Làm gì để phát triển thương hiệu Muối Sa Huỳnh?

07:09, 24/09/2011
.

(QNg)- Ngày 17/9/2011, UBND huyện Đức Phổ công bố thương hiệu Muối Sa Huỳnh, do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) công nhận. Đây là một tin vui đối với diêm dân ở xã Phổ Thạnh. Tuy nhiên, làm gì để thương hiệu này mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần ổn định cuộc sống cho hàng trăm hộ diêm dân là vấn đề trăn trở của diêm dân hiện nay.
 

Những bước đi đầu tiên

Ngay sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu cho sản phẩm Muối Sa Huỳnh (27/4/2011), chính quyền đã tạo điều kiện để diêm dân vay gần 2 tỷ đồng cải tạo ruộng muối nhằm sản xuất muối sạch. Trước đó, tháng 11/2010 UBND huyện Đức phổ đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ruộng muối cho 557 hộ dân, để cải tạo ruộng muối trên nền xi măng hoặc phủ bạt nhằm tăng năng suất và sản lượng muối. Tuy nhiên muối thành phẩm vẫn ế ẩm, khiến diêm dân không mấy hăng hái.
 
  Diêm dân Sa Huỳnh gắn bó với nghề muối  bao đời nay nhưng cuộc sống vẫn luẩn quẩn trong nghèo khó.
Diêm dân Sa Huỳnh gắn bó với nghề muối bao đời nay nhưng cuộc sống vẫn luẩn quẩn trong nghèo khó.

Mỗi năm, đồng muối Sa Huỳnh sản xuất khoảng 8.000 tấn cung cấp cho thị trường trong tỉnh và các vùng lân cận. Nhưng có đến 50% sản lượng muối thu hoạch diêm dân không bán được. Giá muối "bèo bọt" từ 400- 500 đồng/kg, khiến người làm muối không thể khá lên. Để gỡ gạc lại công sức bỏ ra, bà con diêm dân phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm và phải chịu cảnh hoặc bị tư thương ép giá, hoặc phải gánh đi bán dạo khắp các làng quê.

Hình ảnh những diêm dân Sa Huỳnh đi rao bán muối khắp mọi nơi không có gì lạ với người dân Quảng Ngãi. Và cũng có nhiều người trữ muối lại chờ giá lên, để rồi muối lại tan thành nước. Đó là một thực tế cay đắng lâu nay của người làm muối Sa Huỳnh. Thời gian qua diêm dân Phổ Thạnh vẫn loay hoay tìm lối ra cho cuộc sống của mình bằng nghề truyền thống này, nhưng vẫn không thay đổi được gì.

Làm gì để "cái tiếng" cải thiện "cái miếng"?

Việc muối được công nhận thương hiệu là một niềm vui đối với diêm dân Sa Huỳnh, là cơ hội để sản phẩm làm ra được tiêu thụ mạnh, nhằm cải thiện cuộc sống cho diêm dân. Nhưng để cơ hội này thành hiện thực thì cần có sự vào cuộc của cả chính quyền và người dân nơi đây.

Thực tế lâu nay muối Sa Huỳnh được sản xuất thủ công trên ruộng đất, nên tạp chất nhiều, khiến sản phẩm làm ra khó tiêu thụ. Đây là rào cản rất lớn để phát triển thương hiệu. Việc cải tạo đồng muối để làm muối sạch cần phải có vốn để làm nền xi măng. Mặt khác, hệ thống kênh mương nội đồng cũng cần được cải tạo, để dẫn nước biển và chống úng khi trời mưa. Hệ thống đường giao thông nội đồng phải được xây dựng để việc vận chuyển muối thuận lợi.

Vấn đề này đã được UBND huyện Đức Phổ tính đến và đã bố trí 150 triệu đồng làm đề án khảo sát quy hoạch tổng thể đồng muối Sa Huỳnh.  Thời gian qua, muối làm trên nền ruộng xi măng thì tạp chất ít và có giá bán cao hơn muối thường, nhưng xét về hiệu quả kinh tế thì vẫn chưa cao (vì người dân phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm nên bị tư thương ép giá). Ông Nguyễn Hải - một diêm dân ở thôn Tân Diêm cho biết, vụ muối vừa rồi gia đình ông đã đầu tư 20 triệu đồng để nâng nền xi măng với diện tích 100m2, giá muối thời điểm hiện tại trên nền xi măng là 900 đồng/kg (cao hơn 300 đồng so với muối thường). Tuy nhiên đến nay ông vẫn chưa thu lại vốn. Trong khi đó nền xi măng đã bắt đầu bong tróc. Để cải tạo ruộng muối sản xuất muối sạch, cần phải có nguồn vốn cho dân vay.

