Chưa có thuốc đặc trị, bác sĩ Việt Nam vẫn chữa khỏi cho bệnh nhân nhiễm nCoV

04:02, 10/02/2020
.
14h ngày 10-2, các bác sĩ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (cơ sở 2 ở huyện Đông Anh, Hà Nội) đã tổ chức cho 3 bệnh nhân (ở tỉnh Vĩnh Phúc), từng dương tính với bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV), được xuất viện.
 
Ba bệnh nhân được xuất viện sau khi xét nghiệm 3 lần đều cho kết quả âm tính với nCoV. Đây cũng là 3 bệnh nhân nằm trong nhóm 8 công nhân của Công ty TNHH Nihon Plast của Nhật Bản, đi tập huấn tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, về nước ngày 17-1-2020.
 
Như vậy, tính đến thời điểm này, Việt Nam đã điều trị khỏi và cho xuất viện 6/14 bệnh nhân dương tính với nCoV. Để có được kết quả này là cả sự cố gắng, nỗ lực ngày đêm không mệt mỏi của các y bác sĩ.
 
Lãnh đạo Bộ Y tế, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 tặng hoa chúc mừng 3 bệnh nhân được xuất viện.
Lãnh đạo Bộ Y tế, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 tặng hoa chúc mừng 3 bệnh nhân được xuất viện.
Từ cuộc chiến đầy hiểm nguy...
 
Tính đến 14h ngày 10-2, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương tiếp nhận điều trị cho 5 bệnh nhân nhiễm nCoV, trong đó 3 bệnh nhân được xuất viện là N.T.D (24 tuổi; ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc); V.H.L (29 tuổi; ở thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) và T.C.P (30 tuổi; ở xã Minh Quang, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc).
 
Trong các đại dịch, từ dịch SARS, cúm A/H5N1 đến cúm H1N1, sốt xuất huyết..., Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương luôn trở thành tâm điểm chống dịch ở phía Bắc. Đến khi nCoV khiến cả thế giới lo sợ xâm nhập vào nước ta, thì bệnh viện lại vào một cuộc chiến mới. Căng thẳng, mệt mỏi, hiểm nguy... là những gì mà các y bác sĩ nơi đây phải đối mặt suốt gần 20 ngày qua, kể từ khi tiếp nhận bệnh nhân dương tính với nCoV đầu tiên.
 
Là một trong hơn 60 nhân viên y tế trực ở bệnh viện để điều trị cũng như theo dõi, cách ly bệnh nhân nhiễm nCoV, bác sĩ Bá Đình Thắng, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương còn nhớ như in ngày đón những bệnh nhân dương tính với nCoV đầu tiên nhập viện. "Lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo các khoa, phòng cũng đã chỉ đạo sẵn sàng để chiến đấu chống dịch. Mỗi vụ dịch có đặc thù khác nhau, nguy cơ lây nhiễm khác nhau... và khi tiếp xúc với ca bệnh nCoV đầu tiên, anh em trong ca trực lúc nào cũng tích cực, khẩn trương, thực hiện đầy đủ các biện pháp và chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ, phòng để cách ly, theo dõi", bác sĩ Thắng chia sẻ.
 
Được phân công làm việc trong khu cách ly của Khoa Cấp cứu, trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân dương tính với nCoV, công việc của bác sĩ Thắng và các y, bác sĩ ở đây là hằng ngày thăm khám, đánh giá toàn trạng của bệnh nhân, các dấu hiệu sinh tồn, triệu chứng lâm sàng... Thậm chí, các bác sĩ thuộc lòng cả vấn đề dinh dưỡng, ăn uống, sinh hoạt của bệnh nhân giai đoạn trong phòng cách ly đặc biệt. 
 
Không chỉ nắm rõ thể trạng, lịch sinh hoạt của người bệnh, mà mỗi nhân viên y tế nơi đây phải nằm lòng quy trình khử trùng, cách ly nghiêm ngặt. Bác sĩ Trần Văn Giang, Phó Trưởng khoa Vi rút - Ký sinh trùng của bệnh viện chia sẻ, ở những khu vực có nguy cơ lây nhiễm thấp, trước khi nhân viên y tế ra về đều phải bảo đảm các điều kiện khử khuẩn, vệ sinh cá nhân (tắm rửa, súc miệng, rửa tay...) nhằm hạn chế tối đa nguy cơ mang vi rút ra ngoài cộng đồng. Sau khi ra khỏi khu cách ly, đồ bảo hộ chuyên dụng cũng sẽ được tiêu hủy theo đúng quy định.
 
Hằng ngày, trực tiếp làm việc, chăm sóc các bệnh nhân nhiễm nCoV tại phòng cách ly đặc biệt, điều dưỡng Nguyễn Thị Dung, Khoa Cấp cứu, phải mặc bộ quần áo bảo hộ kín mít trong suốt 3-4 giờ. Điều dưỡng Dung kể, khi mặc đồ bảo hộ, cơ thể bí bách, khó chịu nhưng mọi người đều cố gắng. Khó nhất là muốn đi vệ sinh cũng phải cố đợi đến giờ được nghỉ giải lao mới được cởi bỏ bộ quần áo. Công việc vất vả, kỷ luật nghiêm không khiến cô chạnh lòng bằng việc bạn bè, người xung quanh né tránh khi biết cô đang trong tâm dịch. 
 
Từ khi công bố dịch nCoV, 60 nhân viên y tế đều ăn ngủ tại bệnh viện, lấy bệnh viện là nhà, hạn chế tiếp xúc với người khác. Bệnh viện cũng đã thu xếp một khu nhà ở tạm cho các bác sĩ với những điều kiện sinh hoạt tối giản hết mức. Các bữa ăn hằng ngày được đặt từ một công ty mang vào phát cho bệnh nhân và nhân viên y tế.
 
