Nước sạch: Bao giờ đến nông thôn dân sử dụng

09:12, 24/12/2010
.

(QNg)- Thời gian qua, ở Quảng Ngãi đã có hàng chục tỷ đồng đã đổ xuống cho những công trình nhằm mang dòng nước mát về cho bà con sinh hoạt, ăn uống. Thế nhưng thực tế  có nhiều công trình không phát huy tác dụng, xuống cấp nghiêm trọng. Liệu nước sạch, nước hợp vệ sinh có  về nông thôn như kế hoạch  giai đoạn 2006 -2010?  

* Tiền tỷ đầu tư, nhưng nước chưa đến đích
 
Trong 5 năm qua, với nhiều nguồn kinh phí của các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; các tổ chức Quốc tế; chương trình 135 (giai đoạn 1,2), 134; chương trình 30A... đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng 161 công trình cấp nước sinh hoạt lớn nhỏ. Các công trình này đáp ứng cho dân khu vực nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh khoảng 80%. Trong đó có 65,7% là nước đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế ban hành (đạt 100% kế hoạch đề ra đến năm 2010). Đáng lẽ nguồn nước mát mà sạch sẽ này đến đúng đích thì dân vui mừng khôn xiết, bởi khắc phục được cảnh phải đào các giếng khơi, vắt mạch ngầm bìa ruộng, múc nước suối sinh hoạt, ăn uống, hạn chế được bệnh tật bảo vệ sức khỏe con người.
 
 Hàng ngàn hộ dân nông thôn vùng thiếu nước sinh hoạt, cần lắm những công trình phát huy tác dụng như thế này.
Hàng ngàn hộ dân nông thôn vùng thiếu nước sinh hoạt, cần lắm những công trình phát huy tác dụng như thế này.

Tuy nhiên, trong những chuyến công tác vùng cao, vùng sâu, xa chúng tôi đi qua một số nơi trước đây thiếu nước sinh hoạt, nay đã được Nhà nước đầu tư những công trình đều nghe người dân ca thán, phản ánh. Thầy  giáo Võ Hổ - Hiệu trưởng Trường tiểu học Ba Khâm (Ba Tơ), cho biết: Chương trình 135 giai đoạn 2 xây dựng trên xã 3 công trình nước sinh hoạt tập trung. Nguồn nước được lấy từ trên suối, đưa qua bể lắng, lọc, rồi chảy về các bể trung tâm. Thấy công trình bề thế, các thầy cô giáo vui mừng và nghĩ rằng sẽ thoát khỏi trình trạng vắt nước mạch ở bìa ruộng để uống. Nào ngờ công trình đưa vào sử dụng 3 năm nay, mà chẳng thấy phát huy tác dụng. Anh em giáo viên lại phải tiếp tục thay phiên múc nước mạch mà dùng. Nhưng từ tháng 2 - tháng 8, khi ruộng khô thì nước cũng chẳng còn trong giếng mà lấy.  Họ phải đi lấy nước suối dùng tạm.

 

Tại xã Hành Đức và Hành Trung (Nghĩa Hành) cũng vậy. Ngày trước bà con phải dùng nước nhiễm phèn ở giếng khoan, giếng khơi. Năm 2001 dự án cơ sở hạ tầng nông thôn tỉnh và tổ chức ADB đầu tư 2,2 tỷ đồng, để xây dựng công trình nước sạch phục vụ cho khoảng 2.000 hộ dân vùng hưởng lợi. Tuy nhiên sau khi khởi công xây dựng hoàn thành giai đoạn I, gồm các hạng mục: Xây dựng 4 giếng khơi; lắp đặt 4 trạm bơm chìm, nhà trạm bơm cấp II, tủ điều khiển điện; các phụ tùng gia công được chống rỉ; máy lọc nước; máy bơm cao áp; bể lắng; bể trung gian; bể chứa nước sạch; nhà tắm và nhà vệ sinh. Còn giai đoạn II của công trình (ống nhựa dẫn nước cấp II, đồng hồ cài đặt cho từng hộ dân) thì vẫn chưa thực hiện. Vì vậy kể từ khi công trình xây dựng cho đến nay, người dân vẫn chưa sử dụng được giọt nước nào. Bà con tiếp tục sử dụng nguồn nước phèn giếng khơi.

