Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên nghèo: Tiếp sức cho những ước mơ học tập

10:07, 30/07/2010
.

(QNg) - Năm 2007 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 157/2007/Q-TTg về tín dụng học sinh, sinh viên (HSSV), nhằm giảm bớt gánh nặng trong chi phí học tập cho những hộ HSSV nghèo, gặp hoàn cảnh khó khăn. Tại Quảng Ngãi sau hai năm triển khai chương trình này đã đi vào cuộc sống, trở thành chỗ dựa vững chắc cho hàng nghìn học sinh nghèo theo đuổi ước mơ học tập.

* Cơ hội cho học sinh, sinh viên nghèo

Huyện Sơn Tịnh cho vay HSSV thông qua hộ gia đình từ tháng 5/2006 đến tháng 9/2007 chỉ có 39 hộ vay, với số tiền 73 triệu đồng, mức vay thấp 300.000 đồng/học kỳ. Từ khi có Quyết định 157 của Thủ tướng Chính phủ nâng mức cho vay lên 800.000 đồng/học kỳ, lượng HSSV đăng ký vay tăng lên rõ rệt. Theo thống kê của UBND huyện, có 700-800 HSSV có nhu cầu vay vốn năm học 2007-2008 ở 21 xã, thị trấn, nhưng chỉ trong 2 tháng cuối năm 2007 Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã giải ngân cho vay 1.100 HSSV, với dư nợ 6.450 triệu đồng. Tính đến 30/6/2010, huyện Sơn Tịnh có 3.869 hộ vay, với mức dư nợ là 68.978 triệu đồng. Các con số thống kê cho thấy, chương trình đã giải quyết được nhiều trường hợp HSSV nghèo được tiếp tục đến trường, không còn cảnh lo lắng vì thiếu tiền ăn học.
Hướng dẫn làm thủ tục cho vay HSSV tại tổ tiết kiệm và vay vốn xã Tịnh Ấn Đông (Sơn Tịnh).
Hướng dẫn làm thủ tục cho vay HSSV tại tổ tiết kiệm và vay vốn xã Tịnh Ấn Đông (Sơn Tịnh).

Ông Võ Hữu (ở xã Tịnh Hòa) cho biết: "May nhờ có chương trình cho HSSV vay vốn, tôi không phải bán con bò (tài sản có giá trị nhất của gia đình) mà vẫn có tiền mua máy vi tính cho con học". Nhiều học sinh, sinh viên nhờ có số tiền này đã không rơi vào cảnh phải bỏ học giữa chừng, vì thiếu các khoản chi trả…

 Với phương thức cho vay ủy thác từng phần qua các tổ chức chính trị - xã hội và giải ngân trực tiếp đến từng hộ tại gần 147 điểm giao dịch của hệ thống NHCSXH trên địa bàn tỉnh, nên nguồn vốn được giải ngân nhanh chóng, thuận tiện, đúng đối tượng. Sau gần ba năm thực hiện Quyết định 157, Chi nhánh NHCSXH Quảng Ngãi đã giải quyết cho gần 29.000 hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về tài chính, gia đình chính sách tiếp cận nguồn vốn chương trình tín dụng này với dư nợ đạt trên 368 tỉ đồng, trong đó có rất nhiều hộ vay từ hai đến ba khế ước, để lo cho các con ăn học.
Không chỉ ở các huyện đồng bằng, tại các huyện miền núi tỉnh ta chương trình này cũng đã có những tác động tích cực, thay đổi cách nghĩ của đồng bào dân tộc miền núi. Trước kia nhiều hộ có tâm lý, con cái học để biết cái chữ là được, học cao thêm thì không có đủ thóc lúa để bán nuôi con đi học xa. "Giờ bà con đã yên tâm, học sinh chỉ cố gắng học giỏi thi cho đỗ, còn chi phí ăn học đã có Nhà nước cho vay"- ông Nguyễn Tấn Hóa - Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Trà Bồng nói với tôi.  Được biết tính đến 6 tháng đầu năm 2010, huyện Trà Bồng có 658 hộ vay theo Quyết định 157, với số dư nợ gần 10 tỉ đồng, cao nhất các huyện miền núi, trong đó số hộ là người dân tộc thiểu số chiếm một phần không nhỏ.

* Lợi ích lâu dài...

Theo số liệu thống kê đến nay hầu hết HSSV có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh ta đều được vay vốn tại NHCSXH. Gánh nặng lo cho con học cao đẳng, đại học (CĐ,ĐH) của nhiều gia đình, nhất là hộ nghèo đã được chia sẻ kể từ năm 2007 khi Ngân hàng CSXH triển khai thực hiện chương trình cho vay HS-SV theo tinh thần Quyết định 157 của Thủ tướng Chính phủ. Qua gần ba năm thực hiện, Chi nhánh NHCSXH Quảng Ngãi đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Nguồn vốn ưu đãi này đã góp phần giảm tỉ lệ HSSV bỏ học vì không có khả năng chi phí học tập, được các tầng lớp nhân dân ủng hộ.

