Vệ sinh môi trường ở trường học Miền núi, nông thôn nhiều nơi quá nhếch nhác

03:04, 17/04/2011
.

(QNg)- 3 năm qua, thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉnh ta đã triển khai mô hình "Trường học thân thiện học sinh tích cực". Theo mô hình, một trong những tiêu chí quan trọng là xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn. Tuy vậy thực tế chỉ một số trường học ở các vùng trung tâm thị trấn, huyện, thành phố thực hiện tương đối tốt. Còn ở các điểm trường vùng nông thôn và miền núi thì nhà vệ sinh (NVS) quá nhếch nhác hoặc chưa xây dựng…

*Nhà vệ sinh là… bìa rừng

Tại Trường tiểu học xã Ba Liên (Ba Tơ) hằng ngày có hơn 200 học sinh đến học (132 học sinh tiểu học và 71 học sinh THCS (thuộc lớp nhô) và 20 giáo viên đứng lớp. Nhưng việc tiểu tiện, nước sinh hoạt phải nhờ nhà dân hay… ra phía rừng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do công trình vệ sinh, nước sinh hoạt đã xuống cấp nhiều năm nay, nhưng chưa có kinh phí để sửa chữa. Phía sau trường mùi hôi nồng nặc.
 
 Trường mầm non 11/3 Ba Tơ đạt chuẩn.
Trường mầm non 11/3 Ba Tơ đạt chuẩn.

Ở Trường THCS xã Ba Khâm còn tồi tệ hơn. Ngoài số lượng học sinh hàng ngày đến trường, còn là nơi cư trú của đội ngũ giáo viên giảng dạy (đa số ở đồng bằng lên trú ngụ lại). Hàng ngày sau giờ lên lớp, các thầy cô giáo  phải đi lấy nước từ các con suối để dùng. Hỏi chuyện các thầy cô lắc đầu: "Công trình nước sinh hoạt, nước uống xây rồi hư hỏng nhiều năm nay mà không sửa chữa, thì làm sao có NVS đảm bảo được". Thế là tất cả thầy trò của trường nhiều năm nay đành tận dụng phía bìa rừng làm… NVS.

Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Tơ có 53 điểm trường ở 3 bậc học: Mầm non, tiểu học, THCS, thì chỉ có 10 trường cơ bản có công trình vệ sinh, nước sinh hoạt đảm bảo. Số trường còn lại nhiều nơi chỉ có phòng học không có nước và công trình vệ sinh. Một số trường do việc đầu tư kinh phí chưa đồng bộ, nên chưa thể xây dựng tường rào cổng ngõ. Những ngày nghỉ cuối tuần, trường thiếu người trông coi, nên người dân thả gia súc vào khu vực trường phóng uế bừa bãi...

Ngoài vùng cao Ba Tơ, các trường mầm non, tiểu học, THCS  các huyện miền núi Tây Trà, Trà Bồng, Sơn Hà, Minh Long tình trạng không có NVS, hoặc có mà bị xuống cấp xảy ra trong nhiều năm nay.

Ở các xã vùng nông thôn,  mỗi khi mùa mưa về do công trình vệ sinh làm tạm bợ hoặc quá thấp, đã kéo theo hệ lụy ô nhiễm môi trường. Tại huyện Bình Sơn, các điểm trường dọc ven sông Trà Bồng như: Bình Minh, Bình Chương, Bình Long, Bình Thới, Bình Dương, Bình Đông... mỗi mùa mưa đến nước sông Trà Bồng dâng lên, thường làm nhà vệ sinh bị sập. Mọi thứ dơ bẩn cuốn theo dòng nước tràn đến khu dân cư, nên dễ gây bệnh tiêu chảy, ghẻ lở...

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi, qua 3 năm triển khai xây dựng mô hình trường học thân thiện, học sinh tích cực (trong đó có tiêu chí trường lớp học xanh, sạch, đẹp, an toàn) tuy đã chuyển biến tích cực, nhưng so với con số chưa làm được còn quá lớn. Toàn tỉnh có 616 điểm ở 4 bậc học: Mầm non, tiểu học, THCS và THPT, thì mới có trên 50% điểm trường có công trình vệ sinh đảm bảo tiêu chí xây dựng trường học thân thiện... Có hàng trăm điểm trường thiếu công trình nước sinh hoạt, mật độ cây xanh, thiếu ánh sáng, mật độ an toàn trong việc học tập...

*Nhà vệ sinh không có trong thiết kế?

Nguyên nhân của tình trạng nêu trên một phần là do ngay từ đầu  khi xây dựng công trình trường học, NVS đã  không có trong thiết kế. Bởi một quan niệm "phòng học là nhu cầu cấp bách thì phải xây dựng trước, còn NVS công trình nước sinh hoạt sẽ tính sau". Hậu quả đã dẫn đến các chương trình đầu tư cho ngành giáo dục, như kiên cố hóa trường lớp học, xây dựng trường từ ngân sách huyện, tỉnh cũng chỉ tập trung giải quyết phòng học ở các điểm trường, còn công trình NVS đã bị "bỏ quên". Một số trường xây dựng công trình NVS cũng chỉ mang tính chất tạm thời, không được tính toán khảo sát kỹ và không có hệ thống nước, nên sau khi xây dựng bàn giao cho nhà trường,  NVS  cũng chỉ làm cho có mà thôi.
 

