Bài thuốc hay trị phong tê thấp

08:06, 07/06/2020
.
Phong tê thấp là bệnh xương khớp còn được gọi với tên phổ biến hơn là phong thấp. Đây là một dạng của bệnh viêm đa khớp dạng thấp có liên quan trực tiếp đến yếu tố tự miễn.
 
Phong tê thấp là bệnh gì? Nguyên nhân gây bệnh
 
Phong tê thấp là bệnh xương khớp còn được gọi với tên phổ biến hơn là phong thấp. Đây là một dạng của bệnh viêm đa khớp dạng thấp có liên quan trực tiếp đến yếu tố tự miễn. Bệnh lý này đặc trưng bởi các tình trạng như đau nhức, sưng đỏ ở các khớp và cả bắp thịt. Điều này khiến cho quá trình vận động thường ngày của người bệnh bị cản trở rất nhiều.
 
Nếu không được điều trị kịp thời và đúng phương pháp thì bệnh lý này rất dễ phát sinh biến chứng. Nó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, phổi, hệ thần kinh, viêm mạch máu. Cùng với đó là gây biến dạng cột sống, mất hẳn khả năng vận động. Trường hợp phụ nữ mang thai mắc bệnh phong tê thấp còn rất dễ sinh non.
 
Bệnh phong tê thấp thường phát sinh do sự tác động của một số yếu tố điển hình dưới đây:
 
- Thay đổi nội tiết tố: Trường hợp này thường phổ biến hơn ở chị em phụ nữ. Mất cân bằng giữa progesterone và estrogen được cho là có liên quan trực tiếp đến sự xuất hiện bệnh phong tê thấp.
 
- Yếu tố di truyền: Nguyên nhân này chiếm tới khoảng 50 - 60% khả năng gây bệnh. HLA-DR, PADI4, PTPN22 là một số gien được các nhà nghiên cứu cho rằng có sự liên quan mật thiết.
 
- Yếu tố truyền nhiễm: Sự tấn công của các nhân tố truyền nhiễm như virus cúm, virus Epstein-Barr có thể tác động và khiến bệnh khởi phát.
 
Ngoài ra, một số yếu tố khác như chấn thương, thói quen sử dụng chất kích thích hay tác động từ các bệnh xương khớp khác… cũng có thể là nguyên nhân kích hoạt bệnh phong tê thấp.
 
Các triệu chứng nhận biết
 
- Đau nhức xương khớp, bắp thịt: Thường là đau âm ỉ, tê bại cả khớp xương và bắp thịt cả khi vận động hay di chuyển. Cơn đau xuất hiện nhiều ở tay chân và cột sống nhưng dễ lan tỏa sang nhiều khớp khác.
 
- Sưng khớp: Khớp bị đau có thể kèm theo sưng viêm khi mao mạch mở rộng. Bề mặt da phía ngoài không chỉ sưng tấy mà còn hơi đỏ, sờ vào sẽ có cảm giác ấm nóng.
 
- Cứng khớp: Triệu chứng này thường xuất hiện vào buổi sáng hay khi trời chuyển lạnh. Tay, cột sống, vùng chậu và đầu gối là những vùng chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
 
Các bài thuốc sử dụng vị Ý dĩ có tác dụng trừ thấp, giảm đau
 
Trong đông y có nhiều vị thuốc dùng để chủ trị phong tê thấp, ở đây, xin giới thiệu đến bạn đọc các bài thuốc có sử dụng vị Ý dĩ.
 
Bài 1: Thuốc bột ý dĩ lá tre: nhân ý dĩ 20g, hoạt thạch 16g, thông thảo 8g, lá tre 12g, phục linh 12g, liên kiều 12g, bạch đậu khấu 16g. Trị thấp uất kinh mạch, thân thể nóng, đau nhức, ra nhiều mồ hôi, tiểu tiện không lợi.
 
Bài 2: Ma hoàng hạnh nhân ý dĩ cam thảo thang: ma hoàng 12g, hạnh nhân 12g, ý dĩ nhân 20g, cam thảo 8g. Sắc uống. Trị phong thấp, đau khắp thân thể, buổi chiều càng đau dữ dội.
 
Bài 3: Độc hoạt 12g, ý dĩ 30g, đậu đen 50g. Sắc uống, chia 2 lần trong ngày. Dùng cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp di chuyển nhiều khớp (hành tý).
 
Bài 4: Ý dĩ nhân 40g, phổ thục linh 20g, nước 600ml sắc còn 200ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày. Uống liền 10 ngày nếu thấy tiểu tiện nhiều là bệnh giảm.
 
Theo BS. TRƯƠNG MINH HỮU HẠNH/SKĐS
 
 

.