Khu vực nông thôn, miền núi: Không được chủ quan với dịch Covid-19

09:03, 26/03/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19, các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, giúp người dân nâng cao nhận thức và chủ động phòng, chống dịch.
Tăng cường công tác tuyên truyền ở miền núi
 
Một số huyện miền núi của Quảng Ngãi giáp ranh với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Bình Định và Quảng Nam. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức và tăng cường các biện pháp phòng dịch Covid-19 được các địa phương đặt lên hàng đầu. 
 
Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây sàng lọc, kiểm tra sức khỏe từng người dân đến khám, chữa bệnh.                                       Ảnh: K.N
Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây sàng lọc, kiểm tra sức khỏe từng người dân đến khám, chữa bệnh. Ảnh: K.N
 
Tại huyện Ba Tơ, để hạn chế lây lan dịch bệnh, ngành y tế đã phối hợp với lực lượng công an và bộ đội triển khai điểm chốt chặn  dưới đèo Vi ô lắc. Những ngày qua, các lượt xe khách từ các tỉnh khu vực Tây Nguyên đi ngang qua địa bàn đều được cán bộ y tế theo dõi thân nhiệt, lập danh sách. Đối với các trường hợp có biểu hiện sốt đều phải thực hiện khai báo y tế.
 
“Huyện đã bố trí y, bác sĩ thay phiên túc trực ở điểm chốt chặn để kiểm tra sức khỏe và theo dõi từng trường hợp di chuyển qua huyện. Ngoài ra, huyện còn tăng cường tuyên truyền cho du khách và người dân nâng cao nhận thức về  phòng, chống dịch”, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ Đinh Thị Mai Hương cho biết.
 
Đối với huyện miền núi Sơn Tây, Trung tâm Y tế huyện đã trang bị 20 giường bệnh, 40 chai sát khuẩn nhanh, 5.000 khẩu trang, 20 máy đo thân nhiệt và tăng cường vệ sinh, khử khuẩn các khu vực trường học, cơ quan đơn vị trên địa bàn để chủ động phòng dịch Covid-19; đồng thời cấp hàng chục nghìn tờ rơi, áp phích đến người dân các xã vùng sâu, vùng xa. UBND huyện đã thành lập chốt kiểm tra trên tuyến đường Trường Sơn Đông. Theo Giám đốc trung tâm Y tế huyện Sơn Tây Châu Nguyễn Thương, ngoài tổ chức sàng lọc tại nơi tiếp đón, đo thân nhiệt từng bệnh nhân đến khám, Trung tâm Y tế huyện còn bố trí khu vực khám riêng cho các trường hợp có biểu hiện sốt, ho và chuẩn bị khu cách ly để phòng lây nhiễm.
 
Đến nay, huyện Sơn Hà đã cấp hơn 10.000 tờ rơi tuyên truyền về dịch Covid-19 đến 14 trạm y tế xã để phát cho người dân và đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Huyện đã làm việc với các nhà xe chạy chuyến Sơn Hà - Đà Nẵng - Huế hằng ngày đưa đón người dân đi khám bệnh về địa phương chấp hành nghiêm các quy định của Bộ Y tế đối với phương tiện và người đến, về từ vùng dịch. 
 
Các nhà xe đã cam kết tạm dừng hoạt động để phòng dịch bệnh cho cộng đồng. Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Đinh Thị Hường thông tin: Đến ngày 25.3, huyện Sơn Hà đã thực hiện giám sát 248 trường hợp đến và về từ vùng dịch để thực hiện cách ly tại nhà; trong đó, có 96 trường hợp qua giai đoạn cách ly, 15 trường hợp đã xuất khẩu lao động và 260 trường hợp đang giám sát y tế.
“Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để người dân nâng cao nhận thức và chủ động phòng tránh thì công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng không chỉ tại các điểm thành phố, huyện đồng bằng nơi tập trung đông người, mà còn tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Đoàn kiểm tra giám sát phòng, chống dịch bệnh tỉnh đang tăng cường kiểm tra và hướng dẫn cho các huyện miền núi thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch và thực hiện một số điểm chốt kiểm tra phòng dịch theo chỉ đạo của trung ương và tỉnh”.
 
