Phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2016: Đâu là "đột phá"?

04:12, 24/12/2011
.

(QNg)- Phát triển nguồn nhân lực là yêu cầu tất yếu của quá trình mở rộng quy mô nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Chính vì vậy, phát triển nguồn nhân lực được xác định là một trong ba khâu đột phá để Quảng Ngãi trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020. Để thực hiện mục tiêu này đòi hỏi các giải pháp đồng bộ và hướng đi cụ thể, nhất là cần phải có nhiều "đột phá" hơn nữa.

"Hụt" lao động có tay nghề

Quảng Ngãi là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với hàng ngàn doanh nghiệp lớn, nhỏ đang hoạt động. Sự gia tăng của doanh nghiệp cũng đòi hỏi cần có nguồn nhân lực tăng, không những về số lượng và chất lượng.  Mặc dù trong những năm gần đây, các cơ sở đào tạo nghề kỹ thuật tại Khu Kinh tế Dung Quất đã đào tạo trên 9.500 lao động, trong đó trên 1.000 lao động kỹ thuật có trình độ cao đẳng, 250 lao động hàn kỹ thuật cao, trên 6.100 lao động kỹ thuật hệ trung cấp và thợ bậc 3/7.

Chính sách thu hút cán bộ có trình độ cao vẫn chưa thu hút được nhiều cán bộ về tỉnh.
Chính sách thu hút cán bộ có trình độ cao vẫn chưa thu hút được nhiều cán bộ về tỉnh.


 Tuy nhiên, Quảng Ngãi xếp vào tỉnh có tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề 28%, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước là 34,3%. Lãnh đạo một doanh nghiệp tại KKT  Dung Quất cho biết, để tuyển lao động tại tỉnh, doanh nghiệp đã đặt hàng cho nhiều đơn vị đào tạo, nhưng số lượng nhận được vẫn không đủ, nên phải đến các địa phương khác để tuyển dụng lao động. Tuyển dụng lao động trong tỉnh có khi tốn nhiều chi phí hơn, vì phải đào tạo lại... Câu chuyện thiếu lao động có tay nghề đã kéo dài từ nhiều năm nay và Quảng Ngãi đang ở trong tình trạng "thiếu tổng thể nhưng thừa trong từng ngành cụ thể".

Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến năm 2015, có 423.777 lao động qua đào tạo (chiếm 55%) trong tổng số 770.505 lao động làm việc trong nền kinh tế. để thực hiện mục tiêu này, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, cần phải tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp các trường dạy nghề trọng điểm của tỉnh, hướng tới đạt chuẩn về đào tạo các ngành nghề phục vụ lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao; xây dựng nội dung chương trình đào tạo dựa trên cơ sở nhu cầu của thị trường lao động và tiêu chí đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, xây dựng hệ thống thông tin về lao động, việc làm và dự báo nhu cầu ngành nghề đào tạo; gắn doanh nghiệp với cơ sở đào tạo trong việc dạy nghề; liên kết với các trường đại học, cao đẳng trong cả nước về công tác đào tạo; chủ động thực hiện việc xã hội hóa công tác đào tạo nghề, lấy chất lượng đào tạo làm thước đo...

"Khó" trong thu hút

Trên cơ sở Nghị quyết 06 (lần thứ XVII), HĐND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phục vụ phát triển nguồn nhân lực của tỉnh như: Chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo, quản lý được điều động, luân chuyển; Chính sách thu hút cán bộ, công chức, viên chức và những người có trình độ cao đến công tác tại tỉnh…

Tuy nhiên, trong gần 5 năm, tỉnh chỉ thu hút được 15 người (trong đó có 2 tiến sĩ, 7 thạc sĩ và 06 sinh viên loại giỏi về công tác tại tỉnh) và 70 sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy tình nguyện về công tác tại xã, phường, thị trấn theo Đề án đào tạo, tuyển chọn, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn.

Chỉ tiêu của tỉnh là đến năm 2015 tỉnh ta có trên 55% lao động qua đào tạo nghề.
Chỉ tiêu của tỉnh là đến năm 2015 tỉnh ta có trên 55% lao động qua đào tạo nghề.


Một trong những nguyên nhân gây cản trở, làm hạn chế việc thu hút nguồn nhân lực, theo nhiều lãnh đạo tỉnh thì đó là căn bệnh thờ ơ, thậm chí quan liêu, cứng nhắc của một số bộ phận làm công tác tuyển dụng tại các cơ quan Nhà nước hiện nay. "Tôi biết có rất nhiều trường hợp sinh viên tốt nghiệp các ngành, lĩnh vực mà tỉnh đang rất cần, rất thiếu, nhưng khi cầm hồ sơ đến xin việc thì thái độ của bộ phận tuyển dụng như dội gáo nước lạnh vào sự nhiệt tình phục vụ khiến đến các em nản lòng. Phải chấn chỉnh ngay từ khâu tuyển dụng trước, chúng ta mới có thể bàn đến các giải pháp khác. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng một chính sách thu hút nhân lực thông thoáng với những chế độ đãi ngộ rõ ràng, môi trường làm việc thuận lợi sẽ là đòn bẩy để nâng cao công tác phát triển nguồn nhân lực.

Điều quan trọng nữa không nên chỉ đặt ra vấn đề đào tạo mà cần phải quan tâm đến khía cạnh sử dụng hiệu quả và thu hút nguồn nhân lực" - một lãnh đạo tỉnh cho biết.

