Giáo dục hướng nghiệp cho học sinh: Nhiều trăn trở

10:10, 23/10/2011
.

(QNg)- Hướng nghiệp là khâu quan trọng thuộc vào hàng bậc nhất đối với tương lai của đời người, nhất là đối với học sinh trung học. Thế nhưng công tác này chưa được coi trọng, nhiều trường học dạy hướng nghiệp theo kiểu "lấy lệ". 

*Chọn lối vào đời: Đủ thứ đắn đo

Em Nguyễn Văn Duy (18 tuổi, học Trường THPT Trần Quang Diệu, huyện Mộ Đức) thi trượt đại học trong kỳ tuyển sinh năm 2011, nhưng nhất quyết không nộp hồ sơ xét tuyển NV2 vào cao đẳng, trung cấp. Có người khuyên nộp hồ sơ xét tuyển cao đẳng nghề vì điểm thấp sợ xét tuyển "phía" chuyên nghiệp không đạt, Duy lắc đầu lia lịa và cho biết: "Chờ sang năm thi tiếp đại học. Nhiều người thi ba, bốn năm mới đỗ, mình thi lần đầu vội gì".
 
Thầy giáo Nguyễn Văn Minh-Phó hiệu trưởng Trường THPT Tư Nghĩa 1 giải thích cho học sinh khối lớp 10 biết thế nào là năng lực nghề nghiệp.
Thầy giáo Nguyễn Văn Minh-Phó hiệu trưởng Trường THPT Tư Nghĩa 1 giải thích cho học sinh khối lớp 10 biết thế nào là năng lực nghề nghiệp.

Mặc dù học lực chỉ ở mức “xém” yếu, nhưng Duy vẫn "nuôi" lối vào đời bằng con đường học đại học. Chẳng ai có thể can ngăn bởi đây là con đường Duy lựa chọn cho chính tương lai của mình. Bố mẹ Duy cũng ủng hộ con đường "thẳng tiến" đại học của con vì cho rằng chỉ có học đại học, mà phải là chính quy thì mới dễ xin việc. Không chỉ có trường hợp em Duy chọn con đường học đại học mà đây là thực trạng chung ở nhiều địa phương. Nhiều học sinh không xem xét học lực, ngành nghề phù hợp, mà cứ "lao vào" dự thi đại học.

Ông Hồ Tấn Yên-Trưởng phòng giáo dục trung học (Sở GD&ĐT) cho rằng: "Tình trạng thừa thầy thiếu thợ hiện nay cũng chính vì học sinh chọn con đường thẳng tiến đại học. Cần phải đánh giá lại công tác giáo dục hướng nghiệp, để phân luồng học sinh".

Việc "nuôi dưỡng" ước mơ nghề nghiệp cũng như định hướng lối đi cho tương lai đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với cuộc đời một con người. Đâu là trường thi phù hợp, ngành nghề phù hợp với năng lực, sở thích, nhu cầu phát triển của xã hội... Để có sự lựa chọn đúng đắn đối với học sinh chẳng đơn giản chút nào.

Thực tế có không ít người lãng phí thời gian, tiền của bởi "chọn sai con đường". Nhằm phát hiện và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất nghề nghiệp cho học sinh, giúp các em hiểu mình, hiểu yêu cầu của nghề và xu thế phát triển hệ thống nghề trong xã hội để có sự lựa chọn đúng đắn, Bộ GD&ĐT triển khai dạy hướng nghiệp cho học sinh ngay từ khi học lớp 9 và trong suốt 3 năm học THPT.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng cũng xác định: "Coi trọng công tác hướng nghiệp và phân luồng, chuẩn bị cho thanh thiếu niên đi vào lao động nghề nghiệp phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế cả nước và từng địa phương; đồng thời nhằm góp phần định hướng nghề nghiệp cho học sinh trước khi vào đời là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp bách của sự nghiệp giáo dục phổ thông ở nước ta hiện nay". Phát triển  nhân lực được tỉnh ta xác định là một trong ba nhiệm vụ đột phá. Giáo dục hướng nghiệp để học sinh chuẩn bị chu đáo cho con đường bước tới tương lai, để có được đội ngũ nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng đòi hỏi của xã hội là nhu cầu bức thiết, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Thế nhưng, hiện nay công tác giáo dục hướng nghiệp trong trường học ở tỉnh ta chưa được coi trọng.

