Ngành y tế Quảng Ngãi: Những chuyển biến tích cực

10:10, 20/10/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, ngành y tế đã có những nỗ lực đáng ghi nhận trong việc thực hiện các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra. Trong đó, chú trọng việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19.    
Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
 
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh có khoảng 800 - 900 lượt người/ngày đến khám bệnh và khoảng 900 - 1.000 bệnh nhân điều trị nội trú, vượt số lượng giường bệnh được giao. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Huỳnh Giới khẳng định: Những năm qua, bệnh viện đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, nâng cao trình độ chuyên môn, y đức, thái độ phục vụ người bệnh. Nhờ đó, chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được nâng lên. 
 
Đầu nhiệm kỳ, bệnh viện chỉ có 600 giường bệnh, đến nay có 900 giường; đội ngũ cán bộ, viên chức từ 600 tăng lên 850 người, hầu hết đều đạt chuẩn trình độ chuyên môn ở từng vị trí khám, điều trị bệnh. Nhờ trình độ được nâng lên, cùng với đầu tư trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện đã kịp thời điều trị cho trên 1.000 trường hợp bị nhồi máu cơ tim, bệnh nhân hẹp động mạch vành, hạn chế tình trạng chuyển bệnh nhân lên tuyến trên; điều trị u gan bằng sóng cao tần và xét nghiệm chính xác trong việc chẩn đoán sớm bệnh ung thư. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhờ đầu tư đồng bộ hệ thống máy xét nghiệm, bệnh viện đủ điều kiện xét nghiệm chẩn đoán tại Khoa Vi sinh, góp phần khoanh vùng, khống chế dịch kịp thời. Từ sự thành công trong công tác khám, chữa bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh được UBND tỉnh quyết định xếp loại hạng I.  
 
Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh luôn chủ động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ để khám, điều trị ngày càng tốt hơn.                    Ảnh: Trường An
Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh luôn chủ động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ để khám, điều trị ngày càng tốt hơn. Ảnh: Trường An
Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh cũng được đầu tư cơ sở vật chất, được người dân đặt niềm tin khá lớn. Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Nguyễn Đình Tuyến cho hay: Mới đây, các y, bác sĩ bệnh viện đã vỡ òa niềm vui chung với gia đình chị Nguyễn Thị Kim Cương (40 tuổi), ở huyện Mộ Đức. Chị Cương bị hiếm muộn con, nhưng đã sinh được 1 bé trai nặng 3,4kg bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo (IUI). Bác sĩ Tuyến khẳng định: Đây là nền tảng để bệnh viện tiếp tục triển khai đề án thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) bằng kỹ thuật cao, nhằm điều trị hiếm muộn mà nhiều bệnh viện lớn trong nước đang thực hiện.
 
Ngoài ra, bệnh viện đã điều trị thành công nhiều ca bệnh sứt môi, hở hàm ếch; phẫu thuật bệnh trĩ bằng phương pháp Longo; chăm sóc trẻ non tháng, nhẹ cân; phẫu thuật nội soi, ổn định tiền phẫu và chăm sóc, điều trị hậu phẫu bệnh ngoại khoa; nội soi cắt tử cung, khối u phần phụ; cắt đốt polyp nhân xơ nội mạc tử cung qua nội soi, siêu âm sàng lọc dị tật bẩm sinh 3 tháng đầu...
 
Bệnh viện đã phân loại nhóm các y, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên để đào tạo mũi nhọn, cuốn chiếu. Bệnh viện cử 8 bác sĩ đi học ở Hàn Quốc; mời các chuyên gia chuyên môn, tâm lý ở các bệnh viện trung ương chuyển giao kỹ thuật điều trị, nâng cao y đức, tạo được niềm tin cho người dân. Đến cuối năm 2019, có trên 98% bệnh nhân hài lòng khi khám, chữa bệnh tại bệnh viện, được Bộ Y tế tặng Bằng khen.
 
