Nguy cơ bùng phát bệnh sốt xuất huyết

10:07, 04/07/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước diễn biến phức tạp của bệnh sốt xuất huyết (SXH), các đơn vị y tế đã phối hợp với các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số người dân chưa chủ động trong phòng, chống căn bệnh này.

TIN LIÊN QUAN

Số ca bệnh tăng cao

Đến cuối tháng 6, toàn tỉnh có hơn 600 ca SXH, tập trung từ tháng 5 đến nay và tăng gấp 3 - 4 lần so với cùng kỳ. Đáng nói là, bệnh SXH hiện đang diễn biến phức tạp và gia tăng ở một số huyện miền núi trong tỉnh. Huyện Ba Tơ có số ca bệnh nhiều nhất, với hơn 50 ca. Tại khu vực đồng bằng, TP.Quảng Ngãi dẫn đầu với 200 ca bệnh, tiếp đến là các huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ...

 Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Khoa Nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh).
Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Khoa Nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh).

Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Quảng Ngãi Lê Thị Bích Thu cho biết: Thành phố đã khống chế 14 ổ bệnh tại các xã, phường, hạn chế lây lan trong cộng đồng. Đã cấp gần 50 lít hóa chất để các trạm y tế triển khai phun diệt muỗi. Tuy nhiên, ý thức phòng, chống bệnh của người dân một số nơi còn thấp, dẫn đến mật độ muỗi và số vectơ truyền muỗi SXH tăng cao, phát sinh gây bệnh.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận và điều trị gần 300 ca bệnh. Tại Khoa Nhiệt đới, ghi nhận có nhiều bệnh nhân SXH ở mức độ khá nặng. Nhiều trường hợp phải truyền tiểu cầu để cấp cứu. Bệnh nhân Nguyễn Thành Đại cho biết: “Lúc đầu, tôi có triệu chứng sốt, lạnh trong người, kèm mệt mỏi, nghĩ là cảm sốt thông thường, nên ra tiệm mua thuốc hạ sốt uống. Nhưng rồi, bệnh ngày càng nặng, nên gia đình đưa tôi vô đây nhập viện thì mới biết bị SXH”.

Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh cũng đang khám, theo dõi điều trị cho hàng chục ca bệnh SXH. Theo Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh), bác sĩ Trương Thị Thanh, hiện khoa đang tập trung điều trị cho các ca bệnh SXH trẻ em ở mức độ nặng. Đa số các trường hợp nhập viện thường muộn 2 - 3 ngày, vì một số phụ huynh còn nhầm bệnh SXH với một số bệnh lý khác.

Nâng cao ý thức phòng bệnh

Xã Tịnh Long là một trong những “điểm nóng” của bệnh SXH trên địa bàn TP.Quảng Ngãi. Qua giám sát của ngành y tế, địa phương này có chỉ số vectơ muỗi truyền bệnh SXH khá cao. Trưởng trạm Y tế xã Tịnh Long, bác sĩ Nguyễn Hữu Đính cho biết: “Để phòng, chống bệnh SXH, cán bộ y tế đã phun hóa chất diệt muỗi và cùng với người dân ra quân diệt lăng quăng, bọ gậy và tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ gia đình có biện pháp diệt lăng quăng để phòng bệnh”.

Tại phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi), nhiều hộ dân chưa có ý thức cao trong phòng, chống bệnh SXH. Một số nơi vẫn để thiết bị chứa nước tràn lan, tạo cơ hội cho muỗi phát sinh gây bệnh; các cơ sở kinh doanh phế liệu để dụng cụ đọng nước và chưa đảm bảo vệ sinh môi trường...

Theo nhận định của ngành y tế,  trong thời gian tới, dự báo bệnh SXH sẽ diễn biến phức tạp. Do đó, ngoài các biện pháp phòng, chống bệnh SXH của ngành y tế, mỗi người dân cũng cần chủ động, tích cực tham gia diệt lăng quăng, bọ gậy, muỗi gây bệnh, để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

Phát hiện muộn sẽ ảnh hưởng đến tính mạng

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bác sĩ Hồ Minh Nên khuyến cáo: Bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Nếu phát hiện bệnh muộn, hoặc không đưa đến các cơ sở y tế kịp thời có thể dẫn đến sốc, xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, tê liệt, trụy tim mạch, hôn mê dẫn đến khả năng tử vong cao, nhất là đối với trẻ em.

    Bài, ảnh: TRÍ PHONG

 


.