Chúng tôi trao đổi về chuyện nước sạch, nước hợp vệ sinh nông thôn với Phòng NN&PTNT huyện Tây Trà thì biết, trong 5 năm qua vùng nông thôn của huyện được đầu tư 64 công trình, chủ yếu là công trình nước hợp vệ sinh. Trong tổng số công trình chỉ có khoảng 70% là đáp ứng được khoảng 40% năng lực thiết kế nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho bà con. Các công trình còn lại phải tùy thuộc vào mùa mưa nắng. Ông Mai Quý Dương - Cán bộ phụ trách phòng kinh tế hạ tầng huyện Tây Trà cho biết: Tại trung tâm huyện lỵ có xây dựng một công trình nước tự chảy, nhưng chỉ đáp ứng được những tháng mưa; còn 3 tháng hè dân vẫn thiếu nước dùng, nên phải cắt nước luân phiên.

Các công trình không phát huy tác dụng có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến sự thiếu trách nhiệm của ngành chức năng.

Nước sạch đã đến nông dân?
Chuyện thiếu nước sinh hoạt, thiếu nước dùng hợp vệ sinh, nước sạch diễn ra khắp các vùng nông thôn trong tỉnh. Mặc dù ngay bên cạnh một số công trình cấp nước hợp vệ sinh như chúng tôi đã dẫn chứng, nay người dân cũng phải dùng nguồn nước theo mùa hoặc công trình hư hỏng phải đi dùng nguồn nước như trước đây, mà theo khảo sát trước khi xây dựng công trình, đa số các nguồn nước này đều mất vệ sinh hay đi lấy nước nơi xa... Trong khi đó có những nơi như vùng biển xã Nghĩa An (Tư Nghĩa), mùa nắng về đã làm hàng loạt các giếng khơi nhiễm mặn. Bà con các thôn Phổ Trường, các làng chài gần cửa Đại phải đưa thuyền vòng sông Phú Thọ, lên thôn Phổ Trung lấy nước ngọt dùng. Hay như đảo Bé, khi nguồn nước trời được hứng ở các lu cạn khô, bà con phải vận chuyển nước từ đảo lớn sang dùng. Vậy mà vẫn chưa có nguồn kinh phí để xây dựng các công trình đáp ứng nguyện vọng của dân.

Hiện nay khi cuộc sống người dân được nâng cao, các công trình vệ sinh, hố xí dội nước được xây dựng, ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm, các làng nghề phát triển với quy mô lớn mà chưa có hệ thống xử lý nước thải, rác thải là nguyên nhân gây ô nhiễm mạch nước ngầm. Bệnh tật có thể xảy ra với bà con không chỉ về đường ruột, mà còn nhiều căn bệnh khác từ nguồn nước. Việc xây dựng các công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh là nguyện vọng, nhu cầu cấp thiết đối với cuộc sống bà con. Tuy nhiên, có quá nhiều công trình xây dựng nhưng không mang lại hiệu quả, gây lãng phí tiền của Nhà nước. Nhiều công trình nước sạch không phát huy tác dụng, hàng loạt tiêu chuẩn nước sạch cần được kiểm nghiệm, liệu nước sạch, nước hợp vệ sinh đã chảy đến nông thôn như kế hoạch đề ra?

Từ thực trạng nêu trên đề nghị các ngành chức năng cần nêu cao vai trò của mình trong việc khảo sát lập dự án, chọn địa điểm để mỗi khi xây dựng công trình cho phù hợp. Trong quá trình thi công phải đảm bảo tốt về chất lượng công trình và khi xây dựng hoàn thành bàn giao cho địa phương chịu trách nhiệm bảo vệ để phát huy tác dụng. Có vậy, nước hợp vệ sinh mới thật sự chảy về đến nông thôn qua các hệ thống công trình này.
 
