Gian nan việc xây và giữ xã chuẩn quốc gia về y tế

02:10, 15/10/2010
.

(QNg)- Xây dựng xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế là nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Sau 5 năm thực hiện Đề án củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở giai đoạn 2006-2010, toàn tỉnh hiện chỉ có 55/178 xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế và là một trong những địa phương có tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế thấp nhất cả nước. Cùng với xây dựng chuẩn, việc duy trì trạm chuẩn cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải quan tâm.

Từ chuyện khó tin ở trạm chuẩn…
Trạm y tế Nghĩa Lâm hơn 3 năm được công nhận là địa phương (đầu tiên của tỉnh) đạt chuẩn quốc gia về y tế. Thế nhưng từ năm 2009 đến nay Trạm y tế này rơi vào cảnh "hai không": không trạm trưởng, không bác sĩ tại chỗ. Nguyên nhân là do lãnh đạo trạm  nghỉ hưu, bác sĩ của Trạm được điều động về huyện, và y sĩ  được đi học bác sĩ.
 
Trạm có biên chế 8 người nhưng hiện tại chỉ có 5 người. Thế là trạm  y tế xã vừa thiếu lãnh đạo, thiếu bác sĩ và thiếu cả nhân lực. Với dân số trên 8.000 dân, trung bình mỗi ngày trạm tiếp nhận từ 20 - 30 bệnh nhân. Trong đó có những tai nạn sinh hoạt bất ngờ đã gây khó khăn rất lớn cho CBNV tại trạm vì việc khám, điều trị, kê toa không phải là nhiệm vụ của họ.
 
Nhiều trạm y tế ở miền núi được đầu tư xây dựng khang trang. Trong ảnh: Trạm Y tế xã Trà Phú (Trà Bồng.
Nhiều trạm y tế ở miền núi được đầu tư xây dựng khang trang. Trong ảnh: Trạm Y tế xã Trà Phú (Trà Bồng.

Nữ hộ sinh Phạm Thị Liên cho biết, theo quy định nữ hộ sinh chỉ thực hiện đỡ đẻ, khám và điều trị các loại bệnh liên quan đến thai sản, phụ khoa. Nhưng do không có bác sĩ, chị Liên phải kiêm luôn việc khám, điều trị  tất cả các loại bệnh thông thường như tai nạn sinh hoạt, viêm phế quản, viêm phổi…
 
Thực tế ở đây là cả điều dưỡng và y sĩ đông y cũng tham gia khám bệnh, cho thuốc bệnh nhân. Biết là trái với qui định, chức năng và trình độ nghiệp vụ không phù hợp, nhưng họ vẫn phải "gánh" phần lớn hoạt động khám chữa bệnh của trạm vì đâu có bác sĩ mà chờ. 

Để giải quyết tình trạng này ngành y tế huyện Tư Nghĩa đã thực hiện giải pháp tạm thời là mỗi tuần tăng cường  bác sĩ từ các trạm y tế trong huyện về từ 1 - 2 ngày, để khám, điều trị bệnh cho người dân. Tuy nhiên việc một trạm y tế đạt chuẩn quốc gia lại rơi vào tình trạng nêu trên là một nghịch lý và là điều khó chấp nhận.
 
Thực trạng này cũng nói lên sự thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực của ngành y tế trong nhiều năm qua, nhưng chưa có lời giải; đồng thời cũng bộc lộ nhiều bất cập trong việc giữ chuẩn, nhất là sự thiếu quan tâm của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị.

…Đến bài toán xây và giữ chuẩn
Để đủ điều kiện chuẩn về y tế, các xã phải thực hiện 10 nội dung tiêu chí, quan trọng nhất là chuẩn về xã hội hoá chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ; chuẩn về nhân lực và chế độ chính sách; chuẩn về vệ sinh phòng bệnh; chuẩn kế hoạch tài chính cho trạm y tế; chuẩn chăm sóc sức khoẻ trẻ em; chuẩn chăm sóc SKSS; chuẩn khám chữa bệnh và  phục hồi chức năng...

