Chung tay tạo cân bằng giới tính

03:07, 07/07/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mất cân bằng giới tính khi sinh (CBGTKS) đang là vấn đề nan giải, nỗi lo của toàn xã hội, bởi nó gây ra những tác động không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, tỷ lệ mất CBGTKS trên địa bàn tỉnh vẫn ở mức tương đối cao (gần 112 bé trai/100 bé gái).

TIN LIÊN QUAN

Tỷ lệ nam/nữ quá chênh lệch

Tư tưởng "trọng nam, khinh nữ" khiến nhiều gia đình, các cặp vợ chồng chỉ thực hiện kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) khi đã sinh con trai. Điển hình như gia đình chị B.T.D (42 tuổi) ở huyện Tư Nghĩa hay chị N.T.K.H ở TP.Quảng Ngãi.

 Cần chung tay phòng, chống lựa chọn giới tính khi sinh. (Ảnh minh họa)
Cần chung tay phòng, chống lựa chọn giới tính khi sinh. (Ảnh minh họa)

"Tôi đã có 4 cháu gái, nhưng gia đình chồng vẫn muốn có cháu trai nối dõi tông đường. Dù sức khỏe không được tốt, nhưng vì áp lực sinh con trai nên tôi không thực hiện KHHGĐ để sinh tiếp đứa thứ 5. Đông con đi liền với nghèo khó. Các cháu cách nhau có một tuổi nên hay đau ốm, nhưng tôi vẫn phải sinh tiếp để giữ gìn hạnh phúc gia đình”, chị D chia sẻ.

Lấy chồng được 4 năm, nhưng qua hai lần sinh đều chưa có con trai, nên chị N.T.K.H thường xuyên bị gia đình chồng gây áp lực. Chị H cho biết: "Gia đình chồng làm nghề biển, rất cần con trai để nối nghiệp, nên dù đã có hai con gái, tôi vẫn phải sinh tiếp để kiếm con trai...”.

Theo quy luật sinh sản tự nhiên, số trẻ em trai/số trẻ em gái được sinh ra là 103/106. Ở Quảng Ngãi, tỷ lệ này luôn trên 111/100. Trong năm 2018, toàn tỉnh có trên 14.800 trẻ được sinh ra, thì hơn 7.860 trẻ là bé trai. Phó Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh Đặng Văn Ngữ cho rằng: "Cùng với quan niệm “trọng nam, khinh nữ”, yếu tố công nghệ y sinh và kỹ thuật dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản ngày càng cao là điều kiện thuận lợi để người dân có thể  nhận biết giới tính thai nhi".

Cần sự vào cuộc quyết liệt

Hằng năm, Sở Y tế có triển khai các đoàn kiểm tra, giám sát việc công bố giới tính, lựa chọn giới tính thai nhi ở các cơ sở y tế. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có cơ sở nào bị phát hiện; hầu hết là kiểm tra mang tính hình thức và nhắc nhở là chính. Hiện nay, công nghệ y tế hiện đại, không khó để các cặp vợ chồng biết giới tính con mình và với hỗ trợ của y học, cũng không ít cặp vợ chồng lựa chọn sinh con theo ý muốn hoặc loại bỏ thai nhi. Điều này dẫn đến hệ lụy thừa nam, thiếu nữ trong tương lai. Sự thay đổi cơ cấu dân số sẽ kéo theo sự thay đổi cơ cấu nghề nghiệp; gia tăng tội phạm liên quan đến lạm dụng tình dục; buôn bán phụ nữ, trẻ em...

Trước thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh xác định mục tiêu kiểm soát mất CBGTKS là một nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi sự vào cuộc và chung tay của cả cộng đồng. Trong đó, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã xây dựng và triển khai Đề án can thiệp, giảm tỷ lệ mất CBGTKS; khuyến khích xây dựng mới và duy trì sinh hoạt câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3 ở các xã, phường, thị trấn; đưa nội dung không lựa chọn giới tính thai nhi vào hương ước, quy ước tại địa phương.

Chi cục còn tổ chức gặp mặt, trao quà hỗ trợ trẻ em trong các gia đình sinh hai con gái mà không sinh con thứ 3 trở lên có thành tích cao trong học tập; tổ chức hội nghị, nói chuyện chuyên đề về giới, về mất CBGTKS tại các xã, phường, thị trấn...

Để đạt mục tiêu đưa tỷ suất giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên, ngoài việc tuyên truyền, áp dụng các đề án, mô hình... các cấp, ngành cần quan tâm đầu tư nguồn lực, kinh phí cho công tác DS - KHHGĐ, nhằm khống chế hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ suất giới tính khi sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số, nguồn nhân lực.

Bài, ảnh: TRÍ PHONG


.