Bài thuốc trị các bệnh chứng thường gặp mùa hè

04:06, 19/06/2019
.
Mùa hè dương khí vượng, trời nắng nóng, nhất là vào tiết tiểu thử, đại thử, là những thời điểm cực nóng thường làm cho cơ thể của mỗi người thiếu nước mà sinh ra những chứng bệnh khác nhau…
TIN LIÊN QUAN

Bệnh mùa hè, đông y gọi là ôn bệnh, có những loại bệnh nhiều người cùng mắc gọi là ôn dịch (truyền nhiễm) như: Thủy tả, thủy đậu, cảm phong hàn, phong nhiệt và một số bệnh ngoài da…

Chứng thủy tả (tiêu chảy)

Bệnh do thấp trọc gây ra. Thường do ăn uống nhiều thức ăn sống lạnh, không sạch, đêm nằm ngoài trời gặp sương lạnh.

Triệụ chứng: Đại tiện ra nước lỏng, có khi ra cả thức ăn chưa tiêu hóa, tiểu tiện ít, nước tiểu màu vàng, bụng trướng đầy, tâm phiền, khát nước, bệnh do ngoại cảm nhập vào lý.

Điều trị: Táo thấp lý khí khoan trung trừ tả.

Bài thuốc: “Thủy tả phương” gồm thương truật 10g, trần bì 6g, trạch tả 12g, xa tiền tử (sao) 10g, hoàng liên 6g, hậu phác 10g, cam thảo 6g, phục linh 12g, ý dĩ 20g, mộc hương 10g.

Cách dùng: Ngày uống một thang sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn khi thuốc còn ấm.
Thương truật.
Thương truật.

Cảm phong hàn

Tên khác: Ố hàn, ố phong, úy hàn, phong hàn bó biểu. Đi nắng về cơ thể đang nóng, ra nhiều mồ hôi, đi tắm nước lạnh ngay, hoặc ngồi trong phòng có nhiệt độ quá lạnh. Sau một thời gian ngắn thấy trong người có cảm giác lạnh, sợ lạnh, không có mồ hôi, sốt có khi sốt cao, rét run, đau đầu, đau khắp mình mẩy, rêu lưỡi trắng, mạch phù.

Điều trị: Sơ biểu tán hàn lý khí tuyên phế.

Bài thuốc: “Thất vị ẩm” gồm phòng phong 12g, trần bì 8g, chỉ xác 12g, cát cánh 12g, cam thảo 6g, trạch tả 10g. Mùa hạ gia: Tử tô 12g. Nếu có thấp nhiều gia: Thương truật 12g, hoắc hương 6g. Nếu hắt hơi sổ mũi, ho nhiều gia ngải diệp 6g, cát cánh 12g, kha tử 12g, liên kiều 12g, xuyên bối mẫu 8g.

Cách dùng: Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn.

Cảm phong nhiệt

Thường do làm việc lâu ngày ngoài trời nắng gắt, hoặc ở trong nhà mát lạnh đột ngột ra ngoài trời nắng, không che chở bảo vệ bị nóng làm tổn thương huyết phận. Hoặc người cao tuổi vốn cơ thể yếu, mắc chứng huyết nhiệt, trẻ em cơ thể còn non nớt phát triển chưa đầy đủ đưa ra nắng thời gian lâu bị cảm nhiễm khí nóng gọi là cảm phong nhiệt.

Triệu chứng: Sốt cao, sợ gió, chảy nước mũi, không có mồ hôi hoặc có nhưng ít, khát nước, họng đỏ sưng đau, lưỡi đỏ, mạch phù. Có trường hợp kiêm chứng ho đờm vàng.

Điều trị: Tân lương giải biểu, tuyên phế chỉ ho.

Bài thuốc “Thoái nhiệt thang” gồm tần giao 12g, thạch cao 20g, lô căn 12g, ý dĩ 20g, thông thảo 6g, đậu quyển 16g, cúc hoa 12g, bạc hà 6g, xuyên bối mẫu 8g, uất kim 12g, tang diệp 16g, câu đằng 12g.

Cách dùng: Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn. Sau khi uống bài thuốc trên sốt vẫn cao, khát nước, tâm phiền. Phải dùng phương pháp tả hỏa thanh nhiệt.

Bài thuốc: “Tân lương phương”  gồm kim ngân hoa 20g, cúc hoa 10g, bạc hà 10g, tri mẫu 10g, tang diệp 10g, liên kiều 15g, kinh giới tuệ 10g, hoàng cầm 10g, cam thảo 5g. Nếu khát nước nhiều gia: Sinh thạch cao 25g, đại thanh diệp 15g.

Cách dùng: Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn.

Chứng rôm sảy

Đông y gọi chứng Phi tử, thường phát sinh vào mùa hè do nóng bên ngoài cộng với nhiệt độc bên trong mà phát ra.

Triệu chứng: Bề mặt da nổi nhiều nốt đỏ hoặc mọng nước.

Điều trị: Thanh lương giải độc.

Bài thuốc: “Chu thị phi tử thủy”. Bài thuốc gia truyền của Giáo sư Chu Vĩnh Tiên Học viện Y học dân tộc tỉnh An Huy Trung Quốc gồm sinh đại hoàng 30g, bạch chỉ 9g, hoàng liên 9g, băng phiến 9g, hoàng cầm 10g, cồn 75% 500ml.

Cách dùng: Ngâm thuốc vào cồn 7 ngày đêm, lọc bỏ bã, lấy nước bôi lên rôm sảy, ngày bôi 2 lần sáng và chiều. Bôi liền 3 ngày rôm sảy sẽ hết.
 
Theo Nguyễn Xuân Hướng/SKĐS
 

.