Cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em miền núi: Còn nhiều khó khăn

02:08, 13/08/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, mặc dù Nhà nước, các ban, ngành đã đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức nhiều chương trình, nhằm cải thiện tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng (SDD) ở miền núi, nhưng hiện số trẻ em SDD vẫn còn nhiều.

TIN LIÊN QUAN

Nghèo khó, đông con và suy dinh dưỡng

Năm 2018, mặc dù đã có 10 người con, nhưng chị Hồ Thị Nguyên, xã Trà Hiệp (Trà Bồng) vẫn sinh thêm đứa thứ 11. Chị Nguyên ôm đứa con nhỏ trên tay gần 1 tuổi mà chỉ nặng khoảng 4kg, thể trạng như trẻ tầm 1 - 2 tháng tuổi. Ăn uống thiếu thốn, nên những đứa trẻ đều nhỏ con so với độ tuổi. “Con đông, hoàn cảnh khó khăn, nên lúc cần gì thì mua chịu, sau đó có tiền mới trả. Các con đều bị SDD, yếu ớt, đau ốm thường xuyên, nên tôi không đi làm được”, chị Nguyên cho hay.

 

Việc sinh nhiều con làm cho nhiều trẻ em miền núi không được chăm lo đầy đủ.
Việc sinh nhiều con làm cho nhiều trẻ em miền núi không được chăm lo đầy đủ.
Tại nhiều địa phương, nhất là các nơi xa xôi, đi lại cách trở, số trẻ bị SDD vẫn còn nhiều. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu kiến thức chăm con, nên dù trong độ tuổi từ 1 -  5 tuổi, nhưng trẻ không được quan tâm bữa ăn và bổ sung chất dinh dưỡng dẫn đến SDD.

Trường hợp của em Phạm Văn Hoàng (7 tuổi) ở thôn Mang Lùng 1, xã Ba Tô (Ba Tơ) vẫn được nhiều nhân viên y tế địa phương nhớ mãi. Mẹ bỏ đi khi Hoàng mới 3 tháng tuổi, nên em ở với ông bà ngoại. Lúc 9 tháng tuổi, Hoàng chỉ nặng 4kg, chưa thể bò hay ngồi được, vì ông bà ngoại chỉ cho uống nước đường, thỉnh thoảng pha sữa đặc cho uống. Đến khi nhân viên y tế đến cân, mới phát hiện Hoàng bị SDD cấp tính. Lúc ấy, nhờ chương trình hỗ trợ bánh dinh dưỡng Hebi, hướng dẫn người nhà cách chăm sóc suốt 4 tháng, Hoàng mới hết SDD cấp tính.

Cần thay đổi nhận thức

Thời gian qua, các huyện miền núi đã nỗ lực tuyên truyền, lồng ghép, tổ chức nhiều hoạt động, triển khai các đề án góp phần cải thiện tình trạng SDD ở trẻ em như phát sữa, bổ sung vi chất cho bà mẹ, trẻ em, tổ chức lớp học bán trú... Ngoài ra, còn phát huy vai trò của nhân viên y tế thôn hướng dẫn bà mẹ cách nấu cháo dinh dưỡng, chăm sóc trẻ và phát hiện trẻ bị SDD. Tuy nhiên, vì đời sống khó khăn, trình độ nhận thức còn thấp, nhiều người chưa chú trọng đến dinh dưỡng cho con em.

Là người nhiều năm gắn bó với y tế vùng cao, chị Phạm Thị Thu Thanh, nhân viên Trạm Y tế xã Ba Tô (Ba Tơ) cho biết: Nguyên nhân trẻ SDD ở miền núi là do người mẹ không biết cách và chưa có ý thức chăm con. Nhiều người để con ở nhà gửi ông bà, người thân, đi làm cả ngày đến tối mới về, trẻ ăn được bao nhiêu thì ăn, nên có khoảng 40% trẻ trên địa bàn xã bị SDD.

Theo Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Nguyễn Xuân Bắc, để cải thiện tình trạng SDD ở trẻ em miền núi, ngoài việc tuyên truyền, điều quan trọng nhất chính là đời sống kinh tế hộ gia đình của người dân phải được thay đổi. Khi điều kiện sống, trình độ nhận thức nâng lên, người dân mới chú trọng đến chế độ dinh dưỡng cho con em. Để phát triển kinh tế hộ gia đình, cần thay đổi và nâng cao phương thức sản xuất phù hợp với tập quán canh tác, điều kiện thổ nhưỡng ở vùng cao...

Bài, ảnh: HUỲNH THẢO


 

.