Khiếu nại đông người, khiếu nại tập thể: Đâu là giải pháp để hạn chế

04:06, 28/06/2011
.

(QNg)- Trong những năm qua, tình trạng khiếu nại đông người ở Quảng Ngãi đang có xu hướng diễn biến ngày càng phức tạp, tuy số vụ diễn ra không nhiều. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp hạn chế vấn đề trên?
 
Trong 6 tháng qua, các cơ quan hành chính trong tỉnh tiếp 1.410 lượt người/1.041 vụ trực tiếp khiếu nại, tố cáo (so với cùng kỳ năm 2010 giảm 32,53%). Trong đó có 12 đoàn đông người/12 vụ. Đáng chú ý là có 2 đoàn đông người kéo đến trụ sở làm việc của Thanh tra tỉnh và UBND tỉnh kiến nghị, phản ánh liên quan đến khiếu nại, tố cáo. Tuy không thuộc thẩm quyền, nhưng Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức đối thoại trực tiếp, công khai các kết quả xử lý của cơ quan chức năng, của UBND huyện, UBND xã, nên kịp thời ngăn chặn những phát sinh không cần thiết.
 

Có nhiều lý do để dân khiếu nại

Theo Thanh tra tỉnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến người dân tham gia khiếu nại đông người, khiếu nại tập thể. Đó là: Người dân bức xúc trước việc thiếu nhất quán trong quá trình thực hiện chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư và thực hiện các chính sách an sinh xã hội; quyền lợi của một bộ phận người dân giải quyết không thoả đáng. Điển hình như vụ một bộ phận người dân của xã Bình Thanh Tây (Bình Sơn) cản trở, chiếm đất sản xuất của người dân tái định cư từ giữa năm 2010 trở về trước.

Người dân tái định cư quay về lại xã Bình Trị chiếm lại đất cũ mà Nhà nước đã đền bù, thu hồi, gây mất trật tự tại địa phương. Trong vụ việc này có một bộ phận người dân bị đối tượng xấu kích động. Nhờ sự quan tâm tích cực của tỉnh và các hội đoàn thể, mặt trận các cấp, nên đến nay tình hình đã cơ bản ổn định. Hay như việc bồi thường đất đối với dự án siêu thị VT- Mart ở thị trấn Sơn Tịnh, chủ đầu tư đã "ép" không bồi thường đất nông nghiệp xen trong khu dân cư cho dân. Do đó hàng chục hộ dân đã kéo đến UBND huyện Sơn Tịnh phản ứng gay gắt. "Trước tình hình không thể trốn trách nhiệm, chủ đầu tư buộc phải chi hơn 3 tỷ đồng để bồi thường bổ sung cho dân. Dự án này hiện nay đã sang nhượng cho chủ đầu tư mới, nhưng việc sử dụng đất kém hiệu quả, không giải quyết việc làm cho số hộ có đất nông nghiệp bị thu hồi như đã cam kết ban đầu, khiến dân đang rất bức xúc"- bà Nguyễn Thị Thanh cho biết.

Một nguyên nhân nữa là, chính quyền thiếu cương quyết trong việc xử lý những tồn tại, bất cập ở địa phương đã được cấp có thẩm quyền kết luận giải quyết, làm cho dân hoài nghi là chính quyền bao che. Vụ 18 hộ dân ở thôn Vạn Lý, xã Phổ Phong (Đức Phổ) khiếu nại, tố cáo cán bộ xã chiếm đất và khai thác rừng của tập thể là không đúng nhưng lại được UBND huyện Đức Phổ cấp sổ đỏ là một minh chứng. Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại, ban hành quyết định giải quyết từ nhiều năm nay nhưng huyện Đức Phổ chưa thực hiện dứt điểm, dẫn đến người dân bức xúc, liên tục kéo ra trụ sở Phòng tiếp dân của UBND tỉnh phản ánh. Mặt khác nhận thức pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, dẫn đến dễ bị kích động, xúi giục, lôi kéo tham gia khiếu nại đông người, khiếu nại tập thể. Điển hình như vụ gần cả trăm phụ nữ ở xã Nghĩa An bị kích động đã kéo lên UBND tỉnh, Công an huyện Tư Nghĩa để phản đối cho rằng việc bắt giam, khởi tố ông Võ Đình Thành can tội cố ý gây thương tích là oan sai. Qua vụ việc này cho thấy, công tác nắm tình hình của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương còn buông lỏng...

