Không nên hoang mang về bệnh "vi khuẩn ăn thịt người"

10:09, 25/09/2019
.
Ông Hồ Minh Nên.
Ông Hồ Minh Nên.
(Báo Quảng Ngãi)- Việc phát hiện nhiều ca bệnh Melioidosis (Whitmore) - được ví là bệnh “vi khuẩn ăn thịt người” - trong thời gian gần đây ở một số tỉnh khiến nhiều người dân lo lắng. Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngành y tế, bệnh này không lây truyền từ người sang người và ít gặp. Để hiểu hơn về bệnh trên, phóng viên Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hồ Minh Nên.

PV: Xin ông cho biết cụ thể về bệnh Melioidosis? Những người nào có nguy cơ mắc bệnh này?

Ông Hồ Minh Nên: Bệnh Melioidosis do trực khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei tồn tại trong môi trường tự nhiên gây ra. Con người có thể mắc bệnh Melioidosis khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bề mặt bị nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei. Người và động vật có thể mắc phải do hít phải hạt nước hoặc bụi có nhiễm vi khuẩn, uống nguồn nước nhiễm khuẩn hoặc tiếp xúc trực tiếp với đất nhiễm khuẩn, đặc biệt là qua xây xước ngoài da.

Bệnh chưa ghi nhận lây truyền từ người sang người. Đây là bệnh ít gặp, không gây thành dịch, nhưng bệnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt ở những người mắc bệnh mạn tính.

Bệnh Melioidosis ghi nhận số mắc nhiều tại Úc, đông bắc Thái Lan. Tại khu vực Đông Nam Á cũng ghi nhận các trường hợp mắc bệnh Melioidosis... Tại Viêt Nam, bệnh Melioidosis được mô tả lần đầu tiên vào năm 1925 tại TP.Hồ Chí Minh, sau đó là Hà Nội, Huế. Hiện chưa có số liệu chính xác về tình hình mắc bệnh Melioidosis tại Việt Nam, nhưng có ghi nhận số ca mắc tại nhiều địa phương và các trường hợp nhập viện điều trị tại các bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Vi khuẩn B. pseudomallei khi vào cơ thể sẽ thâm nhập vào các bộ phận của cơ thể, thường gặp là ở phổi. Bên cạnh đó là các cơ quan nội tạng như gan, thận, tim, cơ, da các tuyến tiêu hóa... Cả người lớn lẫn trẻ em đều có nguy cơ bị bệnh. Những người lao động có tiếp xúc với bùn đất, đặc biệt là người có vết thương ngoài da cần hết sức lưu ý vấn đề an toàn lao động.

PV: Triệu chứng của bệnh là gì? Tại Quảng Ngãi đã ghi nhận trường hợp bị bệnh nào chưa, thưa ông?

Ông Hồ Minh Nên: Thời gian ủ bệnh của vi khuẩn Whitmore kéo dài từ 1 - 21 ngày, trung bình là 9 ngày bệnh sẽ bộc phát. Tuy nhiên, triệu chứng lâm sàng của bệnh cũng rất mơ hồ, chẩn đoán rất khó nên dễ bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh khác, như viêm phổi, nhiễm khuẩn da mô mềm, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu, liên cầu...

Triệu chứng bệnh có thể cấp tính gồm sốt, suy hô hấp, co giật hoặc viêm phổi kéo dài, sốt kéo dài, loét hoại tử một hay nhiều vùng da trên người, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, áp xe ở gan, lách, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng...

Chẩn đoán bệnh Melioidosis dựa vào các yếu tố dịch tễ như tiếp xúc với đất, nước, bụi, các dấu hiệu lâm sàng và có kết quả định danh vi khuẩn B. pseudomallei từ các mẫu bệnh phẩm.

Nhiều năm qua, tại Quảng Ngãi chưa từng ghi nhận ca bệnh Whitmore trong toàn tỉnh.

PV: Cách điều trị và phòng bệnh này như thế nào?

Ông Hồ Minh Nên: Bệnh này chưa có vắc xin phòng bệnh. Vi khuẩn bệnh còn nhạy cảm với nhiều loại kháng sinh, cần làm kháng sinh đồ để chọn kháng sinh phù hợp. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân được phát hiện muộn, đã bị nhiễm trùng huyết, tỷ lệ tử vong khá cao, khoảng 40%.

Để phòng bệnh, nên hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng. Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Những người có bệnh mãn tính như tiểu đường, suy giảm miễn dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

Khi thấy cơ thể bất thường, người dân cần đi khám ngay tại các cơ sở y tế. Những người có bệnh mạn tính như huyết áp, tiểu đường hoặc những bệnh suy giảm miễn dịch, cần chú ý phòng bệnh, những trường này khi mắc bệnh này sẽ nặng nề hơn.

   KIM NGÂN
 (thực hiện)


 

.