Sữa hạnh nhân và sữa đậu nành: Loại nào tốt hơn?

08:05, 13/05/2019
.
Ngày nay, các vấn đề sức khỏe như không dung nạp sữa, dị ứng sữa cùng sự phổ biến ngày càng tăng của trào lưu ăn chay, ăn kiêng và chế độ ăn cholesterol thấp đã thúc đẩy sự xuất hiện của một loạt sản phẩm thay thế sữa bò từ thực vật.

Sữa hạnh nhân và sữa đậu nành đều là thuần chay và cholesterol thấp, nhưng hai loại này có sự khác biệt về hàm lượng dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe. Chúng ta cùng xem xét những lợi ích và cả những điểm yếu khác nhau của sữa đậu nành và sữa hạnh nhân nhé.

Lợi ích sức khỏe

Sữa hạnh nhân và sữa đậu nành đều là những lựa chọn tốt cho sức khỏe. Chúng chứa các chất dinh dưỡng khác nhau và có thể có lợi ích khác nhau cho sức khỏe của mọi người.

Sữa hạnh nhân: Do hạt hạnh nhân được xem là nguồn protein, các vitamin thiết yếu, chất xơ và chất chống ôxy hóa nên khi chế biến thành sữa, món đồ uống này cũng đem lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe. Sữa hạnh nhân có hàm lượng axit béo không bão hòa đơn cao. Loại chất béo lành mạnh này có thể hỗ trợ giảm cân và quản lý cân nặng. Nó cũng giúp giảm cholesterol xấu (LDL) trong cơ thể, đồng nghĩa với phòng ngừa tốt các bệnh tim mạch, béo phì và ung thư.

Tương tự như sữa hạnh nhân, sữa đậu nành có hàm lượng chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa cao hơn so với chất béo bão hòa. Chúng ta biết rằng, chất béo bão hòa góp phần gây ra cholesterol cao và các vấn đề về tim mạch. Tỷ lệ chất này trong sữa bò cao hơn so với sữa đậu nành. Cùng với việc chứa chất béo có lợi cho sức khỏe, sữa đậu nành là sản phẩm thay thế sữa duy nhất cung cấp một lượng protein tương tự như sữa bò. Hàm lượng chất dinh dưỡng trong sữa đậu nành tương đương với sữa bò. Ngoài ra, sữa đậu nành còn chứa isoflavone, là chất chống ôxy hóa, giảm viêm và có tác dụng chống ung thư. Có bằng chứng cho thấy tiêu thụ đều đặn sữa đậu nành giúp phụ nữ giảm nhẹ các triệu chứng bốc hỏa và những khó chịu khác của quá trình tiền mãn kinh và mãn kinh.

Một điều thú vị là mọi người có thể thay thế sữa bò bằng sữa đậu nành hoặc sữa hạnh nhân không chỉ trong đồ uống mà cả trong các công thức làm bánh, sinh tố, đồ tráng miệng mà hầu như không làm thay đổi hương vị hay chất lượng sản phẩm. Thậm chí có người còn cho rằng sự thay thế này đem lại cảm quan, hương vị, màu sắc tuyệt hơn cả sữa bò.


Sự khác nhau và những điểm yếu

Chúng ta có thể tham khảo các chỉ số dinh dưỡng so sánh giữa hai loại sữa do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đánh giá (xem bảng):

Đây là so sánh trên sản phẩm sữa thương mại, một số chất như vitamin, khoáng chất được nhà sản xuất bổ sung thêm. Bên cạnh những lợi ích của sữa đậu nành và sữa hạnh nhân, chúng ta cũng cần xem xét những “điểm yếu”của chúng dưới đây.

Sữa hạnh nhân: Sữa hạnh nhân có lượng calo và protein thấp so với sữa bò và sữa đậu nành. Khi thay thế sữa bò bằng sữa hạnh nhân, mọi người nên bù đắp lượng calo, protein và vitamin bị thiếu từ các nguồn thực phẩm khác. Nếu dùng sữa hạnh nhân thương mại, một số nhà sản xuất thêm carrageenan làm chất làm đặc và chất này có một số tác dụng phụ, phổ biến nhất là rối loạn tiêu hóa, gây viêm loét tiêu hóa. Để tránh các chất phụ gia trong sữa hạnh nhân, hãy thử làm sữa hạnh nhân tại nhà. Ngoài ra, một số người bị dị ứng với hạnh nhân nên tránh uống sữa làm từ loại hạt này.

Sữa đậu nành: Mặc dù sữa đậu nành có chứa protein, nhưng nó lại thiếu methionine, một loại axit amin thiết yếu. Nếu không đủ methionine, canxi và vitamin D, sữa đậu nành có thể là một chất thay thế kém so với sữa bò. Vì thế người tiêu dùng khi tiêu thụ sữa đậu nành cần lưu ý để bổ sung từ các thực phẩm  hoặc nguồn bổ sung khác. Cũng như sữa hạnh nhân, một số người có thể bị dị ứng với đậu nành và nên tránh sữa đậu nành.

Sữa đậu nành có chứa các hợp chất tạm gọi là chất chống độc. Những chất chống độc tự nhiên này có thể làm giảm khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng thiết yếu của cơ thể và làm giảm quá trình tiêu hóa protein và carbohydrate. Các chất chống độc có trong đậu nành bao gồm: chất ức chế trypsin, lectin, axit phytic, indigestible oligosaccharides.

Như vậy, không có sản phẩm nào là tốt hơn hay tốt nhất mà chỉ có sản phẩm phù hợp nhất. Ví dụ, người có bệnh lý về thận thì nên hạn chế hoặc kiêng sữa đậu nành do lượng kali trong sữa khá cao. Trừ khi được tăng cường, sữa hạnh nhân thiếu vitamin, khoáng chất và axit béo có trong sữa. Vì thế, nó không phải là một thay thế phù hợp cho sữa mẹ hoặc sữa công thức cho trẻ sơ sinh... Mọi người hãy tùy theo nhu cầu, thể trạng, sức khỏe của mình để lựa chọn nhé!
 

Theo Đỗ Hạnh Phúc/SKĐS



 


.