Những yêu cầu trên là thiết yếu cần phải đáp ứng để phát triển thương hiệu và góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho muối Sa Huỳnh. Tuy nhiên vấn đề cốt lõi là, giá cả và đầu ra cho sản phẩm là cái mà diêm dân cần nhất. Việc xây dựng các Nhà máy chế biến tạo nên những sản phẩm đa dạng sau thu hoạch là bước đi quan trọng, để vừa tiêu thụ ổn định muối thành phẩm cho diêm dân, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế.

Nhà máy chế biến muối Sa Huỳnh được xây dựng từ 5 năm trước nhằm tiêu thụ sản phẩm cho cả đồng muối Sa Huỳnh, nhưng nhà máy chỉ hoạt động được 2 năm thì đóng cửa, và muối làm ra không bán được. Đây là một nghịch lý cần có sự tháo gỡ từ cơ quan chức năng và doanh nghiệp. Bên cạnh đó với những xã viên sử dụng thương hiệu tập thể Muối Sa Huỳnh, thì cần phải tự bảo vệ quyền lợi cho mình bằng cách tuân thủ các quy định trong quy trình sản xuất  muối. Đồng thời, xã viên có quyền yêu cầu cơ quan chức năng xử lý các trường hợp sử dụng nhãn hiệu trái quy định.
 
 Trong khi diêm dân loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm, thì Nhà máy chế biến muối Sa Huỳnh lại ngừng hoạt động đã 3 năm nay.
Trong khi diêm dân loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm, thì Nhà máy chế biến muối Sa Huỳnh lại ngừng hoạt động đã 3 năm nay.

Để thương hiệu thực sự mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần cải thiện cuộc sống của những người làm muối, thì các đơn vị liên quan và những chủ thể trực tiếp làm ra sản phẩm phải thay đổi cách làm. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến muối, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng từ muối sống, để nâng cao giá trị cho muối Sa Huỳnh.

Sa Huỳnh được biết đến với những di chỉ khảo cổ, du lịch và đồng muối được lưu truyền trong bản sắc của địa phương, là địa danh không xa lạ với người dân cả nước. Giờ đây Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Muối Sa Huỳnh" là góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho diêm dân Sa Huỳnh quảng bá thương hiệu rộng rãi trong và ngoài nước. Hy vọng với thương hiệu Muối Sa Huỳnh nhân dân nơi đây sẽ có điều kiện tiếp thu, học hỏi và truyền đạt kinh nghiệm, để xây dựng chất lượng muối Sa Huỳnh hiệu quả cao hơn.
 
*Ông Nguyễn An- PGĐ Sở Công thương:
Muốn phát triển thương hiệu Muối Sa Huỳnh thì hoạt động quảng bá, giới thiệu, tiếp thị có hiệu quả sản phẩm đóng vai trò rất quan trọng. Để làm được điều này cần có sự kết hợp giữa phương pháp tiếp thị truyền thống, cùng với phương pháp tiếp thị hiện đại. Phương pháp truyền thống là: Tập trung vào khách hàng hiện tại, tạo ra thị trường mới bằng sản phẩm mới, làm mới sản phẩm cũ, khách hàng là người đặt ra giá cả, trao vai trò mới cho hoạt động phân phối, quảng bá không đơn giản là quảng cáo... Các phương pháp tiếp thị hiện đại có chi phí thấp hơn, lan tỏa nhanh và rộng hơn so với phương pháp truyền thống. Đó là các hoạt động liên quan đến người bán hàng, người đi mua hàng, quầy kệ trưng bày, siêu thị, chợ... với mục tiêu là làm sao để bán được hàng càng nhiều càng tốt. Ngoài quảng cáo trên báo, đài, các hoạt động khác như sáng tạo, đổi mới, giữ gìn, kích hoạt thương hiệu... cũng cần được chú trọng. Điều cần thiết trước hết là việc vận động, quảng bá, giới thiệu để người tiêu dùng trong tỉnh có thói quen sử dụng muối Sa Huỳnh. Bên cạnh đó hoạt động quảng bá còn hướng đến người tiêu dùng trên cả nước thông qua những người con của Quảng Ngãi, hoạt động du lịch, ngư dân làm muối và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh muối Sa Huỳnh. Tham gia triển lãm tại các hội chợ thực phẩm là cơ hội lớn để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có dịp quảng bá, giới thiệu sản phẩm cho rất nhiều đối tượng người tiêu dùng.

