Cẩn trọng với bệnh tăng huyết áp

08:09, 30/09/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Biểu hiện của bệnh tăng huyết áp không rõ ràng. Người bệnh có thể mắc bệnh cao huyết áp và không có bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào cho đến khi họ gặp một cơn đột quỵ hoặc đau tim. Do đó, đo huyết áp thường xuyên và có lối sống lành mạnh là cách phòng ngừa hiệu quả.
TIN LIÊN QUAN

Tăng huyết áp ở người lớn là khi huyết áp tối đa (huyết áp tâm thu) lớn hơn hoặc bằng 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương tức là huyết áp tối thiểu lớn hơn hoặc bằng 90 mmHg. Cách phát hiện bệnh sớm duy nhất là đo huyết áp, nhất là khi có các dấu hiệu nghi ngờ như đau đầu, chóng mặt, tức ngực, có vết đen thoáng qua như ruồi bay trước mắt. Với người lớn tuổi, dù trong người thấy bình thường, nhưng cũng cần đo huyết áp kiểm tra hằng năm.
Đo huyết áp là cách giúp phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp.
Đo huyết áp là cách giúp phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp.

Bệnh tăng huyết áp ở thời gian đầu ít gây cảm giác khó chịu, một số trường hợp người bệnh cảm thấy chóng mặt, choáng váng, đau đầu, nhưng thường không để ý đến. Bệnh chỉ được phát hiện khi được đo huyết áp hoặc khi người bệnh bị biến chứng, thì mới biết mình bị tăng huyết áp, lúc đó là đã quá muộn.

Tăng huyết áp lặng lẽ làm tổn thương các cơ quan của cơ thể và rút ngắn tuổi thọ của con người. Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh tăng huyết áp. Do đó, chúng ta không nên chủ quan, đặc biệt khi nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ.

Trưởng khoa Tim mạch Lão khoa và Cán bộ trung cao (Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi), bác sĩ Trịnh Quang Thân cho biết: Cao huyết áp là bệnh chẩn đoán bằng cách đo huyết áp. Khi đo huyết áp thì bệnh nhân phải được nghỉ ngơi. Có thể đo liên tục sáng, chiều, tối. Thậm chí đo từ 5 - 7 ngày liên tục. Nếu chỉ số huyết áp trên 180/110 thì cần đưa vào điều trị. Nếu bệnh nhân huyết áp thấp hơn có thể đo lại.

Phát hiện sớm cao huyết áp chỉ có cách đo huyết áp định kỳ. Với những người đã đo rồi, không bị huyết áp cao thì đo trở lại 1 năm sau đó. Những người có tiền sử tăng huyết áp hoặc bệnh tim mạch cần đo 6 tháng 1 lần và những lần đi khám sức khỏe khác. Người được đo huyết áp cần nằm, ngồi nghỉ khoảng 5 phút trước khi đo; không uống cà phê trước 1 giờ, không hút thuốc lá trước 15 phút; không dùng thuốc kích thích tim mạch...

Trên thực tế, cứ 10 người tăng huyết áp, thì có 9 người không tìm ra được nguyên nhân. Tuy nhiên, tăng huyết áp có liên quan đến các nhóm “yếu tố nguy cơ”. Yếu tố nguy cơ chia làm 2 nhóm, đó là nhóm có thể can thiệp được và nhóm không thể can thiệp được.

Ví dụ chủng tộc, người lớn tuổi, giới tính (nam thường mắc hơn nữ) là những yếu tố không thể can thiệp được. Còn lại là nhóm yếu tố có thể can thiệp được như thừa cân béo phì, chế độ ăn nhiều muối, nhiều mỡ, ít chất xơ, không hoạt động thể lực, hút thuốc lá.

Những người có càng nhiều yếu tố nguy cơ, thì càng dễ bị mắc bệnh tăng huyết áp. Tăng huyết áp không có biểu hiện rõ ràng, do đó làm cho người bệnh dễ bỏ qua. Vì vậy, để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp mọi người cần thường xuyên đo huyết áp và theo dõi sức khỏe.      


 Bài, ảnh: KIM LIÊN


 

.