Xây dựng vườn thuốc nam ở Minh Long

10:09, 03/09/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, việc kết hợp đông - tây y trong điều trị bệnh được các cơ sở y tế chú trọng. Tại các trạm y tế xã trên địa bàn huyện Minh Long đều xây dựng vườn thuốc nam với các loại cây thuốc khác nhau, góp phần nâng cao hiệu quả khám, điều trị bệnh.

TIN LIÊN QUAN

Vườn cây thuốc nam tại Trạm Y tế xã Thanh An là một trong những vườn thuốc tiêu biểu của huyện Minh Long. Trên diện tích hơn 60m2, vườn cây thuốc nam mẫu của Trạm có hơn 40 loại cây thuốc nam như: Rẽ quạt, bạc hà, bồ công anh, cam thảo, gừng, húng, chanh, tía tô, kinh giới, mã đề... được trồng theo từng ô riêng biệt.

Để phát triển vườn thuốc nam, cán bộ Trạm Y tế xã thường xuyên sưu tầm thêm nhiều loại cây thuốc dùng chữa các bệnh khác nhau đưa về trồng bổ sung. Thông qua hoạt động khám, chữa bệnh hằng ngày, các y, bác sĩ thường xuyên hướng dẫn cho người dân biết tác dụng của từng loại cây thuốc nam trong phòng bệnh, chữa bệnh, đồng thời khuyến khích người dân mang về trồng tại vườn nhà để tiện sử dụng.

Cán bộ Trạm Y tế xã Thanh An (Minh Long) đang chăm sóc vườn thuốc nam.
Cán bộ Trạm Y tế xã Thanh An (Minh Long) đang chăm sóc vườn thuốc nam.

Bà Đinh Thị Dí ở thôn Hóc Nhiêu, xã Thanh An phấn khởi cho biết: "Mỗi khi bị bệnh tôi thường đến trạm y tế xã để khám và xin thuốc nam chữa bệnh. Tôi bị ho, viêm họng, các bác sĩ hướng dẫn dùng cây rẽ quạt, bạc hà kết hợp chưng với mật ong rất hiệu quả, khỏi bệnh nhanh mà không phải tốn tiền mua thuốc tây".

Theo Trưởng Trạm Y tế xã Thanh An Nguyễn Diên Ngôn, chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền có rất nhiều lợi ích. Cây thuốc nam lành tính, không có tác dụng phụ, tiện dụng, ít tốn kém về kinh tế. Ngoài ra, dùng thuốc nam chữa bệnh thông thường còn góp phần duy trì nguồn cây dược liệu quý có ngay trong vườn nhà.

Hiện nay, tại 5/5 trạm y tế xã ở huyện Minh Long đã xây dựng vườn cây thuốc nam mẫu nhằm duy trì tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế. Các vườn cây thuốc nam luôn đảm bảo có từ 40 loại cây trở lên. Hằng năm, việc điều trị bệnh kết hợp tây y và y học cổ truyền tại các trạm y tế xã trên địa bàn huyện đạt trung bình trên 30%.

Tuy nhiên, việc phát triển vườn thuốc nam mẫu tại các trạm y tế xã vẫn còn gặp một số khó khăn. Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Minh Long Trần Đặng Giao cho biết: Một số trạm y tế có vườn thuốc nam, nhưng việc duy trì số cây thuốc theo quy định không đơn giản, nhất là trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, do một số cây sinh trưởng theo mùa.

Cùng với đó, các trạm y tế xã luôn gặp khó khăn về nguồn nước để tưới tiêu, chăm sóc vườn thuốc nam. Ngoài ra, có không ít người dân chưa quan tâm tới việc khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

Để phát huy hiệu quả những vườn thuốc nam mẫu tại trạm y tế tuyến xã, thời gian tới ngành y tế huyện Minh Long tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, hướng dẫn người dân cách sử dụng, trồng và chăm sóc một số cây thuốc thông dụng tại gia đình để chủ động điều trị khi mắc những bệnh thông thường.

Bài, ảnh: TRUNG ÂN
 

.