Thuốc Nam trị đau bụng tiêu chảy do hàn thấp

10:12, 01/12/2020
.
Theo y học cổ truyền, tiêu chảy được miêu tả trong chứng tiết tả, là một chứng bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra. Tiêu chảy cấp tính thường do lạnh (hàn thấp), do nhiễm trùng (thấp nhiệt), do ăn uống (thực tích)... Người bệnh tiêu chảy do nhiễm lạnh (hàn thấp) có các triệu chứng: đau bụng liên miên, sôi bụng hoặc phát sốt, sợ lạnh, sợ gió, đau đầu, mình lạnh, không khát, đại tiện lỏng nhiều nước, rêu lưỡi trắng dày, mạch phù hoãn hay nhu hoãn.
 
Phương pháp điều trị là giải biểu, tán hàn (ôn hàn táo thấp hay ôn trung táo thấp), phương hương hóa trọc. Sau đây là một số bài thuốc Nam thường dùng trị đau bụng tiêu chảy do lạnh. 
Hoắc hương là vị thuốc Nam trị tiêu chảy do lạnh rất hiệu quả.
Hoắc hương là vị thuốc Nam trị tiêu chảy do lạnh rất hiệu quả.
Bài 1: hoắc hương 200g, cam thảo 100g, vỏ vối 160g, đại hồi 200g, trần bì 80g, vỏ rụt 160g, sa nhân 200g, riềng già 160g. Các dược liệu ở dạng khô, sao lại; tán bột mịn, luyện với hồ làm thành viên bằng hạt đậu đen, phơi hay sấy khô, bảo quản trong lọ kín. Chữa nhiễm khí lạnh hoặc khi ăn các thứ nguội lạnh gây đầy bụng, đại tiện lỏng nhiều lần, đầy hơi, nôn mửa. Trẻ 5-10 tuổi dùng 10 viên/lần, ngày 2 lần. Trẻ 10-15 tuổi dùng 20 viên/lần, ngày 2 lần. Người lớn dùng 30 viên/lần, ngày 2 lần. Uống thuốc với nước nóng hay nước chè nóng. Nên ăn cháo loãng. Kiêng ăn thức ăn sống lạnh.
 
Bài 2: nụ sim hay búp ổi sao 100g, vỏ rụt thái mỏng sao 50g, củ riềng sao 50g. Các vị sao giòn, tán bột mịn, cho vào lọ đậy kín. Mỗi ngày dùng 2 lần. Người lớn  6-8g/ lần; trẻ em tùy theo tuổi: 2-5g/lần. Hòa thuốc trong nước sôi để nguội rồi uống.
 
Bài 3: hoắc hương khô 200g, vỏ rụt 400g, thảo quả 160g, hậu phác 400g, hạt cau rừng 160g, trần bì 160g. Ngâm vỏ rụt với nước gạo, cạo bỏ vỏ ngoài; hậu phác tẩm nước gừng sao; thảo quả bỏ vỏ. Tất cả phơi hay sấy khô, tán bột mịn; luyện với hồ thành viên to bằng hạt đậu đen, sấy khô, cho vào lọ kín. Chữa ăn uống không tiêu, đầy bụng, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy. Trẻ  2-5 tuổi  uống 3-5 viên/lần; 6-10 tuổi uống 6 - 10 viên/ lần; 10-15 tuổi uống 15 viên/ lần. Người lớn uống 20-30 viên. Ngày uống 3 lần, uống với nước sôi để nguội. Kiêng ăn thức ăn có mỡ, tanh, khó tiêu. Khi điều trị nên ăn cháo.
 
Bài 4: hoắc hương 15g, tô diệp 10g, thương truật 8g, cam thảo 3g, trần bì 5g, đại táo 4 quả, hậu phác 3g, phục linh 6g. Các vị sấy khô, sao giòn, tán nhỏ, đóng gói 8-10 g/1 gói. Chữa ăn uống không tiêu, đau bụng đi ngoài. Người lớn uống 2-5 gói/ngày; trẻ em 2-3 tuổi uống 1/4 gói/lần; 4-7 tuổi uống 1/3 gói/lần; 8-10 tuổi uống 1/2 gói/lần. Ngày uống 2 lần. Trẻ em dưới 1 tuổi không nên dùng.
 
Bài 5: gừng già nướng cháy 40g, quế chi 8g, hoắc hương 20g, đại hồi 12g. Sắc uống ngày 1 thang, uống khi thuốc còn ấm. Chữa tiêu chảy do lạnh. Lưu ý: phụ nữ có thai không dùng.
 
Bài 6: củ sả 30g, vỏ quýt 20g, hương phụ 10g, búp ổi 40g. Các vị sao giòn, tán bột mịn, cho vào lọ kín. Chữa đau bụng, tiêu chảy do lạnh. Người lớn 1-2 thìa cà phê/lần; Trẻ em 1/2 thìa cà phê/lần. Ngày uống 2 lần, uống với nước nóng.
 
Châm cứu hoặc day ấn huyệt: để tăng hiệu quả điều trị, ngoài uống thuốc, nên kết hợp day bấm các huyệt sau: thiên khu, trung quản, khí hải, túc tam lý, hợp cốc, đại trường du. Làm 1 - 2 lần mỗi ngày, mỗi huyệt 2 phút.
 
Theo BS. Phương Thảo/SKĐS

.