 

Công trình nhà vệ sinh, nước sinh hoạt ở trường tiểu học Ba Liên xuống cấp, bỏ hoang
Công trình nhà vệ sinh, nước sinh hoạt ở trường tiểu học Ba Liên xuống cấp, bỏ hoang

Hiện nay trường học cần phải được xây dựng đảm bảo các công trình vệ sinh, phòng học đủ ánh sáng, sân trường phải có bóng cây xanh. Môi trường trường học không đảm bảo vệ sinh và các em chưa có ý thức vệ sinh cho bản thân mình, là nguyên nhân chính gây bệnh giun sán gia tăng trong học sinh. Còn ở khu vực trường học ẩm thấp, thiếu cây xanh, thiếu ánh sáng dẫn đến nhiều bệnh như cận thị, bệnh tim ảnh hưởng đến quá trình phát triển trí tuệ, khả năng học tập của các em.

Từ thực tế đã nêu cho thấy: Nhu cầu vệ sinh cá nhân của hàng ngàn giáo viên, học sinh là chính đáng.  Do vậy, việc đầu tư xây dựng trường học (dù từ ngân sách hay tài trợ từ các doanh nghiệp) cần phải đảm bảo vấn đề này. Có vậy trường học mới thật sự "thân thiện" và học sinh mới "tích cực" đúng nghĩa như mô hình mà Bộ giáo dục và Đào tạo đã triển khai.
 
*Ông Thái Văn Đồng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: "Hạn chế tối đa tình trạng trường học mà không có công trình phụ".   
Qua 3 năm triển khai chương trình "Trường học thân thiện, học sinh tích cực" đã có sự chuyển biển tích cực trong môi trường giáo dục. Các thầy cô giáo, học sinh đều phát huy việc bảo vệ  xây dựng trường lớp, trồng cây xanh, để đảm bảo cảnh quan trường học. Tuy nhiên vẫn còn khá nhiều điểm trường, nhất là các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa vì kinh phí hạn hẹp, nên chưa xây dựng NVS, nước sinh hoạt, tường rào cổng ngõ. Lãnh đạo Sở Giáo dục đã có nhiều đợt đi kiểm tra về cơ sở vật chất, việc dạy và học ở các trường và đã chỉ đạo: Đối với những điểm trường không có NVS kiên cố, thì nên xây dựng công trình vệ sinh thủ công, nhưng cần phải rắc vôi, tro để khử trùng, hạn chế tối đa về trường học mà không có công trình phụ. Nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài thông qua nhiều nguồn kinh phí khác nhau, ngành giáo dục tiếp tục đầu tư xây dựng NVS, cải tạo cảnh quan trường học.

*Ông Trương Công Lập - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Tơ : "Cần sự quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng NVS, nước sinh hoạt ở trường học một cách đồng bộ.
Ba Tơ là huyện miền núi cuộc sống của người dân còn khó khăn nên chủ yếu dựa nguồn kinh phí từ các chương trình của Trung ương và của tỉnh phân bổ để xây dựng cơ sở vật chất trường  học. Chính vì vậy nên nhiều trường học thiếu phần công trình phụ. Từ thực tế này, ngành Giáo dục huyện Ba Tơ rất mong sự đầu tư đồng bộ  các hạng mục ở một điểm trường, chứ không thể xây dựng trường lớp còn NVS, nước sinh hoạt thì sau này sẽ tính như trước đây.  Có vậy môi trường trường học mới  đảm bảo cho công tác giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh

*Ông Phạm Ngọc Não - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Sơn: Đừng triển khai xây dựng cơ sở vật chất trường học theo kiểu  "đánh trống bỏ dùi".
Toàn huyện Bình Sơn chỉ có 30/86 điểm trường ở 3 bậc học mầm non, tiểu học và THCS có công trình NVS, nước sinh hoạt. Số còn lại là công trình tạm bợ, hoặc "trắng" công trình NVS. Nhiều điểm trường không có NVS, mà nằm dọc ven sông Trà Bồng mưa xuống là ngập nước, nắng lên là thiếu nước sinh hoạt, nước uống, nên cần lắm sự đầu tư về NVS, hệ thống nước sinh hoạt đảm bảo cho giáo viên và học sinh. Thế nhưng, qua 3 năm triển khai chương trình "Trường học thân thiện, học sinh tích cực" việc đầu tư xây dựng NVS, nước sinh hoạt vẫn chưa được cải thiện. Để chủ trương đi vào cuộc sống, thì cấp trên cần quan tâm đầu tư nguồn kinh phí thực hiện, chứ triển  khai theo kiểu "đánh trống bỏ dùi" để các trường tự xoay xở thì không thể làm được

*Thầy Võ Cao Cường - Trường tiểu học  Ba Liên (Ba Tơ): "Nên khảo sát kỹ lưỡng trước khi xây dựng công trình NVS, nước sinh hoạt".
Khi có nguồn kinh phí đầu tư công trình NVS, nước sinh hoạt thì chủ đầu tư phải tính toán khâu thiết kế cho đảm bảo. Trường học xây dựng từ năm 2002 đưa vào sử dụng được vài năm, thì thấy nhu cầu về công trình NVS, nước sinh hoạt cần thiết, nên đề nghị cấp trên quan tâm đầu tư xây dựng thêm. Nhưng chất lượng các công trình không đảm bảo, vì thế chỉ sử dụng được hơn năm thì công trình nước sinh hoạt xuống cấp, không sử dụng được,  đành bỏ hoang. Mong rằng việc đầu tư xây dựng công trình NVS, nước sinh hoạt cần phải đảm bảo chất lượng và các trường cũng phải quan tâm bảo vệ công trình để sử dụng được lâu.
 


MAI HẠ

.