Đây là hai trong nhiều đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các chỉ tiêu về sức khỏe người dân trong nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đến năm 2020, số giường bệnh/vạn dân ước đạt 29,5 giường, tăng 18,98% so với mục tiêu. Số bác sĩ/vạn dân, ước đạt 7 bác sĩ; tuổi thọ trung bình ước đạt 75 tuổi; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế ước đạt 92% so với mục tiêu.
“Ngành sẽ tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện; bảo đảm 100% số xã có trạm y tế phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân; tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; kết hợp hài hòa hoạt động giữa các đơn vị y tế trong huyện; thực hiện tốt tiêu chí quốc gia về y tế xã; phát triển đội ngũ nhân viên y tế thôn, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa”.
 
Giám đốc Sở Y tế NGUYỄN XUÂN MẾN
Hoàn thiện mạng lưới y tế trong tỉnh
 
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Xuân Mến cho biết: Để đạt được kết quả trên là điều không dễ dàng, nếu không có sự chỉ đạo tập trung của Đảng bộ và sự nỗ lực của lãnh đạo ngành y tế trong việc triển khai thực hiện. Từ năm 2017 đến nay, Sở đã sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp y tế theo hướng tinh, gọn. Nếu như năm 2016, toàn tỉnh có 50 đơn vị y tế công lập tuyến tỉnh và huyện, thì đến đầu năm 2020 sắp xếp lại còn 27 đơn vị, giảm 23 đơn vị.
 
Dựa vào nguồn kinh phí của tỉnh cấp, ngành y tế đã xây dựng Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh; đầu tư, nâng cấp trang thiết bị y tế; thực hiện dự án Hỗ trợ xử lý chất thải tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Khởi công Dự án đầu tư xây dựng công trình Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, với quy mô mới tăng thêm 100 giường bệnh, tổng mức đầu tư 126 tỷ đồng; sửa chữa, nâng cấp, đầu tư mua sắm trang thiết bị các cơ sở y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến xã.  
Đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh thường xuyên thăm khám, động viên người bệnh.                Ảnh: Trường An
Đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh thường xuyên thăm khám, động viên người bệnh. Ảnh: Trường An
Đối với các cơ sở y tế ngoài công lập, ngành đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Phúc Hưng, Khu dịch vụ chất lượng cao Bệnh viện Đa khoa tỉnh...
 
Đi đôi với việc xây dựng cơ sở vật chất, ngành cũng chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ. Sở Y tế đã cử 7.023 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ; lý luận chính trị, quản lý nhà nước, trong đó, nhiều y, bác sĩ đạt trình độ tiến sĩ, thạc sĩ y học, bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa II, chuyên khoa I...
 
Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai thực hiện trên 90% kỹ thuật theo danh mục phân tuyến kỹ thuật, trong đó có nhiều dịch vụ kỹ thuật mới như mổ nội soi ổ bụng, mổ nội soi khớp gối, khớp háng; kỹ thuật lọc máu, nội tim mạch can thiệp; chẩn đoán hình ảnh bằng chụp cắt lớp vi tính 64 lát cắt...
 
Hệ thống y tế dự phòng được tăng cường về năng lực. Đến năm 2019, có 83% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, phấn đấu đến hết năm 2020 đạt 90%. Nhiều dịch bệnh nguy hiểm đã được khống chế và đẩy lùi; trên 90% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ 8 loại vắcxin. Đặc biệt, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, hệ thống dự phòng và điều trị đã có nỗ lực rất lớn trong việc khống chế và đẩy lùi dịch bệnh, góp phần cùng cả nước chống dịch thành công.
 
Trong 5 năm đến, ngành y tế phấn đấu hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế, gồm y tế dự phòng; khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa, pháp y, pháp y tâm thần; y dược cổ truyền; sức khỏe sinh sản; trang thiết bị y tế; dược; mỹ phẩm; an toàn thực phẩm; bảo hiểm y tế; dân số - kế hoạch hóa gia đình. Đồng thời, ngành sẽ đẩy mạnh hoạt động giám sát, phát hiện, khống chế dịch bệnh trong cộng đồng, phát triển mạng lưới y tế học đường và tăng cường các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi, người nghèo và đối tượng chính sách.
 
Trường An
 
 

.