Phó Giám đốc Sở Y tế PHẠM MINH ĐỨC
Hiệu quả từ đài truyền thanh xã
 
Ngoài những thông tin kinh tế- xã hội của địa phương, hai tháng qua, hệ thống loa truyền thanh không dây của xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) còn phát thêm bản tin mới: Tình hình dịch Covid-19. Để có bản tin phát vào mỗi sáng, cán bộ truyền thanh xã Nguyễn Ngọc Lệnh thường xuyên cập nhật diễn biến, tác hại và các biện pháp ứng phó với dịch Covid-19. “Hai tuần vừa qua, chúng tôi tăng cường thời lượng phát thanh, thông tin kịp thời những biện pháp ứng phó của các cấp, ngành; đồng thời kêu gọi người dân nghiêm túc chấp hành việc khai báo y tế, tự giác cách ly tại nhà theo hướng dẫn của ngành y tế, thường xuyên theo dõi sức khỏe và kiểm tra thân nhiệt nếu di chuyển từ vùng dịch về... nhằm góp phần ngăn chặn dịch Covid-19”, ông Lệnh bày tỏ.
 
Với người dân xã Đức Chánh (Mộ Đức), việc nghe đài phát thanh đã trở thành “món ăn” không thể thiếu vào mỗi sáng. “Nông dân như tôi đâu biết sử dụng mạng xã hội, cũng không có nhiều thời gian để xem các kênh thông tin đại chúng khác. Vì vậy, được nghe diễn biến dịch Covid-19 qua loa phát thanh, đã giúp chúng tôi nắm bắt kịp thời thông tin, biết cách phòng tránh cho bản thân và gia đình”, bà Trần Thị Bích Nguyệt, xã Đức Chánh chia sẻ.
 
Với thế mạnh “nhanh, chính xác và dễ tiếp thu”, lại hoạt động được gần như cả ngày, cứ có thông tin mới là phát ngay, nên thời gian qua, hệ thống loa phát thanh xã, phường đã phát huy hiệu quả rõ rệt vai trò “tuyên truyền viên” của mình. Thông thường, Đài truyền thanh xã, phường sẽ phát 2 lần/ngày, vào lúc 6 giờ sáng và 17 giờ chiều. Nhưng hiện nay, nhiều Đài truyền thanh xã đã tăng thời lượng phát lên 4 lần/ngày, vào khung 6 giờ sáng, 10 giờ trưa, 15 giờ và 17 giờ chiều. Qua đó, những thông tin quan trọng đều được truyền tải đến với nhiều người hơn, nhanh hơn.
 
Theo đánh giá của Sở TT&TT, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát, phần lớn các Đài truyền thanh xã, phường, thị trấn đã phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền. Có 98 Đài truyền thanh của 98 xã, phường được đầu tư nâng cấp và sửa chữa, bố trí trang thiết bị (qua nguồn vốn kinh phí sự nghiệp từ Chương trình xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2017 - 2019), nên đảm bảo hoạt động thông suốt.
 
Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Bưu chính - Viễn thông (Sở TT&TT) Trần Duy Linh, hiện vẫn còn 40 Đài truyền thanh vô tuyến thuộc 5 huyện miền núi không đạt chuẩn, do thường xuyên hư hỏng và sử dụng dãi tần hoạt động không phù hợp. “Trước thực trạng trên, Sở TT&TT đã yêu cầu chính quyền các địa phương thường xuyên kiểm tra và khắc phục kịp thời những hư hỏng của Đài, cũng như cụm loa truyền thanh xã, đảm bảo thời gian hoạt động ít nhất 1 - 2 lần/ngày; đồng thời, kiến nghị tỉnh quan tâm, bố trí vốn đầu tư nâng cấp và sửa chữa đài  truyền thanh ở các huyện miền núi, đảm bảo công tác tuyên truyền ở cơ sở”, ông Linh cho biết.
 
KIM NGÂN - MỸ HOA
 
 
 
 

.