*Ông Nguyễn Văn Thuộc  - Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Ngãi "Đánh giá nước sạch chỉ theo cảm tính":
Thống kê 65% dân nông thôn được dùng nước sạch chỉ theo cảm tính. Chỉ tiêu này được đánh giá chuẩn xác vào giữa năm 2011, sau khi thực hiện hoàn thành việc điều tra theo tiêu chuẩn của Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Là đơn vị lo việc nước sinh hoạt cho dân vùng nông thôn, chúng tôi luôn đề cao trách nhiệm của mình, nhưng đây đó còn có nhiều công trình chưa phát huy tác dụng. Trước hết là lỗi tại đơn vị, thứ nữa là chúng tôi mong cả hệ thống chính trị vào cuộc, để giúp dân. Đơn vị xây dựng các công trình, nhưng không có sự bảo dưỡng của địa phương thì công trình cũng khó phát huy tối đa công suất như thiết kế. Trong thời gian đến, đơn vị sẽ tuyên truyền cho dân ý thức bảo vệ công trình nước sinh hoạt chính là bảo vệ sức khỏe của chính mình; đồng thời hướng dẫn cho những hộ dân nằm ngoài vùng hưởng lợi công trình cách sử dụng nước sạch qua các hệ thống lọc nước cá nhân, để tiến đến xã hội hóa sử dụng nước sạch nông thôn.

*Ông Phạm Văn Hiền - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tây Trà "Cần có một khoản kinh phí để duy tu bảo dưỡng công trình":
Trên vùng cao Tây Trà, địa hình và thời tiết khắc nghiệt. Mùa nắng nước cạn khô, mùa mưa, nước đục ngầu. Xây dựng một công trình nước sinh họat hợp vệ sinh là góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân. Tuy nhiên các công trình này đều đặt ở đầu nguồn các con suối lớn, nên mỗi mùa mưa về đa số bị hư hỏng, nhưng không có kinh phí để khắc phục. Theo thời gian công trình đã hỏng lại càng hỏng thêm. Đến nay thì nhiều công trình không thể sử dụng được. Tỉnh cần có chính sách trích kinh phí để tu sửa công trình nước sinh hoạt hàng năm. Có vậy công trình mới được đảm bảo theo năm tháng. 

*Ông Đỗ Hồng Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa An (Tư Nghĩa) "Sớm xây dựng công trình nước sạch, hợp vệ sinh hoàn thành cho dân nhờ":
Hàng năm, sau Tết Nguyên đán, nắng gắt là bà con trong vùng Cửa Đại đưa thuyền chở từng thùng nước từ vùng không nhiễm mặn về dùng hay vận chuyển lên tàu ra khơi mà ái ngại. Là xã biển còn nhiều khó khăn, có nguồn kinh phí nào là xã tập trung cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển địa phương. Xã chưa có nguồn kinh phí để xây dựng công trình nước sinh hoạt. Bà con đã khổ sở với chuyện thiếu nước ngọt diễn ra trong nhiều năm qua. Theo kế hoạch dự án nước sạch Nghĩa Hà, Nghĩa Hòa, Nghĩa An được xây dựng với kinh phí 5,8 tỷ đồng, hoàn thành cuối năm 2010 này. Nhưng đến nay  công trình chỉ mới hoàn thành hệ thống đường dẫn ống. Mong chủ đầu tư đôn đốc nhà thầu sớm xây dựng hoàn thành như kế hoạch, để dân được hưởng lợi nguồn nước ngọt từ công trình.

*Ông Phạm Hồng Thái - thôn Thu Xà xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) "Xây dựng công trình nước sinh hoạt cần phải cân nhắc kỹ"
Trước khi xây dựng công trình cần phải cân nhắc kỹ, mời nhà thiết kế có năng lực, để khảo sát địa hình, thổ nhưỡng vùng đất trước khi triển khai. Có vậy, khi công trình hoàn thành mới phát huy hiệu quả, đáp ứng lòng mong mỏi của dân.
Công trình nước sinh hoạt Nghĩa Hà, Nghĩa Hòa đầu tư tiền tỷ đưa vào sử dụng từ nhiều năm nay, mà nay vẫn không có một giọt nước nào để dân sử dụng. Người dân sống cạnh công trình cấp nước tiền tỷ này, ngày đêm đành chịu dùng nguồn nước nhiễm phèn mà ấm ức cho sự lãng phí tiền của Nhà nước. Mong, đừng có trình trạng như thế này lặp lại ở các nơi cần nguồn nước hợp vệ sinh.
 

MAI HẠ

.