Nắng nóng, các bệnh viện quá tải

03:07, 07/07/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, khiến người già, trẻ em và những người có sức đề kháng yếu nhập viện khá đông, dẫn đến nhiều bệnh viện (BV) trong tỉnh rơi vào tình trạng quá tải.  
Bệnh tay chân miệng gia tăng
 
Khoa Bệnh nhiệt đới (BV Sản - Nhi tỉnh) hiện có gần 100 bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng (TCM), đang được các bác sĩ điều trị. Chị Đinh Thị Lệ, thôn Làng Ghè, xã Sơn Linh (Sơn Hà) cho biết: Con tôi bị sốt cao, tiêu chảy nặng, khi đưa đến BV, được bác sĩ chẩn đoán bị bệnh TCM. 
 
Bác sĩ Phạm Thành Quát, Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh) kiểm tra trẻ bị bệnh tay chân miệng.
Bác sĩ Phạm Thành Quát, Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh) kiểm tra trẻ bị bệnh tay chân miệng.
Theo bác sĩ Phạm Thành Quát, nhân viên Khoa Bệnh nhiệt đới, liệu trình chữa bệnh TCM thường kéo dài từ 7 - 8 ngày. Hiện nay, số lượng bệnh nhân mắc bệnh TCM vào viện khá đông. Đội ngũ y, bác sĩ phải tập trung giám sát bệnh nhân, kịp thời phát hiện những bệnh nhân nặng để xử lý.
 
Cũng theo bác sĩ Quát, bệnh TCM rất dễ lây nhiễm từ con sang mẹ, bệnh nhi lây chéo với nhau, hoặc lây cho đội ngũ y, bác sĩ chữa bệnh. Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh đã sắp xếp mỗi bệnh nhân nằm 1 giường, đồng thời tăng cường vệ sinh, hướng dẫn cho người nhà chăm sóc bệnh nhân theo quy định.
 
Phó Giám đốc BV Sản - Nhi tỉnh Trà Thị Thanh Vân cho hay: Hằng ngày, BV tiếp nhận khoảng 140 bệnh nhân đến khám và điều trị. Hiện bệnh nhân chữa bệnh nội trú khoảng 300 người (100% giường bệnh), trong đó, bệnh TCM chiếm khoảng 1/3 bệnh nhân. Riêng trong tháng 6, BV tiếp nhận khám và điều trị nội trú, ngoại trú khoảng 254 ca.
 
Nguyên nhân dịch TCM bùng phát là do thời tiết nắng nóng, vi rút bệnh TCM sinh sôi, trong khi sức đề kháng của trẻ giảm sút. Triệu chứng để nhận biết trẻ bị bệnh TCM là loét miệng, tay chân, mông bọng nước, thường rơi vào độ tuổi từ 2 tháng đến 3 tuổi. Nếu chủ quan trong việc chăm sóc, bệnh nhân bị biến chứng có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, khi trẻ bị bệnh TCM, người nhà nên chăm trẻ vệ sinh sạch sẽ, mặc đồ thoáng mát, thức ăn đủ chất dinh dưỡng, dễ tiêu, uống đủ nước. “Hiện đang là cao điểm của nắng nóng, nên BV tăng cường kiểm soát, điều trị bệnh nhân TCM và chuẩn bị đối phó với các loại dịch bệnh ngày mùa”, bác sĩ Vân chia sẻ.
Theo kế hoạch, công trình xây dựng Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh giai đoạn 2 sẽ hoàn thành vào tháng 8.2021, với quy mô 100 giường. Hiện công trình đã hoàn thành hơn 70% khối lượng. Trước nhu cầu khám và điều trị cho bệnh nhân, chủ đầu tư đang có kế hoạch đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành trước tháng 12.2020.
Kê giường xếp để tiếp nhận bệnh nhân
 
Tại BV Y học cổ truyền tỉnh, số lượng bệnh nhân nhập viện cũng tăng đột biến. Từ ngoài hành lang cho đến các phòng đều kê chật giường bệnh. Phó Giám đốc BV Y học cổ truyền tỉnh Bùi Tấn Sinh cho hay: Thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao làm cho bệnh nhân huyết áp cao, mãn tính xương khớp, cột sống dễ gây tai biến, nên thời gian gần đây bệnh nhân tăng khá cao. Hằng ngày, BV tiếp nhận khoảng 80 lượt người khám. Hiện BV đang điều trị nội trú cho 250 bệnh nhân và ngoại trú khoảng 70 người. Vì bệnh nhân quá đông, nên BV phải kê thêm giường xếp.
 
Việc quá tải bệnh nhân, khiến cho các y, bác sĩ gặp nhiều khó khăn trong công tác điều trị. Hiện nay, BV Y học cổ truyền tỉnh đã bổ sung thêm 5 bác sĩ chuyên khoa, đồng thời triển khai sử dụng ngay một số trang thiết bị y tế mới được đầu tư như thiết bị vật lý trị liệu phục hồi chức năng, máy điện từ trường, tăng số lượng bếp sắc thuốc...
 
“Với thời tiết mưa, nắng thất thường hiện nay, dự lường bệnh nhân tiếp tục tăng. Vì vậy, BV đề nghị tỉnh sớm đôn đốc nhà thầu hoàn thiện công trình giai đoạn 2, để sớm đưa vào sử dụng, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn”, ông Sinh kiến nghị.
 
Bài, ảnh: M.HẠ  
 
 
 

.