cao". Tuy đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ nhưng báo chí tỉnh ta vẫn thiếu nhiều tác phẩm đỉnh cao về chất lượng, tạo sức lan tỏa mạnh và để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả. Nguyên nhân là vì báo chí chỉ dừng lại ở nhiệm vụ thông tin ban đầu mà chưa đi sâu vào phân tích và phản biện; vẫn còn "ngại" và e dè trong việc phản ánh tiêu cực cùng những mặt trái của xã hội. Thậm chí nhiều tác phẩm còn khiến dư luận hiểu sai lệch bản chất vấn đề do cẩu thả trong thu thập thông tin, cách nghị luận hời hợt và lối suy diễn chủ quan của tác giả khiến công chúng chưa hài lòng và tin tưởng.

*Nhà báo Vũ Hải Đoàn (Nguyên Phó Tổng biên tập Báo Nghĩa Bình): "Mạnh dạn mổ xẻ nhưng phải trung thực và đúng đường lối của Đảng". Lực lượng nhà báo trẻ của tỉnh ngày càng năng động, nhạy bén trong việc phát hiện và xử lý thông tin, phản ánh vấn đề đúng, trúng và kịp thời hơn. Đặc biệt là đã mạnh dạn và dũng cảm xông vào các lĩnh vực gai góc, nhất là công tác đấu tranh và phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, vì áp lực cạnh tranh thông tin nên vẫn còn tình trạng nhà báo đưa tin theo kiểu "giật gân", gây hoang mang trong dư luận. Đối với Báo Quảng Ngãi, tuy có nhiều bước tiến về nội dung và hình thức nhưng vẫn chưa tạo được đột phá vì còn một số bài viết có chất lượng thấp, hình ảnh chưa bắt mắt. Đặc biệt, Báo Quảng Ngãi vẫn chưa xây dựng được các trang mang tính chuyên đề của từng lĩnh vực kinh tế, chính trị xã hội, văn hóa văn nghệ, phóng sự điều tra… nên chưa thực sự thu hút độc giả.

*Cộng tác viên Văn Chương (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh): "Nghề báo cho mình bản lĩnh để dấn thân và vượt qua cám dỗ". Ai cũng cho rằng, nhà báo được đi nhiều, gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều người thật sướng. Riêng anh em báo lính chúng tôi còn được ra khơi cùng ngư dân hay có cơ hội thám hiểm đại dương mỗi khi theo tàu Hải đội 2 làm nhiệm vụ cứu hộ. Nhưng ít người biết được phía sau những chuyến đi ấy, nhà báo phải trải qua chặng đường đầy gian khổ và nguy hiểm. Vì khi tác nghiệp trên biển như thế, mọi người có quyền mệt, được phép say sóng nhưng nhà báo thì không. Họ phải tỉnh để ghi và chuyển tải tới khán giả những hình ảnh đẹp nhất, sống động nhất về cuộc sống của các chiến sĩ và ngư dân đang ngày đêm lao động bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Cánh báo lính chúng tôi không chỉ thực thi nhiệm vụ theo mệnh lệnh của tổ chức, mà còn đến và đi bất cứ nơi đâu bằng cả trái tim và lòng nhiệt huyết để đủ sức vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết cũng như chính bản thân mình.

*Nguyễn Đoàn Tuấn Kiệt (Trưởng Đài Truyền thanh huyện Bình Sơn): "Không nên có sự phân biệt trong làng báo". Gần 25 năm làm "thợ viết" ở một Đài Truyền thanh huyện, tôi vẫn  trăn trở một điều: Vì sao phóng viên Đài huyện không được gọi là nhà báo trong khi họ làm việc cật lực chẳng thua kém gì phóng viên báo đài khác? Còn Đài huyện thì không được công nhận là cơ quan báo chí. Hầu hết những "thợ viết" ở Đài huyện không được kết nạp làm hội viên Hội Nhà báo. Đã thế thiết bị hỗ trợ thiếu thốn, nhuận bút "bèo" trong khi áp lực công việc lớn khiến cho anh em Đài huyện càng thấy… tủi thân!. Vì để có một bản tin, một bài viết phục vụ cho chương trình thời sự hằng ngày của Đài; các "thợ viết" phải chạy đôn chạy đáo; nhiều khi phải vắt hết công suất của bản thân mới đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi. Mong rằng, đội ngũ những người "thợ viết" ở đài huyện như chúng tôi sẽ được quan tâm hơn...

*Nhà báo Hoàng Triều (Báo Quảng Ngãi): “Làm báo vừa dễ lại vừa khó”. Dễ là bởi ai cũng có thể viết báo, và thực tế là hiện nay có rất nhiều “tay ngang” đã và đang làm báo thực thụ. Còn khó là bởi để “đứng” được, để “sống” được trong làng báo là chuyện không phải ai cũng làm được. Để tạo được một bản sắc riêng và để mỗi tác phẩm báo chí không “nhợt nhạt”, tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ thì điều đó càng khó. Hoạt động báo chí tỉnh ta hiện nay thật sự sôi động, đó là một thuận lợi lớn đối với những nhà báo trẻ như chúng tôi. Ở trong môi trường này, chúng tôi được học tập, được “rèn”, được “dũa” thường xuyên để vững vàng hơn trong nghề.

 


MỸ HOA - XUÂN THIÊN
 


.