Cần sớm thành lập mạng lưới cấp cứu 115

08:05, 24/05/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế đang gấp rút hoàn thiện Đề án Thành lập mạng lưới Tổ cấp cứu 115 trên địa bàn tỉnh, điều hành bằng hệ thống công nghệ thông minh, nhằm kịp thời cấp cứu các trường hợp gặp nguy hiểm đến tính mạng.
Từ những bất cập...
 
Quảng Ngãi hiện có khoảng 1,3 triệu dân, nên những rủi ro cần cấp cứu là rất lớn. Thế nhưng, hiện Tổ cấp cứu 115 ở Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh hoạt động trong phạm vi giới hạn, nên dẫn đến hoạt động chưa thật sự hiệu quả. 
 
Vì thiếu nhân lực nên đội ngũ y, bác sĩ ở Tổ cấp cứu 115 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh kiêm nhiệm cả công tác khám, điều trị.
Vì thiếu nhân lực nên đội ngũ y, bác sĩ ở Tổ cấp cứu 115 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh kiêm nhiệm cả công tác khám, điều trị.
Giám đốc BVĐK tỉnh Huỳnh Giới cho biết: Tháng 4 vừa qua, có đến hai trường hợp cần cấp cứu khẩn cấp nhưng Tổ cấp cứu 115 không đến kịp thời, dẫn đến tử vong. Nguyên nhân là tổ có 9 thành viên, trong đó có 2 bác sĩ, 6 điều dưỡng và 1 hộ lý. Tổ này chia làm 3 ca, vừa phải đảm nhiệm công tác cấp cứu, điều trị tại chỗ, vừa phải cấp cứu khẩn cấp.
 
"Trường hợp anh Đ.A.V (18 tuổi), ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An), bị tai nạn giao thông tại đường Hoàng Sa (TP.Quảng Ngãi) gọi điện Tổ cấp cứu 115, nhưng không có ai bắt máy để đến kịp thời. Vì trong thời điểm này, tổ phải xử lý cấp cứu cho 50 người nhập viện; trong đó, có 5 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, mất nhiều máu cần cấp cứu nên các y tá, bác sĩ không thể nghe điện thoại 115", ông Giới cho hay. 
 
Sau đó, BVĐK tỉnh đã đánh giá, phân tích, rút kinh nghiệm và xây dựng phương án tổ chức hoạt động Tổ cấp cứu 115, nhằm kịp thời tiếp nhận thông tin tổ chức cấp cứu người bệnh. Tuy nhiên, để công tác này hoạt động hiệu quả cần phải xây dựng mạng lưới Tổ cấp cứu 115.
 
Xây dựng hệ thống điều hành thông minh
 
Ông Huỳnh Giới lý giải, lâu nay Tổ cấp cứu 115 ở bệnh viện hoạt động kiêm nhiệm, chỉ trong phạm vi TP.Quảng Ngãi, còn ở các địa phương khác, tổ tiếp nhận thông tin và giới thiệu người dân liên hệ với cơ sở y tế nơi gần nhất, chứ không thể chỉ đạo trực tiếp cơ sở y tế gần đó đến cấp cứu kịp thời.
 
Tháng 1.2008, Bộ Y tế có quyết định về vấn đề cấp cứu và hồi sức cấp cứu, trong đó có quy định mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải có Trung tâm Cấp cứu 115 trực thuộc Sở Y tế. Những tỉnh, thành nào chưa thành lập được thì thành lập Tổ cấp cứu 115 đặt tại BVĐK tỉnh. Trên cơ sở này, từ năm 2008 đến nay, Sở Y tế chỉ đạo BVĐK tỉnh củng cố Tổ cấp cứu 115. Tuy nhiên, Tổ này hoạt động kiêm nhiệm, độc lập, không có mạng lưới cơ sở. Con người, phương tiện xe cứu thương đều phải tận dụng của BVĐK tỉnh, nên chỉ hoạt động trong giới hạn bán kính 30 phút tính thời gian đến và về. Nếu xa hơn thì giới thiệu bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Chính điều này đã dẫn đến tổ hoạt động không hiệu quả.
 
Theo lãnh đạo Sở Y tế, do đang thiếu nguồn nhân lực y tế trầm trọng nên trước mắt ngành chưa thể thành lập Trung tâm Cấp cứu 115, mà chỉ củng cố, duy trì Tổ cấp cứu 115 tại BVĐK tỉnh. Cùng với đó là xin chủ trương tỉnh xây dựng hệ thống điều hành công nghệ thông minh mạng lưới cấp cứu 115, để tổ hoạt động hiệu quả, giảm rủi ro cho người dân và giảm áp lực cho BVĐK tỉnh.
 
Bài, ảnh: M.HẠ
 
 
 

.