*Ông Nguyễn Đức Tỵ- Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ:
Những năm qua huyện đã đầu tư khoảng 10 tỷ đồng, để xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ cho diêm dân. Việc muối Sa Huỳnh được bảo hộ nhãn hiệu tập thể là một "cú hích" quan trọng để người dân, cùng với chính quyền xây dựng và thực hiện đề án phát triển thương hiệu muối Sa Huỳnh bền vững, góp phần nâng cao đời sống diêm dân. Thời gian đến, từ nguồn ngân sách huyện sẽ hỗ trợ diêm dân chuyển đổi mô hình sản xuất hiện nay sang sản xuất muối sạch, mà việc làm đầu tiên là giải ngân gần 2 tỷ đồng cho diêm dân. Muốn mô hình này thành công, diêm dân cần phải có ý thức bảo vệ thương hiệu Muối Sa Huỳnh bằng các việc làm cụ thể như: Sử dụng nhãn hiệu theo đúng mẫu đã đăng kí trên các sản phẩm hàng hóa, phương tiện dịch vụ của mình trong hoạt động sản xuất; không được dùng nhãn hiệu cho các sản phẩm không phải nguồn gốc muối Sa Huỳnh; duy trì chế độ kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa, dịch vụ do các thành viên thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật về tiêu chuẩn hàng hóa, dịch vụ.

*Ông Nguyễn Thịnh- Chủ nhiệm HTX Muối 1 Sa Huỳnh:
Khó khăn muôn đời nay với nghề làm muối là giá cả. Người dân phải tự “bơi” để tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. HTX cũng chỉ khuyến khích bà con đầu tư làm muối sạch, để có giá bán khá hơn, nhưng phần lớn người dân không đủ tiền để đầu tư cải tạo ruộng xi măng, vì thế, việc sản xuất muối sạch không mấy phát triển, dẫn đến việc bán muối với nhiều tạp chất luôn bị tư thương ép giá. Nay có thương hiệu, HTX sẽ tập hợp bà con, cùng với cơ quan chức năng phổ biến những kiến thức cần thiết ngay từ trong khâu sản xuất đến việc sử dụng nhãn hiệu để nghề muối nơi đây phát triển theo hướng tích cực hơn, giúp cải thiện cuộc sống cho bà con xã viên.

*Ông Trần Ngọc Thạch- diêm dân HTX Muối 2 Sa Huỳnh:
Diêm dân chúng tôi rất vui khi muối do mình làm ra đã thành thương hiệu, nhưng nếu cuộc sống của diêm dân vẫn bấp bênh như thời gian qua, thì việc bảo hộ nhãn hiệu tập thể Muối Sa Huỳnh để làm gì? Cái chúng tôi cần là "cái miếng", chứ không chỉ là "cái tiếng". Huyện hô hào là phải sản xuất muối sạch, nhưng đầu ra liệu có ổn định? Có một thực tế là để sản xuất 150m2 diện tích muối sạch, diêm dân đầu tư số tiền khoảng 40 triệu đồng (vay mượn). Nhưng khi muối không bán được, thì diêm dân đành chất muối thành đống, nợ thì vẫn còn nguyên. Do đó cái cốt lõi là cùng với việc đầu tư nâng cao chất lượng muối, thì việc đầu tư các dịch vụ hậu cần nghề muối đóng vai trò rất quan trọng. Từ đó diêm dân mới mong sống được từ... muối.

X.Thiên - N.Triều

.