Tuy nhiên tại hầu hết các trạm đã được công nhận chuẩn đều chỉ đạt được từ 7 - 9 tiêu chí. Một số trạm đã bắt đầu có dấu hiệu đi xuống, do cơ sở xuống cấp, không có vườn thuốc nam, không tường rào cổng ngõ…

Trước đây UBND huyện, thành phố quản lý toàn diện y tế xã, phường từ cơ sở vật chất đến nguồn nhân lực, chủ động trong việc bố trí ngân sách và huy động nguồn lực xã hội chăm lo cho công tác y tế, nhưng từ 1/1/2010, y tế xã, phường giao lại cho ngành quản lý, trong khi đó kinh phí sự nghiệp y tế được giao hằng năm chỉ đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên và một phần rất nhỏ cho việc sửa chữa.

Theo lãnh đạo Sở Y tế, khó khăn nhất trong thực hiện chuẩn quốc gia về y tế ở tỉnh ta hiện nay là cơ sở hạ tầng và trang thiết bị chưa đáp ứng. Ngoài các xã đã được công nhận đạt chuẩn, các trạm y tế còn lại đều xuống cấp, trang thiết bị cần thiết, chuyên khoa cơ bản để phục vụ khám chữa bệnh ban đầu phần lớn bị hư hỏng hoặc không có. Nhân lực y tế chưa đủ, cơ cấu chưa hợp lý, chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng. Chính quyền một số địa phương chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác này.

Nhiều nơi còn xác định xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế là công việc của ngành y tế, nên trông chờ vào bao cấp, chưa huy động được các nguồn lực từ cộng đồng và xã hội. Công tác tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, xã hội hóa y tế chưa được chú trọng, nên một bộ phận nhân dân chưa hình thành được ý thức và thói quen tự bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của bản thân. Tại một số huyện Đức Phổ, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế còn thấp, đặc biệt đến thời điểm này 6 huyện miền núi vẫn chưa có xã nào được công nhận chuẩn quốc gia về y tế.

Việc tạo ra tiêu chí để đạt chuẩn quốc gia về y tế còn nhằm mục đích nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh ở cấp cơ sở. Việc đầu tư, khắc phục những thiếu thốn cho các xã về y tế là việc cần làm. Nỗ lực để đạt chuẩn của các xã chỉ có được khi địa phương quan tâm nhiều hơn nữa đến việc hỗ trợ các điều kiện cho các hoạt động y tế, nhất là đối với các xã vùng cao, nơi điều kiện kinh tế và đời sống nhân dân còn thấp, thiệt thòi trong việc chăm sóc sức khỏe và hưởng thụ các dịch vụ y tế. Tuy nhiên không phải vì mục tiêu phải đạt bằng được các tiêu chuẩn đó để rồi qua một thời gian các trạm rơi vào tình trạng … dưới chuẩn (như trạm y tế xã Nghĩa Lâm chẳng hạn).

Xây dựng chuẩn và giữ chuẩn là hai nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi phải có những chiến lược dài hơi và những nghị quyết ban hành đúng lúc. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra mục tiêu đến năm 2015, toàn tỉnh phải có 70% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế. Nếu không có sự quan tâm của các cấp chính quyền, các ngành chức năng và toàn xã hội thì xem ra mục tiêu này khó có thể đạt được.
 
*Bác sĩ Phạm Hồng Phương - Giám đốc Sở Y tế: Xã đạt chuẩn quốc gia về y tế là thách thức lớn đối với ngành Y tế vì kinh phí đầu tư xây dựng cho trạm y tế xã phường chưa có, mà chủ yếu lấy từ kinh phí sự nghiệp. Để đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, phải hội đủ các điều kiện, tiêu chuẩn về các nguồn lực và hoàn thành các chỉ tiêu hoạt động cho y tế tuyến xã một cách toàn diện. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Sở đã làm đề án xây dựng trạm y tế đạt chuẩn quốc gia (giai đoạn 2010-2015) trình Sở Kế hoạch đầu tư, Ban Văn hóa xã hội (HĐND tỉnh) và mong rằng, trong kỳ họp HĐND sắp tới sẽ được thông qua để chúng tôi có nguồn kinh phí đầu tư cho các trạm với khoảng 2 tỷ đồng/trạm.

