Khẳng định vai trò của cộng tác viên dân số

09:03, 02/03/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, mạng lưới cộng tác viên dân số (CTV DS) được xem là “cánh tay nối dài” trong việc tuyên truyền các vấn đề về công tác DS ở cơ sở. Vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 02/2021 (có hiệu lực từ ngày 10.3.2021), quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ của CTV DS. Qua đó, góp phần khẳng định vai trò, nhiệm vụ và ý nghĩa của CTV DS trong tình hình mới.
[links()]
Theo Thông tư số 02, CTV DS là những người đang sinh sống, làm việc ổn định tại thôn nơi CTV DS đảm nhiệm, tự nguyện tham gia làm CTV DS, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình tham gia hoạt động xã hội, có khả năng vận động quần chúng và được cộng đồng tín nhiệm. CTV DS phải đáp ứng tiêu chuẩn trình độ học vấn từ tốt nghiệp THCS trở lên.
 
Đối với những thôn khó khăn hoặc có đồng bào dân tộc ít người không chọn được người có đủ trình độ tốt nghiệp THCS trở lên thì chọn người hoàn thành chương trình tiểu học; được đào tạo, tập huấn về DS theo nội dung chuyên môn do Bộ Y tế ban hành. 
 
Ngoài các hoạt động tư vấn trực tiếp, các cộng tác viên dân số thu thập số liệu, theo dõi biến động liên quan đến dân số trên địa bàn phụ trách.              ẢNH: PV
Ngoài các hoạt động tư vấn trực tiếp, các cộng tác viên dân số thu thập số liệu, theo dõi biến động liên quan đến dân số trên địa bàn phụ trách. ẢNH: PV

 

Các CTV DS chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp và huớng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của trạm y tế cấp xã, dưới sự giám sát về hoạt động của cán bộ phụ trách công tác DS cấp xã, trưởng thôn cùng địa bàn quản lý. Đội ngũ CTV DS có trách nhiệm cùng nhân viên y tế thôn và CTV các chương trình khác trên địa bàn tuyên truyền, vận động về công tác DS, vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trong địa bàn quản lý. Là những người trực tiếp tuyên truyền, vận động, tư vấn về DS cho người dân trong địa bàn đảm nhiệm.

Đồng thời, cung cấp các dụng cụ tránh thai đến từng hộ gia đình theo quy định; thực hiện tiếp thị, tiếp thị xã hội, xã hội hóa sản phẩm chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình và dịch vụ về DS theo quy định. Kiểm tra, theo dõi việc duy trì thực hiện các nội dung về DS của các hộ gia đình tại địa bàn quản lý.

Bên cạnh các hoạt động tư vấn trực tiếp, CTV DS có trách nhiệm thực hiện chế độ ghi chép ban đầu, thu thập số liệu, lập báo cáo định kỳ và đột xuất về DS theo quy định hiện hành; cung cấp số liệu cho trạm y tế cấp xã, lập các sơ đồ và biểu đồ, quản lý số hộ gia đình về DS  tại địa bàn quản lý. Bảo quản và sử dụng các tài liệu (sổ sách, biểu mẫu báo cáo...) liên quan đến nhiệm vụ được giao.
 
Hằng tháng, CTV DS tham dự giao ban do trạm y tế cấp xã tổ chức để phản ánh tình hình và báo cáo kết quả hoạt động DS của địa bàn được giao quản lý. Phát hiện và đề xuất với cán bộ theo dõi công tác DS cấp xã, cán bộ thuộc trạm y tế cấp xã các vấn đề cần thực hiện về DS tại địa bàn quản lý.
 
Mức chi bồi dưỡng hằng tháng cho CTV DS do HĐND tỉnh quyết định và ngân sách địa phương bảo đảm theo quy định. Mỗi CTV DS được trang bị các dụng cụ làm việc gồm túi truyền thông, loa cầm tay, đèn pin, áo mưa và dụng cụ khác phù hợp với điều kiện và khả năng tài chính của địa phương. Để góp phần nâng cao trình độ, chuyên môn cho đội ngũ CTV DS, chi cục DS-KHHGĐ cấp tỉnh, trung tâm y tế cấp huyện, trạm y tế cấp xã hằng năm tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho CTV DS...
 
B.H
 
 
 

.