Cải thiện chỉ số PCI ở Quảng Ngãi: Bắt đầu từ đâu?

03:01, 21/01/2012
.

(QNg)- Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2015 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) lọt vào top 20 trên cả nước. Cải thiện chỉ số PCI được tỉnh xác định là một nội dung quan trọng trong cải cách hành chính (CCHC) năm 2012 và những năm tiếp theo. Nhưng để đạt mục tiêu này tỉnh cần bắt "đúng mạch" và đưa ra lộ trình, giải pháp thực hiện quyết liệt hơn.


Theo bảng xếp hạng PCI của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), từ năm 2007 đến nay, Quảng Ngãi luôn nằm ở nửa cuối bảng xếp hạng. Năm 2011, Quảng Ngãi xếp 58/63 tỉnh, thành. So với các tỉnh duyên hải miền Trung, Quảng Ngãi đứng ở vị trí cuối cùng. Chỉ số đánh giá, xếp hạng PCI dựa trên 9 lĩnh vực điều hành, nhưng Quảng Ngãi chỉ có hai chỉ số tăng qua các năm là chi phí không chính thức và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (DN), trong khi các chỉ số như tính minh bạch, chi phí thời gian, đào tạo lao động, gia nhập thị trường, tính năng động và tiếp cận đất đai thì ở chiều ngược lại.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho DN dân doanh là một trong những giải pháp quan trọng để cải thiện chỉ số PCI.
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho DN dân doanh là một trong những giải pháp quan trọng để cải thiện chỉ số PCI.


Với sự cầu thị và mong muốn cải thiện mạnh mẽ chỉ số PCI, Quảng Ngãi đã mạnh dạn đánh giá tính năng động và tiên phong của lãnh đạo các cấp; sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo các sở, ngành và lãnh đạo địa phương trong điều hành công việc còn hạn chế. Thủ tục hành chính còn rườm rà, thời gian giải quyết kéo dài chưa tạo thuận lợi cho DN là rào cản rất lớn làm giảm mức cải thiện chỉ số PCI. Những tồn tại trong công tác quy hoạch, đền bù giải phóng mặt bằng cũng là những yếu tố làm giảm tính hấp dẫn của môi trường đầu tư...

Bảng xếp hạng PCI dựa trên kết quả điều tra ở các DN dân doanh. Và việc đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền địa phương chủ yếu tập trung vào việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

 

Trong khi Quảng Ngãi được đánh giá là tỉnh linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, nhưng đối tượng chính là khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), lại chưa được quan tâm đúng mức để tăng cường năng lực cạnh tranh của DN. Thực tế, do tập trung thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp nặng nên Quảng Ngãi dành sự hỗ trợ cao hơn cho các DN FDI và các Tổng Công ty Nhà nước mà chưa có nhiều cơ chế hay những chính sách khuyến khích, hỗ trợ thích đáng giúp DNVVN và khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Khả năng tiếp cận đất đai, tiếp cận thông tin của khu vực này còn hạn chế. Dịch vụ công cung cấp cho DN chưa đáp ứng được yêu cầu. Cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan hành chính Nhà nước trong giải quyết thủ tục cho DN, nhà đầu tư (NĐT) chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ dẫn đến hiệu quả thấp. Điều này tác động không tốt đến tâm lý của các DNVVN, tạo sự phát triển không đồng đều giữa các thành phần kinh tế.

Một vấn đề nữa là, đối với các NĐT khi đầu tư vào tỉnh còn gặp khó khăn rất lớn. Đó là phải thực hiện rất nhiều thủ tục ở nhiều cơ quan chức năng, thiếu sự hướng dẫn quy trình đầu tư trọn vẹn tại một cơ quan tư vấn về tất cả các thủ tục đầu tư, quy hoạch, đất đai, môi trường, xây dựng. Do vậy, NĐT mất rất nhiều thời gian để tiếp cận với các cơ quan chức năng, thực hiện đủ thủ tục và đúng quy trình theo quy định.

Trong những năm qua, Quảng Ngãi đã có nhiều nỗ lực trong công tác CCHC và đã đạt được một số kết quả, song rõ ràng nỗ lực CCHC của tỉnh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của DN. Vì thế, tiếp tục CCHC nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, nếu tỉnh muốn đột phá trên bảng xếp hạng PCI.

Tiếp tục rà soát thủ tục hành chính, cắt giảm và bãi bỏ những thủ tục không cần thiết, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại của mô hình này. Xây dựng và áp dụng thí điểm mô hình "một cửa liên thông" trong giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến các dự án đầu tư tại tỉnh, xác định rõ cơ chế phối hợp xử lý và quy trình xử lý từng loại thủ tục hành chính, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó là tăng cường cơ chế phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan hành chính nhằm giảm thiểu phiền hà cho DN và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước. Rà soát các cơ chế, chính sách liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh, chính sách ưu đãi đầu tư và sớm sửa đổi, bổ sung những quy định không còn phù hợp, đồng thời ban hành các quy định mới nhằm tạo thuận lợi cho NĐT, DN như Quy trình đầu tư, danh mục dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2012-2015. Tiếp tục hoàn thiện quy trình thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký DN, cấp giấy chứng nhận đầu tư và thẩm định dự án. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, internet, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO để nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính.