Trưởng Phòng giáo dục trung học Hồ Tấn Yên cho biết: "Ở tỉnh ta hiện nay trường thì thành lập Ban tư vấn hướng nghiệp, nhưng cũng có trường không thành lập. Hầu như công tác này bị xem nhẹ".

* Lúng túng trong giảng dạy
   
Mặc dù Bộ GD&ĐT đề ra chương trình giáo dục hướng nghiệp dành cho từng khối lớp, thế nhưng mỗi nơi dạy một kiểu. Có trường, cùng chung khối lớp nhưng học sinh lớp này học khác lớp nọ. Trường thì Ban giám hiệu phụ trách giảng dạy, trường thì giao cho giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn. Số đông cán bộ-giáo viên dạy hướng nghiệp chưa được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ sư phạm về giáo dục hướng nghiệp, do đó thiếu những kiến thức cần thiết và lúng túng về cách thức tổ chức và phương pháp dạy học. Về phía học sinh thì ý thức về công tác hướng nghiệp nhìn chung rất hời hợt, thiếu thông tin.
 
 Học sinh cấp III tham gia học nghề gia chánh tại Trung tâm GDTX hướng nghiệp và dạy nghề huyện Sơn Tịnh.
Học sinh cấp III tham gia học nghề gia chánh tại Trung tâm GDTX hướng nghiệp và dạy nghề huyện Sơn Tịnh.

Theo quy định, hoạt động giáo dục hướng nghiệp được triển khai 1 tiết/tháng đối với tất cả các khối lớp. Tuy nhiên, thực tế có không ít trường gộp chung số tiết và gộp tất cả học sinh cùng khối lớp để "dạy một thể cho tiện". Đối với nhiều trường, hoạt động giáo dục hướng nghiệp chỉ mang tính qua loa, thiếu trách nhiệm, chủ yếu là "dạy cho có tiếng". Nhiều tiết học hướng nghiệp ở một số trường bị "biến" thành tiết văn nghệ, thành giờ nghỉ "xả hơi" của thầy và trò.

Ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Sơn Tịnh), công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh vẫn đang là nỗi trăn trở lớn đối với Ban giám hiệu nhà trường. Giáo viên chủ nhiệm các lớp được phân công trách nhiệm dạy hướng nghiệp cho học sinh. Một số cán bộ-giáo viên cốt cán dự lớp tập huấn công tác giáo dục hướng nghiệp do Sở GD&ĐT tổ chức, sau đó về triển khai lại cho giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên chủ nhiệm chủ yếu tập trung cho nhiệm vụ chuyên môn, nắm bắt rất ít kiến thức về giáo dục hướng nghiệp, do đó khó mà dạy tốt công tác hướng nghiệp cho học trò.

Cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Nga (chủ nhiệm lớp 10A5, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng), bộc bạch: "Giáo dục hướng nghiệp rất quan trọng, nhất là đối với học sinh khối lớp 10. Các em cần được tư vấn, hướng dẫn để sớm định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở thích... Chỉ dựa vào báo cáo do đồng nghiệp dự lớp tập huấn ở Sở mang về để dạy nên không tránh khỏi lúng túng. Để làm tốt công tác hướng nghiệp thì cần phải có cán bộ nắm vững chuyên môn hướng nghiệp".