Đâu là giải pháp hữu hiệu   

Theo lãnh đạo Sở Tư pháp cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật khiếu nại, tố cáo trong mọi tầng lớp dân cư. Thực tế thời gian qua, các cấp chính quyền trong tỉnh có triển khai nhưng kết quả còn thấp,  chưa đi vào đời sống nhân dân. Ông Phạm Ngọc Vinh (70 tuổi) thôn Phổ Trung, xã Nghĩa An (Tư Nghĩa) cho biết: Tuyên truyền pháp luật cho nhân dân là cần thiết, nhất là đối với bà con ngư dân. Biết được pháp luật sẽ có lập trường vững vàng, bảo vệ chính bản thân và gia đình, không bị những "kẻ xấu" lợi dụng, lôi kéo khiếu nại bất chính, nhằm góp phần ổn định an ninh trật tự, phát triển kinh tế địa phương.

Cần tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan hành chính Nhà nước các cấp với các hội, đoàn thể, mặt trận trong việc hoà giải, giải quyết khiếu nại, tố cáo phát sinh ngay từ cơ sở, nhằm ổn định trật tự xã hội, hạn chế khiếu nại, tố cáo đông người lên cấp trên. Bởi lẽ một số đoàn thể trong tỉnh chưa quan tâm,  còn nhiều hạn chế trong việc nghiên cứu, nắm bắt tính chất vụ việc, căn cứ chính sách, pháp luật để phối hợp tuyên truyền, giáo dục, vận động thuyết phục và thực hiện công tác hoà giải ở cơ sở; chấn chỉnh tình trạng chấp hành kỷ cương, kỷ luật trong bộ máy Nhà nước; vẫn còn tình trạng cấp trên chỉ đạo, nhắc nhở nhiều lần nhưng cấp dưới không chấp hành, hoặc chấp hành không đầy đủ. Trong khi đó biện pháp xử lý chỉ mới dừng lại ở việc phê bình, nhắc nhở nên chưa đủ sức răn đe. Theo UBND tỉnh cho biết đến nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn 55 quyết định và văn bản xử lý của Chủ tịch UBND tỉnh chưa được thực hiện nghiêm. Tình trạng này không được chấn chỉnh sẽ tạo ra cái cớ để bọn xấu xuyên tạc, kích động, lôi kéo nhiều người có liên quan hoặc thiếu hiểu biết pháp luật tham gia khiếu nại, tố cáo đông người.

Một giải pháp không kém phần quan trọng nữa là, phải tăng cường trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan hành chính trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa, hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo. Chú trọng trách nhiệm trong công tác quản lý đất đai và thực hiện nghiêm chính sách an sinh xã hội. Việc tiếp dân phải gắn với việc giải quyết, không nên ngâm hồ sơ; hướng dẫn người khiếu nại thực hiện đúng trình tự trong việc khiếu nại, tố cáo mà pháp luật quy định. Trường hợp có khiếu nại, tố cáo đông người, gay gắt, phức tạp, thì Chủ tịch UBND các cấp, thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước phải tiếp dân, có biện pháp chỉ đạo, giải quyết kịp thời, không để công dân bức xúc khiếu nại vượt cấp. Trong quá trình xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, để trao đổi, thống nhất biện pháp, phương án giải quyết, nội dung giải quyết vụ việc phải sát đúng với thực tiễn, đảm bảo có lý, có tình, có tính khả thi trong thực tế để chấm dứt khiếu nại...
      

