Đảm bảo an toàn khi tiêm vắc xin ComBE Five

10:01, 17/01/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Tính từ đầu tháng 12.2018 đến nay, theo quy định của Bộ Y tế, toàn tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai tiêm hơn 2.600 mũi ComBE Five- vắc xin thay thế cho vắc xin Qinvaxem trước đây. Phản ứng sau tiêm của trẻ chỉ biểu hiện ở mức nhẹ.
Sốt nhẹ, sưng đau chỗ tiêm là phản ứng thông thường
 
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong số hơn 2.600 trẻ được tiêm ComBE Five, ghi nhận gần 70 trường hợp có phản ứng nhẹ sau tiêm như: Sốt nhẹ, sưng đau, đỏ nhẹ tại chỗ tiêm. Những trường hợp này đều tự khỏi trong vòng 1 đến 3 ngày. Đây là những phản ứng thông thường, không đáng lo ngại.
 
Ông Hồ Minh Nên- Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Vắc xin ComBE Five tương tự như vắc xin Quinvaxem. Vắc xin có hiệu quả phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib.
 
Vắc xin ComBE Five có hiệu quả tương tự như vắc xin Quinvaxem trước đây
Vắc xin ComBE Five có hiệu quả tương tự như vắc xin Quinvaxem trước đây
 
Vắc xin được đóng gói 0,5ml trong lọ, cho 1 liều tiêm của trẻ. Đối với trẻ dưới 1 tuổi sẽ được tiêm 3 mũi. Mũi 1 được tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi. Tiêm mũi 2 khi trẻ 3 tháng tuổi. Và mũi 3 khi trẻ được 4 tháng tuổi. Khoảng cách giữa các mũi tiêm tối thiểu là 1 tháng.
 
“Trường hợp trẻ đã tiêm mũi Quinvaxem trước đó, khi chuyển qua vắc xin mới thì chúng tôi vẫn tiếp tục tiêm mũi tiếp theo, mà không cần phải cho trẻ tiêm lại từ đầu đối với vắc xin ComBE Five”- ông Nên cho biết thêm.
 
Vắc xin ComBE Five do Ấn Độ sản xuất đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành ở Việt Nam từ tháng 5.2017. Vắc xin này đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới và đã được sử dụng ở hơn 43 quốc gia với hơn 400 triệu liều. Theo Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ gặp phản ứng sau tiêm vắc xin ComBE Five là 44,5% có sốt nhẹ, 56,3% có nóng, đỏ vết tiêm, 25,6% có đau tại vết tiêm, quấy khóc kéo dài 3,5%.
 
Với độ an toàn cao, nên sau khi triển khai thí điểm tại 7 địa phương vào tháng 11.2018, đến cuối tháng 12.2018, Bộ Y tế yêu cầu tất cả các tỉnh, thành trên cả nước đồng loạt triển khai tiêm vắc xin mới thay Quinvaxem.
 
Đảm bảo an toàn khi tiêm vắc xin mới
 
Để chuẩn bị cho việc chuyển đổi tiêm vắc xin ComBE Five, Quảng Ngãi đã xây dựng kế hoạch chi tiết cho việc truyền thông. Đồng thời, triển khai các biện pháp bao gồm hướng dẫn xử trí phản ứng sau tiêm để theo dõi các trẻ sau tiêm chủng cũng như tư vấn cho cha mẹ trẻ các triệu chứng, cách xử trí cho trẻ và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị. Nhân viên các trạm y tế xã, phường được tập huấn và yêu cầu tiêm chủng đúng quy trình để đảm bảo an toàn cho trẻ.
 
Trước khi tiêm vắc xin cho trẻ, nhân viên y tế luôn khám sàng lọc và tư vấn cụ thể để phụ huynh hiểu và an tâm
Trước khi tiêm vắc xin cho trẻ, nhân viên y tế luôn khám sàng lọc và tư vấn cụ thể để phụ huynh hiểu và an tâm
 
Bà Lê Ngọc Lan- Phó Trưởng trạm Y tế phường Nguyễn Nghiêm, TP.Quảng Ngãi cho biết: Chúng tôi được tập huấn trước khi triển khai tiêm loại vắc xin mới. 100% phụ huynh cho con đến tiêm đều được tư vấn cụ thể và thông báo trước về những phản ứng có thể gặp sau tiêm như sốt nhẹ, sưng đau tại chỗ tiêm. Tất cả đều hiểu và đồng tình cho con tiêm.
 
“Chúng tôi cũng khám sàng lọc kỹ càng và tư vấn những trường hợp trẻ nào được tiêm và không được tiêm khi có vấn đề về sức khỏe”- bà Lan nói thêm.
 
Hơn 1 tháng qua, Quảng Ngãi đã có 7/14 địa phương triển khai tiêm vaccine ComBe five cho trẻ dưới 18 tháng tuổi. Trước khi tiêm cho trẻ, các phụ huynh đều được nhân viên y tế thông báo cụ thể về việc thay đổi, dùng ComBe five thay thế cho Quinvaxem. Theo ghi nhận, tất cả các phụ huynh đều không từ chối vắc xin mới.
 
Chị Trần Ngọc Lệ- ngụ ở phường Trần Phú cũng vừa cho con tiêm ComBe five mũi 1 ngày 22.12 vừa qua. Chị Lệ chia sẻ: Trước khi cho con tiêm thì cũng rất lo lắng, vì đây là thuốc mới. Nhưng khi được tư vấn kĩ thì mình rất an tâm và tự tin cho con tiêm. Sau tiêm thì bé vẫn chơi, ngủ bình thường mà không hề quấy khóc.
 
Khuyến cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, sau khi tiêm vắc xin cho trẻ, phụ huynh cần theo dõi kỹ các dấu hiệu về: Tinh thần, tình trạng ăn, ngủ, nhiệt độ, phát ban, biểu hiện tại chỗ tiêm (sưng, đỏ…), trẻ sốt cần cập nhiệt độ. Ngoài các phản ứng thông thường, nếu trẻ xuất hiện dấu hiệu bất thường thì cần đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế gần nhất để khám, đảm bảo an toàn cho trẻ.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương

.