Có thể nói, tỉnh có chính sách thu hút, nhưng nhận thức của của một số cấp ủy đảng về chủ trương phát triển nguồn nhân lực chưa đầy đủ, chưa thấy rõ nguồn nhân lực cho xã hội và các thành phần kinh tế ở địa phương. Chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng nên chưa thu hút được nhân tài, nguồn lao động có trình độ cao đến công tác tại tỉnh hoặc gắn bó lâu dài với tỉnh; chưa thực sự tạo ra môi trường thuận lợi để khuyến khích thu hút nhân tài, nhất là sinh viên, du học sinh.

Giải pháp để "đột phá"

Để thực hiện nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực, tỉnh đã xây dựng và tập trung thực hiện 5 đề án: Đề án nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông; Đề án đào tạo nghề, lao động kỹ thuật trình độ cao; Đề án đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân; Đề án đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ; Đề án phát triển nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên để thực hiện tốt khâu đột phá này ngoài 8 nhiệm vụ và 5 giải pháp được xác định trong Nghị quyết 05, cần đổi mới nhận thức về phát triển và sử dụng nhân lực, tạo sự chuyển biến mạnh về nhận thức các cấp lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở, chú trọng xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và văn hóa lành mạnh trong xã hội; sử dụng, đánh giá và đãi ngộ nhân lực phải dựa vào năng lực và kết quả, hiệu quả công việc.

Trên cơ sở quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương chủ động phối hợp trong quá trình xây dựng triển khai thực hiện chương trình, đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành, lĩnh vực địa phương, đảm bảo tạo sự thống nhất, đồng bộ và hiệu quả. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền sâu rộng đến các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và quần chúng nhân dân về chủ trương, chính sách, ý nghĩa, tầm quan trọng về phát triển nguồn nhân lực để mọi người dân hiểu đầy đủ về quyền lợi và trách nhiệm, nghĩa vụ khi tham gia phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.
 

*Ông Nguyễn Thanh Quang - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy: Trong năm đề án để thực hiện nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực, tôi cho rằng, đề án nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị là quan trọng nhất. Vì đây vừa là đội ngũ tham mưu, đề xuất, đồng thời cũng là người thực hiện nhiệm vụ "đột phá" này. Để làm tốt thì công tác tuyển chọn, đào tạo, bổ nhiệm, bố trí cán bộ phải công khai, minh bạch, đúng tiêu chuẩn, quy trình và có cơ cấu hợp lý. Cùng với đó, thì đề án tuyển chọn, bổ sung, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ các cấp mới được ban hành cũng được xem là việc làm có tính đột phá đối với tỉnh ta. Vì hiện nay, cán bộ chủ chốt của tỉnh đã ở độ tuổi khá cao, nếu không chuẩn bị nguồn từ bây giờ thì dẫn đến hẫng hụt cán bộ rất lớn. Đề án này sẽ bổ sung mỗi sở ngành cấp tỉnh và ban ngành cấp huyện 1 cán bộ trẻ dưới 40 tuổi có tình độ năng lực, để bổ sung cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo trẻ trong thời gian tới.

*Ông Nguyễn Minh Tuấn - Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh: Đột phá trước tiên là phải quy hoạch, đào tạo, sắp xếp, sử dụng cán bộ. Trong đó việc đào tạo phải có lộ trình thích hợp để đáp ứng được yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài. Thứ hai là phải quản lý chặt chẽ đầu vào và đầu ra để tránh lãng phí, cần chú ý đến không chỉ vấn đề chuyên môn nghiệp vụ mà còn quan tâm đến thể lực, tầm vóc, đạo đức của người lao động… Thứ ba là có chính sách thích hợp để thu hút nhân lực từ các nơi về, nhất là chính sách đối với nhân lực hiện có. Cùng với đó là chính sách về chỗ ở, BHXH, BHYT cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các doanh nghiệp.

*Ông Nguyễn Tấn Đức - Phó Giám đốc Sở Y tế: Để góp phần thực hiện có hiệu quả những mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 mà Nghị quyết đề ra, ngành y tế sẽ triển khai thực hiện những nhiệm vụ sau: Triển khai cụ thể và có hiệu quả Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đọan 2011 - 2030; chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020; Đề án phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; chương trình mục tiêu quốc gia về dân số - kế hoạch hoá gia đình trên địa bàn tỉnh; nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng, chủ động phòng, chống có hiệu quả các loại dịch bệnh; cải tiến công tác quản lý Nhà nước về y tế, mở rộng các loại hình dịch vụ y tế, bảo đảm có đủ số lượng y, bác sĩ và trang thiết bị, kỹ thuật để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.

*Ông Phạm Đăng Phước - Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng: Riêng đối với nhà trường, sau khi có các nghị quyết về phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, nhà trường cũng đã xây dựng chương trình hành động để thực hiện các nghị quyết này. Trong hoạt động của nhà trường cũng đã hướng đến các chỉ tiêu về nguồn nhân lực đã được xác định trong các đại hội, ví dụ như đào tạo các nguồn lực có chất lượng cao như tiến sĩ, thạc sĩ. Những năm qua, nhà trường đã đào tạo gần 300 học viên  hệ thạc sĩ ở 3 ngành, đóng góp  một phần nguồn nhân lực có chất lượng cao tham gia công tác ở tỉnh. Ngoài ra, phải tính đến việc phát triển các nguồn lực khác trong xã hội như chính trị, thương mại, công nghiệp… Để có được nguồn nhân lực có chất lượng thì phải xuất phát từ khâu đào tạo, đào tạo từ bậc phổ thông, đào tạo nghề và đào tạo ở các cấp bậc cao hơn, nhất là ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực giáo dục đào tạo.

 
THANH THUẬN
 


.