Phòng, chống ngộ độc thức ăn đường phố

04:05, 30/05/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thức ăn đường phố (TAĐP) từ lâu đã hấp dẫn nhiều người. Thế nhưng, nếu các cơ sở kinh doanh TAĐP không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), thì rất dễ dẫn đến ngộ độc thực phẩm, nhất là trong mùa nắng nóng.
Nắng nóng, thức ăn dễ ôi thiu
 
Mùa hè, thời tiết nắng nóng có nhiệt độ từ 37 - 40 độ C là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, vi rút phát triển, nên dễ xảy ra nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm. Vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người thường là vi khuẩn E.coli gây bệnh đường ruột, tiêu chảy; vi khuẩn Salmonella gây bệnh thương hàn; vi khuẩn Shigella gây đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc đường ruột; vi khuẩn Staphylococcus aureus gây mủ ở vết thương; vi khuẩn Clostridium gây tiêu chảy; vi khuẩn Vibrio cholerae gây bệnh tả... 
 
Nhiều cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố đã chú trọng đến việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhiều cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố đã chú trọng đến việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nắng nóng không chỉ làm thức ăn nhanh bị ôi thiu mà còn làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm do rác, nước thải và sự phát triển mạnh của côn trùng truyền bệnh như ruồi, gián... Với những cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, TAĐP, nếu không tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn trong chế biến thực phẩm, dễ dẫn đến nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm rất cao.
 
Ngoài TAĐP, thói quen người dân lưu trữ thức ăn từ sáng tới chiều tối, thậm chí để qua đêm, khi nhiệt độ nắng nóng như hiện nay, rất dễ khiến thực phẩm bị phân hủy, vi khuẩn xâm nhập.
 
Thận trọng với thức ăn đường phố
 
Sau khi công tác phòng, chống dịch Covid-19 được nới lỏng, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội hoạt động bình thường, nên các nhà hàng, quán ăn, các cơ sở kinh doanh ăn uống hoạt động nhộn nhịp trở lại. Nhiều quày TAÐP được bày bán trên các tuyến phố nội thành, các điểm tập trung đông người như: Bến xe, nhà ga, các khu du lịch... 
 
Tại khu vực cổng Trường THCS Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi), nhiều quày bán nước giải khát, bánh mì, bún... để phục vụ cho học sinh và người dân. Chị L.T.H, chủ cơ sở bán bún cho hay: Tôi bán bún ở đây được 5 - 6 năm, chủ yếu là bán cho học sinh và người dân lân cận, nên từ khâu chọn nguyên liệu đến chế biến, tôi thực hiện kỹ càng. Mỗi ngày tôi chỉ bán khoảng 6- 7kg bún, nên không có thức ăn để nguội, qua bữa.
 
Sát cạnh quày bán bún của chị H, là quày bán nước giải khát đủ loại của chị N.T.L.H. Tại đây, ngoài bán nước giải khát, chị L.H còn bán mì xào, bánh mì... Chị L.H chia sẻ: Quày hàng này đã nuôi sống gia đình hơn 20 năm, nên việc chế biến thức ăn, nước giải khát đều đảm bảo vệ sinh. Nhiều lần đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh ATTP đã lấy mẫu xét nghiệm và đều cho kết quả đảm bảo.
 
Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây Trần Văn Hớn cho biết: Trung tâm hiện đã phối hợp với các địa phương, Trung tâm TT-VH-TT huyện, các đài truyền thanh xã xây dựng phóng sự để tuyên truyền, giúp người dân nâng cao hiểu biết về ăn uống hợp vệ sinh, ATTP; không được ăn thức ăn lạ trong tự nhiên; ăn chín, uống sôi, giữ vệ sinh môi trường...
 
Thực tế, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và TAÐP còn bộc lộ không ít nguy cơ gây ô nhiễm, ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm đối với người tiêu dùng. Chi cục ATVSTP tỉnh đã có kế hoạch tuyên truyền, phối hợp với các ngành chức năng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường nhắc nhở các cơ sở chế biến thức ăn, nhất là TAÐP để hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm xảy ra trong mùa nắng nóng. 
 
Bài, ảnh: TR.AN
 
 
 

.