Khan hiếm nguồn tiểu cầu điều trị sốt xuất huyết

06:09, 25/09/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang gia tăng trên địa bàn tỉnh và diễn biến phức tạp, với gần 1.200 ca bệnh. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và người nhà bệnh nhân đang gặp nhiều khó khăn trong việc huy động người hiến tiểu cầu trực tiếp để cấp cứu bệnh nhân.

TIN LIÊN QUAN

Sáng 24.9, Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã trở nên quá tải, do có trên 100 bệnh nhân đang điều trị, trong đó có 50% là bệnh nhân SXH nặng. Cụ Huỳnh Tấn Hiền (75 tuổi), ở huyện Nghĩa Hành, bị SXH, giảm tiểu cầu dẫn đến chảy máu cần người hiến tiểu cầu trực tiếp.

Tuy nhiên, người thân trong gia đình cụ chưa có ai đủ điều kiện để hiến tiểu cầu. Các bác sĩ ở Khoa Bệnh nhiệt đới và Khoa Huyết học phải huy động từ các nhóm hiến máu tình nguyện.

Cán bộ Khoa Huyết học (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đang tách tiểu cầu để điều trị cho bệnh nhân.
Cán bộ Khoa Huyết học (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đang tách tiểu cầu để điều trị cho bệnh nhân.

“Tình hình sức khỏe cụ rất yếu, mong có người tình nguyện hiến tiểu cầu nhóm máu O để điều trị kịp thời cho cha tôi”, ông Huỳnh Tấn Tiền, người nhà bệnh nhân khẩn cầu.

Còn trường hợp của bệnh nhân Huỳnh Thị Tiếc, ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) bị SXH, giảm tiểu cầu, Khoa Huyết học phải huy động người nhà và người hiến máu tình nguyện truyền tới 6 đơn vị máu để điều trị cho bệnh nhân mới qua cơn nguy cấp.

Hiện nay, mỗi ngày Khoa Bệnh nhiệt đới có 3 - 4 trường hợp cần người hiến tiểu cầu, để cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân. Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, bác sĩ Lương Văn Tuấn cho biết: "Khó khăn của chúng tôi hiện nay là huy động người hiến tiểu cầu cấp cứu cho người bệnh.

Người lớn tuổi bị SXH nguy hiểm nhất là giảm tiểu cầu, chảy máu ở các bộ phận cơ thể cần phải truyền tiểu cầu ngay để cấp cứu. Khi số lượng tiểu cầu trong máu giảm sẽ xuất hiện tình trạng xuất huyết. Do đó, người bị SXH cần được theo dõi kỹ, nhất là ngày thứ ba trở đi.

Khi bệnh nhân hạ sốt người nhà không được chủ quan. Đây là giai đoạn người bệnh dễ giảm tiểu cầu, xuất huyết và dễ dẫn đến biến chứng xuất huyết não, dạ dày, nguy hiểm đến tính mạng. Người bệnh không nên tự ý điều trị SXH tại nhà, mà phải được thăm khám, điều trị theo chỉ định của bác sĩ".

Theo bác sĩ Tuấn, hiện khoa đảm bảo đủ các dịch truyền và thuốc, vật tư trong điều trị SXH. Khoa cũng bố trí giường xếp và nhân vật lực để cấp cứu, điều trị trường hợp bệnh nhân SXH tăng đột biến.

Tại Khoa Huyết học truyền máu, y, bác sĩ của khoa cũng đang căng mình để huy động người hiến tiểu cầu cấp cứu bệnh nhân SXH. Trưởng khoa Huyết học, bác sĩ Huỳnh Thị Thuận cho biết: Có ngày khoa phải huy động 10 đơn vị máu tiểu cầu.

Đây là nguồn máu không thể dự trữ, nên cần người hiến trực tiếp. Tuy nhiên, người hiến tiểu cầu phải là người có sức khỏe tốt và đảm bảo nhiều yếu tố, nên huy động số đông cũng rất khó khăn.

“SXH đã và đang diễn biến phức tạp, ngoài ý thức phòng bệnh, tuân thủ điều trị của người bệnh, bệnh viện hiện rất cần sự chung tay, giúp đỡ của cộng đồng để có nguồn tiểu cầu từ người hiến máu tình nguyện để cấp cứu, điều trị cho người bệnh SXH nói riêng và bệnh nhân cần tiểu cầu nói chung”, bác sĩ Thuận chia sẻ.        

                                                                                                                         
Bài, ảnh: KIM NGÂN

 

.