Ông Võ Quang Rê - Trưởng phòng kế hoạch - nghiệp vụ tín dụng Chi nhánh NHCSXH Quảng Ngãi cho biết: "Để đáp ứng nhu cầu của HSSV có hoàn cảnh khó khăn, ngay từ đầu năm 2010, Chi nhánh đã chủ động xây dựng kế hoạch vốn dành riêng cho chương trình tín dụng này; phối hợp với ban xóa đói, giảm nghèo các xã, các tổ chức nhận ủy thác tăng cường công tác kiểm tra hoạt động bình xét cho vay, kiên quyết loại khỏi danh sách vay vốn những hộ không đúng đối tượng". Nhiều bậc phụ huynh cho rằng, chương trình vay vốn HSSV  là cách Nhà nước hỗ trợ hộ nghèo hiệu quả, bởi đầu tư cho học tập là nâng cao dân trí và là hướng thoát nghèo bền vững nhất. Ông Vi Diện (Tịnh Ấn Đông- Sơn Tịnh) lý giải: "Nhà nước cho vay tiền đi học, chúng tôi khuyến khích các cháu thi vào các ngành nghề mà xã hội cần, ra trường chắc chắn tìm được việc làm ngay. Có lương, có thu nhập, tương lai sẽ đảm bảo hơn rất nhiều, chuyện trả nợ ngân hàng là trách nhiệm đương nhiên…". Những hộ gia đình đang được thụ hưởng chương trình đều có suy nghĩ chung này.
 HSSV nghèo có cơ hội học tập nhờ Chương trình cho vay HSSV nghèo.
HSSV nghèo có cơ hội học tập nhờ Chương trình cho vay HSSV nghèo.
Vấn đề đặt ra hiện nay là Ngân hàng CSXH tranh thủ sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung Quyết định 157 đến mọi người dân, đặc biệt tuyên truyền đến các tổ tiết kiệm và vay vốn, mà các thành viên của tổ là hạt nhân trong việc phổ biến cho bà con trong thôn xóm.


* Ông Võ Quang Rê - Trưởng phòng Kế hoạch - nghiệp vụ tín dụng, NHCSXH Quảng Ngãi: "Trong các chương trình, dự án đang triển khai, thì đầu tư cho học sinh, sinh viên là cách xóa nghèo bền vững nhất". Những lợi ích của chương trình dù chỉ qua hơn 2 năm thực hiện, nhưng đã thể hiện rất rõ ràng, hàng ngàn học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh có được cơ hội học tập,  để trở thành những người có kiến thức, tay nghề cao; khi ra trường có việc làm, thu nhập ổn định, giúp đỡ gia đình và đóng góp cho xã hội.

 
*Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Sơn Tịnh: "Không được để HSSV nào có hoàn cảnh khó khăn phải nghỉ học, vì không có kinh phí". Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tận hộ gia đình, để bà con được tiếp xúc với chương trình này. Đồng thời các hộ cần vay vốn phải nhanh chóng gửi xác nhận thuộc diện cho vay về xã theo đúng mẫu yêu cầu, để nhanh chóng được giải quyết. Đối với các tổ tiết kiệm và vay vốn tại xã phải hướng dẫn kỹ và đôn đốc bà con gửi giấy xác nhận cho phòng giao dịch trong thời gian sớm nhất, tránh tình trạng cho vay chậm, làm ảnh hưởng đến việc học tập của các em.


 
*Ông Vy Diện - người dân thôn Độc Lập, xã Tịnh Ấn Đông (Sơn Tịnh): "Chương trình đã tạo điều kiện cho các gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn cho con cái được học hành". Nhờ có chương trình cho vay vốn học sinh, sinh viên thông qua hộ gia đình, các con tôi mới có đủ khả năng theo đuổi việc học tập. Chúng tôi rất mong chương trình sẽ tiếp tục lâu dài để người nghèo vẫn có điều kiện tiếp xúc với tri thức.


 
*Bạn Trần Thị Huyền Trang - sinh viên Trường trung cấp y dược: "Là người trực tiếp thụ hưởng chương trình vay vốn cho học sinh, sinh viên nghèo, điều cần làm là định hướng nghề nghiệp đúng khả năng để nguồn vốn đầu tư đạt hiệu quả cao". Chương trình cho vay HSSV nghèo đã tiếp sức cho HSSV theo đuổi ước mơ học tập và góp phần tạo nên nguồn nhân lực có tay nghề cho xã hộïi. HSSV cần có những lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần đóng góp cho xã hội, đạt được yêu cầu của các chương trình hỗ trợ HSSV.

Xuân Hiếu

.