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu của bệnh viện chia sẻ: "Không thể nói rằng chúng tôi không lo lắng, căng thẳng nhưng công việc đã yêu cầu, chúng tôi phải cố gắng làm tốt nhiệm vụ của mình. Thông thường, nhân viên y tế sẽ đổi ca 8 giờ/lần và trong thời gian khoảng 4 giờ trực, họ sẽ được cởi bỏ đồ bảo hộ để ra ngoài ăn uống, đi vệ sinh. Ngay cả những hành động rất đơn giản cũng phải thành quy trình kỹ năng như cởi một cái áo ra khỏi người nhân viên y tế, mở một cánh cửa hay rửa đôi bàn tay...".
 
... đến những nụ cười hạnh phúc
 
Nhìn những nụ cười hạnh phúc trên gương mặt các bệnh nhân trong buổi chiều được xuất viện, khó có thể hình dung họ đã trải qua những giờ phút căng thẳng cùng các y, bác sĩ chiến đấu lại bệnh tật.
 
Bệnh nhân nữ N.T.D (24 tuổi; ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) là thành viên trong đoàn 8 người được Công ty TNHH Nihon Plast của Nhật Bản cử sang Trung Quốc tập huấn tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc trong 2,5 tháng. Trở về Việt Nam ngày 17-1-2020, ngày 25-1, bệnh nhân đi taxi cùng bố đẻ đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, sau đó làm xét nghiệm RT-PCR dương tính với nCoV. Sau thời gian điều trị và theo dõi, kết quả cho thấy, bệnh nhân hết sốt ngày 29-1, hết ho ngày 8-2. Bệnh nhân đã được lấy mẫu dịch họng xét nghiệm lần 2 ngày 1-2 và lần 3 ngày 6-2 bằng kỹ thuật RT-PCR, đều cho kết quả âm tính với nCoV.
 
Bệnh nhân D chia sẻ: "Ban đầu khi biết mình mắc căn bệnh mà cả thế giới đang lo sợ, em rất hoang mang. Thế nhưng, khi đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, được các bác sĩ hết lòng điều trị, em đã bình tĩnh hơn. Hiện tại, sức khoẻ của em đã ổn định, tiếp xúc tốt".
 
Sau 11 ngày điều trị, đến ngày 6-2, bệnh nhân V.H.L (nữ, 29 tuổi; ở huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) cũng đã hết ho và không còn sốt. Bệnh nhân cũng được tiến hành lấy mẫu dịch họng xét nghiệm lần 2 ngày 6-2 và lần 3 ngày 8-2 bằng kỹ thuật RT-PCR, đều cho kết quả âm tính với nCoV.
 
Tương tự, bệnh nhân T.C.P (nam, 30 tuổi; ở xã Minh Quang, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc), sau điều trị 10 ngày, bệnh nhân cắt sốt ngày 4-2, hết ho ngày 6-2. Bệnh nhân đã được lấy mẫu dịch họng xét nghiệm lần 2 ngày 6-2 và lần 3 ngày 8-2 bằng kỹ thuật RT-PCR, đều cho kết quả âm tính với nCoV.
 
GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV chưa có vắc xin, thuốc điều trị đặc hiệu. 
 
"Hiện nay, đối với nCoV, chúng ta đang điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bao gồm điều trị triệu chứng, điều trị suy các tạng, điều trị các biến chứng, nâng cao thể trạng và có thể là nâng cao sức miễn dịch của bệnh nhân... Vi rút nCoV bị tiêu diệt, là do cơ thể có sức đề kháng tốt, đến thời gian phù hợp thì cơ thể tự đào thải, nên bệnh nhân âm tính và khỏi bệnh", GS.TS Kính cho biết.
 
Ngoài các vấn đề chuyên môn, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cũng chia sẻ thêm: "Khó khăn, vất vả, nguy cơ lây nhiễm bệnh, chúng tôi không sợ bằng những thông tin thất thiệt trên mạng xã hội. Ngoài công việc cấp cứu người bệnh, hằng ngày, tôi lại thêm việc phải trả lời rất nhiều cuộc điện thoại từ người thân, bạn bè gọi đến, nội dung chủ yếu để kiểm chứng những thông tin trên mạng. Họ trông chờ những lời giải thích từ các bác sĩ để có thể yên lòng. Điều đáng sợ nhất là những thông tin thất thiệt có thể khiến người dân vì lo sợ, hoang mang mà kéo vào viện khám, không những dẫn đến quá tải mà còn tăng khả năng lây nhiễm".
 
Tính đến 14h ngày 10-2, trong số 14 người dương tính với nCoV tại Việt Nam, có 6 người đã được điều trị khỏi bệnh, gồm 3 người đã xuất viện trước đó và 3 người xuất viện vào chiều 10-2.
 
 
Trước đó ngày 3-2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã cho nữ bệnh nhân N.T.Tr xuất viện sau khi người này khỏi bệnh. Còn ngày 4-2, Bệnh viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh đã chúc mừng và trao giấy xuất viện cho bệnh nhân người Trung Quốc Li Zichao (28 tuổi), bị nhiễm nCoV nhưng đã khỏi bệnh sau 14 ngày được các bác sĩ Việt Nam điều trị. Bệnh nhân có kết quả âm tính với nCoV sau 4 lần xét nghiệm. Cùng ngày 4-2, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa cũng cho chị L.T.T.H, nữ nhân viên lễ tân (25 tuổi; quê ở xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) xuất viện sau 3 lần xét nghiệm kết luận âm tính với nCoV.
 
Theo Thu Trang/Báo Hà Nội mới
 
 

.