Những lưu ý trong điều trị bệnh gout

09:05, 23/05/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bệnh gout hiện nay được xem là một trong số những bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn. Ở Việt Nam, gout đã vượt lên đứng hàng thứ 4 trong số 15 bệnh khớp thường gặp, chiếm khoảng 0,3% dân số. Những biến chứng của bệnh gout như biến dạng khớp, suy thận có thể để lại di chứng nặng nề hoặc dẫn đến tử vong, nếu bệnh không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.

TIN LIÊN QUAN

Cũng như nhiều bệnh lý chuyển hóa khác như đái tháo đường, rối loạn lipid máu, béo phì, những năm gần đây, bệnh gout trở nên thường gặp trong cuộc sống. Do đó, chế độ ăn uống và luyện tập có tác dụng hỗ trợ rất lớn trong việc điều trị và hạn chế những biến chứng nặng của bệnh.

Sinh hoạt và tập luyện hợp lý giữ vai trò quan trọng trong điều trị bệnh gout.
Sinh hoạt và tập luyện hợp lý giữ vai trò quan trọng trong điều trị bệnh gout.


Chia sẻ về vai trò quan trọng của chế độ ăn uống đối với bệnh nhân gout, bác sĩ Phạm Ngọc Doanh - Trưởng khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), cho biết: “Đối với bệnh gout mạn tính, ngoài việc duy trì chế độ dùng thuốc, thì vấn đề mấu chốt là không ăn một lúc nhiều chất đạm, hạn chế tới mức tối đa thức uống có cồn”.

Chế độ ăn uống không thể thay thế được các thuốc điều trị bệnh gout, nhưng có một vai trò quan trọng trong điều trị, góp phần giúp bệnh gout và các bệnh kèm theo dễ kiểm soát hơn. Chế độ ăn uống càng quan trọng hơn khi người bệnh bị dị ứng với các loại thuốc làm giảm acid uric máu, hoặc vì một lý do nào đó không sử dụng được các loại thuốc này. Không những thế, chế độ ăn uống còn là biện pháp chính, không thể thiếu được trong việc phòng ngừa bệnh gout cho những người có tăng acid uric máu đơn thuần.

Ngoài việc điều chỉnh chế độ ăn uống thì việc luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên cũng góp phần điều trị và hạn chế những biến chứng của bệnh. Theo bác sĩ Phạm Ngọc Doanh, luyện tập, vận động giữ vai trò rất quan trọng trong việc phòng biến chứng của bệnh gout. Do đó, bệnh nhân cần duy trì vận động đều đặn, còn khi guot có biến chứng, thì việc vận động rất khó khăn và người bệnh phải tự tìm phương pháp vận động thích hợp với những tổn thương đã có.

Một chế độ sinh hoạt và tập luyện hợp lý là rất quan trọng cho bệnh nhân gout. Người bệnh nên thường xuyên ngâm chân bằng nước ấm vào các buổi tối, những lúc lên cơn đau thì không nên ngâm. Người mắc bệnh cần tránh những căng thẳng, stress, tránh thức khuya, hay bị lạnh do dầm nước mưa và nên đi bộ mỗi ngày 30 phút.

Gout là bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn, nên việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, cũng như tuân thủ chế độ ăn uống và luyện tập sẽ đem lại hiệu quả trong quá trình điều trị. Hạn chế bệnh chuyển sang mạn tính, tránh được những biến chứng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.


Bài, ảnh: KIM LIÊN



 


.