Trong chương trình giáo dục hướng nghiệp khối lớp 10, chủ đề: "Em thích nghề gì?" có yêu cầu tổ chức cho học sinh tham quan mô hình cụm công nghiệp, làng nghề ở địa phương. Cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Nga trăn trở: "Chẳng biết có tổ chức cho các em tham quan được không, vì phụ thuộc vào phương tiện, thời gian...". Không riêng gì ở khối lớp 10 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng mà ở hầu hết các khối lớp và hầu hết các trường THPT trong tỉnh đều "nói không" với hoạt động tổ chức cho học sinh tham quan, giao lưu để nuôi dưỡng và phát triển niềm đam mê nghề nghiệp trong tương lai.

Ông Hồ Tấn Yên-Trưởng phòng giáo dục trung học, nhận định: "Hoạt động giáo dục hướng nghiệp ở các trường THPT nhìn chung còn đơn điệu, chưa bám sát thực tiễn, dẫn đến chưa lôi cuốn học sinh cũng như chưa phát huy tốt hiệu quả".

*Thầy giáo Trương Quang Dũng-Hiệu trưởng Trường THPT Tư Nghĩa 1:
"Những năm qua học sinh của trường thi đỗ ĐH, CĐ nguyện vọng 1 chiếm tỷ lệ cao, bên cạnh học lực của học sinh thì có sự góp phần đáng kể của công tác giáo dục hướng nghiệp. Ban giám hiệu của trường phụ trách công tác này. Cùng với tài liệu chung của Bộ GD&ĐT, Ban giám hiệu đẩy mạnh công tác thu thập thông tin tuyển sinh, nhu cầu tuyển dụng... để tư vấn cho học trò. Nhìn chung qua công tác giáo dục hướng nghiệp, học sinh đánh giá đúng thực lực nên đạt kết quả cao trong các kỳ thi. Tuy nhiên, cái khó cần được tháo gỡ hiện nay là khó bố trí tiết dạy hướng nghiệp vì chật kín thời gian dạy bộ môn chính khóa, mặt khác do thiếu phòng học. Thiết nghĩ, cần phải có giáo viên chuyên trách về công tác giáo dục hướng nghiệp, được đào tạo, tập huấn bài bản để nâng cao hiệu quả giáo dục hướng nghiệp.

*Thầy giáo Trần Quang Hồng-Phó hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng:
Phải thừa nhận rằng công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh là rất quan trọng. Thế nhưng thực tế trong giảng dạy, nhà trường đã vấp phải nhiều cái khó. Giáo viên chủ nhiệm chủ yếu tập trung cho môn dạy chính khóa, còn kiến thức về giáo dục hướng nghiệp thì được tập huấn rất sơ sài. Nhiều giáo viên cho rằng hoạt động này mới mẻ đối với họ. Nhà trường đang băn khoăn lựa chọn giải pháp để triển khai tốt hoạt động giáo dục hướng nghiệp.

*Bà Nguyễn Thị Thu-Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên hướng nghiệp-dạy nghề huyện Tư Nghĩa:
Công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh cần phải được quan tâm hàng đầu, vì đây là sự tiếp sức, mở lối để các em lựa chọn cho mình con đường nghề nghiệp trong tương lai. Thực tế qua công tác dạy nghề ở trung tâm thì không dám khẳng định là giúp học sinh học lành nghề. Tuy nhiên cũng góp phần hình thành ý thức nghề nghiệp cho học sinh, nhất là trang bị cho các em kiến thức cơ bản về năng lực và đạo đức nghề nghiệp, về an toàn lao động...

*Em Lý Thị Huyền Nhi (học sinh lớp 11B5, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng):
Chúng em còn nhỏ nên thiếu am hiểu kiến thức về nghề nghiệp. Em định sau khi tốt nghiệp THPT sẽ thi vào ngành sư phạm tiếng Anh, nhưng cũng chưa biết như thế nào, chỉ dự định ban đầu vậy thôi. Chúng em rất cần được thầy, cô giáo tư vấn hướng nghiệp, để có sự lựa chọn phù hợp cho tương lai.

 
PHƯƠNG LÝ

.