Kỳ vọng vào vắcxin AZD 1222 ngừa COVID-19

04:06, 15/06/2020
.
Thế giới đang trông chờ vào sự ra đời của các loại vắcxin phòng COVID-19 hữu hiệu. Đã có những dấu hiệu cho thấy một số loại vắcxin có thể được sử dụng trước cuối năm nay.
Một loại vắcxin phòng COVID-19 đang được thử nghiệm - Ảnh: REUTERS
Một loại vắcxin phòng COVID-19 đang được thử nghiệm - Ảnh: REUTERS
AZD 1222 là cái tên tạm thời của loại vắcxin do Hãng dược AstraZeneca của Anh cùng một viện thuộc Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu và phát triển, hiện đang được thử nghiệm trong một nghiên cứu lớn. Có vẻ loại vắcxin này đem lại nhiều hứa hẹn nên các nước lớn đã mạnh tay đặt cược vào nó. 
 
Theo Hãng tin Reuters, ông Pascal Soriot - giám đốc điều hành của AstraZeneca - xác nhận đã ký kết thỏa thuận cung cấp 400 triệu liều vắcxin cho châu Âu và sẽ giao trước cuối năm nay. Theo một thông báo gần đây, công ty này dưới danh nghĩa khác cũng đã ký kết các thỏa thuận tương tự với Vương quốc Anh và Mỹ. 
 
Trước đó, Bộ Y tế liên bang Đức công bố nước này cùng với Pháp, Ý và Hà Lan đã thành lập liên minh vắcxin (có tên gọi là IVA), ký hợp đồng nguyên tắc với AstraZeneca nhằm cung cấp ít nhất 300 triệu liều vắcxin ngừa virus SARS-CoV-2 cho các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). 
 
Truyền thông Đức dẫn lời Bộ trưởng Y tế liên bang Jens Spahn cho biết: "Nhiều quốc gia trên thế giới đã bảo đảm có vắcxin nhưng châu Âu vẫn chưa có". 
 
Theo ông, sự phối hợp và các hành động nhanh chóng của nhóm các quốc gia thành viên sẽ đem lại lợi ích cho công dân EU trong cuộc khủng hoảng.
 
Theo Bộ Y tế Đức, IVA cũng đã hợp tác và đang thảo luận với một số công ty nghiên cứu vắcxin đầy triển vọng khác. Tại hội nghị trực tuyến của các bộ trưởng y tế EU trong ngày, đại diện y tế các nước đã đồng ý kết hợp các hoạt động của liên minh vắcxin với các hoạt động của Ủy ban châu Âu (EC). 
 
Ông Olivier Nataf - giám đốc điều hành của AstraZeneca chi nhánh Pháp - cho biết hãng dược này đã có kinh nghiệm trong việc bào chế các vắcxin ngừa bệnh SARS và MERS. Vắcxin AZD 1222 được phát triển dựa trên loại virus gây bệnh cho tinh tinh và được làm yếu đi. 
 
“Thoạt tiên, virus sẽ bị vô hiệu hóa. Kế đến, mã di truyền của nó được thay đổi để tạo ra loại protein được gọi tên là Spike hoặc S mang tính đặc trưng của chủng virus SARSCoV-2. Một khi tiêm vào cơ thể người thì nó sẽ giúp kích hoạt hệ thống miễn dịch”, ông Olivier Nataf giải thích.
 
Trang web của Inserm (Viện Nghiên cứu y học và y tế quốc gia Pháp) giải thích rằng protein Spike chính là chìa khóa giúp cho virus SARS-CoV-2 xâm nhập cơ thể con người. Nó cũng là một trong các mục tiêu tấn công của hệ miễn dịch của con người khi bị virus xâm nhập. 
 
Sau khi kết thúc đợt thử nghiệm lâm sàng trên người vào cuối tháng 4 vừa qua, hiện vắcxin AZD 1222 được thử nghiệm trên gần 30.000 người tình nguyện tại Anh, Mỹ, Brazil - tức những nước đang còn bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hãng dược AstraZeneca khẳng định vào đầu tháng 9 sẽ biết được vắcxin của hãng có hiệu quả hay không. 
 
Hiện có hơn 10 loại vắcxin phòng COVID-19 đang được thử nghiệm trên thế giới, trong đó có AstraZeneca của Anh, Sanofi của Pháp và các công ty của Mỹ như Pfizer, Novavax, Johnson & Johnson và Moderna.
 
WHO lại kêu gọi thế giới chia sẻ vắcxin
 
Phát biểu họp báo ngày 12-6, Tổng giám đốc WHO Adhanom Ghebreyesus khẳng định mọi loại vắcxin được xem là “hàng hóa công toàn cầu” nên cần phải được thúc đẩy và giới lãnh đạo cần đưa ra cam kết chính trị.
 
Tuyên bố của WHO đưa ra trong bối cảnh ngày càng nhiều quan ngại rằng một số quốc gia có thể tích trữ vắcxin hoặc thuốc dùng để điều trị COVID-19, khiến các nước nghèo không thể tiếp cận.

Theo PV/Tuổi Trẻ Online

 


.