Một "nút thắt" cần tháo gỡ nữa là tỉnh cần tăng cường khả năng tiếp cận đất đai cho DN. Sớm rà soát, rút gọn thủ tục thu hồi và giao đất cho các tổ chức, cá nhân, mặt khác làm tốt công tác quy hoạch, đền bù giải tỏa, tạo quỹ đất sạch để chủ động giới thiệu địa điểm cho NĐT và tạo điều kiện thuận lợi cho NĐT triển khai ngay dự án. Ngoài ra, tiến hành rà soát các dự án đang triển khai, kiên quyết thu hồi diện tích đất đã cấp cho DN, nhưng không triển khai dự án hay sử dụng không đúng mục đích, nhằm tạo điều kiện cho DN khác tiếp cận nguồn đất đai và nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Mặt khác, các sở, ban ngành, các địa phương và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh như Cục thuế, Hải quan, Cảng vụ... dựa vào tình hình thực tế của địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể cải thiện các chỉ số thành phần PCI gắn với việc cải cách thủ tục hành chính và thực hiện nhiệm vụ chính trị tại đơn vị.
 

*Ông Nguyễn Diễn - Phó Giám đốc VCCI Đà Nẵng: Chỉ số PCI đánh giá sự hài lòng của DNVVN và nhiều NĐT sẽ trông vào bảng xếp hạng này như là một kênh thông tin quan trọng để lựa chọn, quyết định địa điểm đầu tư. Thực tế là qua bảng xếp hạng hằng năm, tỉnh nào có thứ hạng PCI cao thì thu hút đầu tư cũng tăng lên theo. Chính vì thế, nhiều tỉnh, thành cũng đang tập trung cải thiện chỉ số PCI. Hiện nay, giải pháp của các địa phương về cơ bản là giống nhau, vấn đề là tỉnh nào hành động quyết liệt thì sẽ thành công.

*Ông Hồ Quang Vịnh - Cục trưởng Cục thuế Quảng Ngãi: Việc thực hiện tốt thủ tục hành chính về thuế sẽ đóng góp một phần quan trọng trong việc cải thiện chỉ số PCI của tỉnh. Do vậy, ngành thuế tập trung mọi nguồn lực để đơn giản hoá thủ tục hành chính thuế gắn với việc giám sát thực hiện nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế. Trong thời gian tới, ngành thuế tiếp tục hoàn chỉnh và thực hiện hiệu quả, chất lượng các quy trình giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan thuế. Kết hợp chuẩn hóa và cải cách phương thức làm việc phù hợp với tiêu chí của hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2008. Bên cạnh đó là hoàn thiện bộ máy quản lý phù hợp với yêu cầu CCHC; tăng cường và đổi mới phương thức hỗ trợ chính sách, thủ tục hành chính và tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh của người nộp thuế...

*Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Quảng Ngãi Võ Xuân Tân: Vị trí, mặt bằng sản xuất kinh doanh đang là vấn đề khó khăn lớn đối với các DN đang đầu tư và dự kiến đầu tư vào Quảng Ngãi. Để tạo thuận lợi cho DN trong việc tiếp cận đất đai cần rà soát, kiến nghị bãi bỏ các thủ tục không cần thiết trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất; đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian giải quyết đất đai cho DN. Xây dựng hệ thống thông tin về đất đai, công bố công khai quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch định hướng phát triển ngành vì đây sẽ là biện pháp hỗ trợ đắc lực cho việc hình thành thị trường đất đai và nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

*Thạc sĩ Đậu Anh Tuấn-Phó Ban pháp chế VCCI: Chỉ số PCI phản ánh chất lượng điều hành kinh tế của mỗi địa phương (thông qua cảm nhận của các doanh nghiệp đang hoạt động tại tỉnh) chứ không phải mức độ phát triển. Điều này cho phép so sánh các tỉnh, thành ở các mức độ phát triển khác nhau một cách tương đối bình đẳng. Các tiêu chí đánh giá chỉ số PCI liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương và trên nhiều lĩnh vực. Do vậy, giải pháp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của từng sở, ngành, từng địa phương liên quan nếu thực hiện đồng bộ thì sẽ góp phần cải thiện chỉ số PCI của tỉnh.

*Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Quảng Ngãi Nguyễn Hồng Sơn: Minh bạch quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch đất đai, các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh là những điều mà doanh nghiệp dân doanh đang rất cần. Bên cạnh đó DN cũng mong chính quyền đẩy mạnh hơn nữa công tác  CCHC nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng hơn. Trong giai đoạn mà DN gặp nhiều khó khăn như hiện nay, rất cần những chính sách linh hoạt hơn như hỗ trợ về vốn, cũng như có chính sách miễn, giảm thuế, giãn thuế...

HOÀNG TRIỀU


.