*Ông Lê Văn Sách- Phó trưởng Công an huyện Bình Sơn: Cùng với phát triển kinh tế- xã hội, trong những năm qua, tình trạng khiếu kiện, khiếu nại tập thể, đông người trên địa bàn huyện diễn biến khá phức tạp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, như: trong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng, cơ quan thực hiện áp giá đền bù có thiếu sót, không rõ ràng, minh bạch; giá bồi thường tại mỗi thời điểm khác nhau; trong công tác di dời, tái định cư, người chấp hành chủ trương của Nhà nước thì bị thiệt, dẫn đến người dân không đồng tình. Trong quá trình tổ chức phân phát tiền, quà cứu trợ bão lụt có nhiều khiếm khuyết,... dẫn đến người dân bất bình. Các vụ khiếu kiện, khiếu nại tập thể, đông người tập trung chủ yếu ở KKT Dung Quất. Để hạn chế và kiểm soát tình hình có thể phát sinh trong quá trình người dân khiếu kiện, khiếu nại tập thể, đông người, Công an huyện thường xuyên nắm bắt tình hình để tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền biết và chủ động giải quyết thỏa đáng những quyền lợi chính đáng của dân. Nhờ đó đã góp phần hạn chế tình trạng một số cá nhân lợi dụng sự cả tin và thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân để lôi kéo tham gia khiếu kiện tự phát làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự ở địa phương.

*Ông Trần Đình Sơn- Chủ tịch UBMTTQVN xã Nghĩa An (Tư Nghĩa): Trong những năm gần đây, trên địa bàn xã không xảy ra vụ việc khiếu kiện, khiếu nại tập thể. Tuy nhiên đầu năm 2011 đã xảy ra một vụ mà nguyên nhân là do người nhà của phạm nhân Võ Đình Thành lợi dụng sự cả tin của một số người dân, nên "lôi kéo" họ tham gia làm mất trật tự tại khu vực UBND tỉnh, Công an huyện Tư Nghĩa. Để xảy ra vụ việc trên trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính quyền và các hội, đoàn thể và mặt trận xã Nghĩa An, do thiếu sâu sát trong công tác nắm tình hình và diễn biến tư tưởng trong dân.

 

Đây là một bài học đắt giá mà địa phương cần rút kinh nghiệm, không được tái diễn. Nguyên nhân do một số người dân thiếu thông tin, nhận thức pháp luật chưa đúng, nên đã tham gia vào vụ việc này. Thời gian đến chúng tôi sẽ thường xuyên theo dõi, bám sát tình hình ở khu dân cư để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; qua đó  kịp thời báo cáo các cấp chính quyền xử lý các trường hợp khiếu kiện hoặc lôi kéo khiếu kiện đông người...

*Ông Trần Nhân (55 tuổi) ở thôn Tân An, xã Nghĩa An (Tư Nghĩa): Tôi là người tham gia trong vụ phản ứng cơ quan công an huyện Tư Nghĩa bắt và truy tố ông Võ Đình Thành tại UBND tỉnh. Sở dĩ có sự việc, này là do tôi không biết rõ hết bản chất vụ việc mà chỉ nghe người nhà ông Võ Đình Thành bảo Công an huyện bắt người tố cáo tiêu cực trái pháp luật. Sau đó được chính quyền địa phương giải thích, tôi nhận ra rằng việc làm của tôi là vi phạm pháp luật, cần phải kiểm điểm rút kinh nghiệm. Theo tôi để mọi người dân không bị lôi kéo tham gia những vụ tương tự như trên, trước mắt cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, để mọi người biết quyền được khiếu nại, tố cáo và những điều pháp luật không cho phép như, khiếu nại đông người, khiếu nại tập thể. Trong quá trình điều hành, thực thi pháp luật của các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể, mặt trận phải thực hiện đúng nguyên tắc dân chủ, mọi cá nhân đều phải bình đẳng trước pháp luật.

*Ông Nguyễn Minh Long (71 tuổi) ở xóm 4, thôn An Quang, xã Bình Thanh Tây (Bình Sơn): Sở dĩ từ năm 2010 trở về trước một bộ phận người dân ở đây nhiều lần tụ tập đông người kéo lên UBND huyện Bình Sơn, UBND xã Bình Thanh Tây để phản ánh đòi quyền lợi là vì: Họ mất đất sản xuất, đời sống bị đảo lộn (do phải nhường đất cho dân thuộc dự án NMLD vào TĐC nhưng không được bồi thường thiệt hại về đất như dân TĐC). Nguyên nhân chủ yếu ở đây là do các cấp chính quyền chậm xem xét các nguyện vọng chính đáng của người dân. Đến nay vụ việc cơ bản được giải quyết ổn định, người dân yên tâm đầu tư sản xuất.

 

PHÚ ĐỨC - TRỊNH PHƯƠNG

.