Phòng chứng rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi

02:11, 19/11/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Khi bị rối loạn giấc ngủ kéo dài, quá trình khôi phục sức khỏe không được đầy đủ làm cho cơ thể thường xuyên mệt nhọc, bần thần, chóng mặt, hay quên... khiến cơ thể bị suy nhược, rất khó hồi phục.

TIN LIÊN QUAN

Gần 3 năm nay, ông Nguyễn Thanh (67 tuổi), xã Nghĩa Thọ (Tư Nghĩa) thường xuyên bị căng thẳng và khó ngủ. Nhiều đêm ông cứ trằn trọc mất 2 - 3 tiếng mới ngủ, nhưng chưa đến 2 tiếng thì lại tỉnh giấc. Ông Thanh đã được bác sĩ  kết luận bị mất ngủ mạn tính.

Hay như bà Võ Thị Giao (60 tuổi), phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) phải đến khám tại Khoa Nội thần kinh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), vì đã 6 tháng nay hầu như bà không ngủ được vào ban đêm; còn ban ngày lại ngủ gà, ngủ gật. Bà Giao được bác sĩ chẩn đoán là bị đảo lộn giấc ngủ.

Người cao tuổi bị mất ngủ đang được bác sĩ khám tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh.
Người cao tuổi bị mất ngủ đang được bác sĩ khám tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh.

Theo các bác sĩ thần kinh, trường hợp của ông Thanh, bà Giao là triệu chứng của rất nhiều bệnh bên trong cơ thể. Nguyên nhân dẫn đến rối loạn giấc ngủ đa phần gắn liền với yếu tố tuổi tác và tâm lý. Vì vậy, mất ngủ hay gặp ở người trên 50 tuổi, người gặp phải những biến động trong cuộc sống ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, tinh thần...

Ngủ là khi cơ thể tạm thời gián đoạn tất cả các liên lạc với môi trường xung quanh. Các cơ quan trong cơ thể đều giảm hoạt động, hay ở trạng thái nghỉ ngơi. Giấc ngủ giúp cho cơ thể phục hồi sức lực, tăng cường hấp thu các chất dinh dưỡng, khôi phục sức khỏe bị hao tổn trong lúc thức vận động, làm việc. Mọi người đều cần giấc ngủ yên tĩnh để phục hồi sức lực, đặc biệt là người lớn tuổi.

Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Cường - Trưởng Khoa Nội thần kinh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), rối loạn giấc ngủ có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Đối với người già họ bị nhiều bệnh có thể gây ra mất ngủ. Họ hay bị sang chấn tâm lý, các rối loạn trầm cảm lo âu... dễ dẫn tới sự rối loạn giấc ngủ người già. Điều này dẫn tới hậu quả bệnh nhân thường mệt mỏi, thiếu năng lực, giảm sút sự tập trung chú ý, khó tập trung tư tưởng, có thể giảm sút trí nhớ, có khi lú lẫn.

“Để phòng ngừa rối loạn giấc ngủ, chúng ta phải thay đổi lối sống, thói quen trong sinh hoạt như: Tập đi ngủ và thức dậy vào một giờ nhất định; trước khi đi ngủ không nên ăn quá no, không nên dùng các chất kích thích như cà phê, trà, rượu, bia, vitamin C. Hơn nữa, cần tránh căng thẳng, lo âu, thư giãn trước khi đi ngủ, mặc quần áo rộng rãi thoải mái. Chỗ ngủ phải đảm bảo yên tĩnh, tránh tiếng ồn và âm thanh, ánh sáng quá nhiều và không khí phải mát mẻ dễ chịu”, bác sĩ Cường chia sẻ.

 Bài, ảnh: KIM LIÊN

 

.