*Ông Đặng Ngọc Dũng - Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà: Từ kinh phí chương trình 30a, huyện đã dành 2,6 tỷ đồng để xây dựng Trạm y tế xã Sơn Linh theo đúng các tiêu chuẩn của Bộ Y tế về chuẩn quốc gia. 13 trạm y tế còn lại đã được đầu tư từ nhiều nguồn trước đây, nhưng so với chuẩn quốc gia mà Bộ Y tế quy định vẫn còn thiếu nhiều, cần đầu tư nhiều. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Sơn Hà lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2010-2015) đề ra có 5/14 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Đây là một thách thức rất lớn với huyện miền núi và cần sự giúp đỡ rất nhiều về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Y tế, để  hoàn thành hai việc là đào tạo nâng cao trình độ y tế cơ sở đủ sức, đủ trình độ, đủ tự tin để xử lý tai nạn sinh hoạt tại chỗ tránh vượt tuyến, đồng thời trang bị thiết bị y tế, dịch vụ y tế theo chuyên môn của đội ngũ cấp xã đã được quy định trong những năm trước mắt và kể cả lâu dài. 

*Ông Phạm Tấn Hoàng - Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây: Từ nguồn vốn trung tâm cụm xã, huyện đã đầu tư 2 trạm y tế Sơn Mùa và Sơn Tinh cơ bản đạt các tiêu chuẩn của Bộ Y tế và đang đầu tư xây dựng 4 trạm y tế (từ vốn Chương trình 30a và của Sở Y tế). Khó khăn của Sơn Tây không phải là về nhân lực, vì hiện nay cơ bản các trạm đều có bác sĩ do Sở điều động lên và đến năm 2011, số cán bộ đưa đi đào tạo bác sĩ sẽ hoàn thành xong khó khăn lớn nhất  của địa phương là địa hình phức tạp, đồi dốc cao, nhất là những xã xa trung tâm huyện. Vì muốn đầu tư trạm y tế đạt chuẩn phải đủ diện tích mặt bằng, do vậy kinh phí để san ủi, đền bù cho dân rất lớn, nếu không có sự quan tâm hỗ trợ vốn của tỉnh, của Trung ương trong phạm vi ngân sách huyện thì khó thực hiện được

*Bác sĩ Lê Thị Bích Thu - Quyền Giám đốc TTYTDP thành phố Quảng Ngãi: Thành phố Quảng Ngãi có 9/10 xã, phường được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế, nhưng đã có 4 trạm là Nghĩa Chánh, Nghĩa Dõng, Chánh Lộ, Quảng Phú có dấu hiệu xuống cấp hầu hết đều thiếu trang thiết bị y tế. Mặc dù năm 2010 Sở hỗ trợ 10 triệu đồng/trạm đạt chuẩn, để mua trang thiết bị, nhưng với nguồn kinh phí ít ỏi này thì cũng chẳng thấm vào đâu. Riêng Trạm y tế phường Trần Phú chưa đạt chuẩn vì chưa có mặt bằng nên vẫn phải ở tạm căn nhà được bàn giao từ sau giải phóng. Nếu còn phân cấp cho thành phố quản lý thì việc đầu tư cho y tế sẽ đồng bộ hơn và mục tiêu 100% trạm đạt chuẩn có khả thi hơn, nhưng hiện nay giao lại cho Sở quản lý thì gặp khó khăn do tập trung cho các huyện

*Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thành - Trạm trưởng Trạm y tế xã Đức Lợi (Mộ Đức): Năm 2008 trạm y tế xã được quan tâm xây dựng mới từ nguồn vốn của dự án bãi ngang ven biển và mua sắm trang thiết bị nhưng trạm vẫn chưa có nguồn kinh phí để xây dựng tường rào cổng ngõ, các phòng chức năng, công trình phụ trợ, vườn thuốc nam… Do vậy để được công nhận chuẩn vào cuối năm 2010 theo chỉ tiêu của huyện và xã thì rất mong được sự hỗ trợ kinh phí từ cấp trên để trạm hoàn thiện các chuẩn còn lại. Xây dựng trạm đạt chuẩn quốc gia là mong muốn rất lớn của chính quyền và người dân ở xã ven biển này.

THANH THUẬN

.