Trung tâm Y tế các huyện miền núi: Khó phát triển các chuyên khoa

10:12, 10/12/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Do khó thu hút bác sĩ chính quy về công tác, nên tuyến y tế ở các huyện miền núi trong tỉnh gặp nhiều khó khăn trong phát triển các lĩnh vực chuyên khoa, làm ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

TIN LIÊN QUAN


Trung tâm Y tế huyện Tây Trà có quy mô 50 giường bệnh, có 3 khoa lâm sàng (khám cấp cứu, ngoại sản và nội nhi nhiễm). Trung bình mỗi ngày có khoảng trên 100 bệnh nhân ngoại trú và hơn 50 bệnh nhân điều trị nội trú, nhưng chỉ có 13 bác sĩ (đa số là bác sĩ đa khoa được đơn vị cử đi đào tạo).

 

 Bác sĩ đang khám bệnh cho người dân ở Trung tâm Y tế huyện Tây Trà.
Bác sĩ đang khám bệnh cho người dân ở Trung tâm Y tế huyện Tây Trà.


Tây Trà là địa phương xa xôi và khó khăn nhất của tỉnh. Ở nhiều xã, để đến được Trung tâm y tế huyện, người dân phải băng rừng, vượt suối nửa ngày đường. Chính vì vậy, việc phát triển lĩnh vực ngoại khoa, nhất là ngoại sản tại Trung tâm Y tế huyện là rất cần thiết, giúp hạn chế những biến chứng, nguy hiểm cho sản phụ. Hay những trường hợp bị ruột thừa, Trung tâm Y tế huyện cũng “bất lực”, vì thiếu bác sĩ chuyên khoa. “Trang thiết bị hiện đại đều có thể trang bị, nhưng bác sĩ chẳng chịu về nơi xa xôi này để công tác, nên ảnh hưởng nhất định đến công tác điều trị cho người dân", Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Trà, bác sĩ Hồ Văn Toàn phân trần.
 

Trong 5 năm qua, số bác sĩ về công tác tại các huyện miền núi chỉ chiếm hơn 5% so với số bác sĩ thu hút về Quảng Ngãi. Vì thế, đa phần các trung tâm y tế đều chủ động cử cán bộ đi đào tạo lên bác sĩ, để hỗ trợ công tác khám, điều trị bệnh cho nhân dân tại địa phương.

Còn tại Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây, mặc dù được trang bị đầy đủ, nhưng khu vực phòng mổ của khoa Ngoại sản thường xuyên vắng bóng bệnh nhân. Các dụng cụ trong phòng mổ, như đèn, giường, máy thở, máy trợ tim... luôn trong tình trạng “chờ” bác sĩ.

“Chúng tôi chỉ thực hiện những ca tiểu phẫu, còn trung phẫu đều phải chuyển tuyến. Nguy hiểm nhất là vào mùa mưa, lũ nhiều ca cấp cứu sản khoa cần phẫu thuật, nhưng phải chuyển về tuyến tỉnh gần 100km, nên rất nguy hiểm”, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây Châu Nguyễn Thương nói.

Bên cạnh lĩnh vực ngoại khoa chưa triển khai, thì việc phát triển các chuyên khoa tại đây cũng đang gặp khó khăn. Hiện Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây đang hoạt động với các chuyên khoa ghép, như Dược- Cận lâm sàng, Nội - Nhi - Lây, Khám - Cấp cứu, Ngoại - sản. Do đó, áp lực công việc của cán bộ, nhân viên y tế tại các khoa rất lớn. Các chuyên khoa Răng Hàm Mặt, Mắt, Tai-Mũi - Họng chưa phát triển được, do không có bác sĩ chuyên khoa.

Trung tâm Y tế huyện Trà Bồng hiện có 11 bác sĩ, nếu tính theo tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân thì mới đáp ứng 1/3 số bác sĩ. Do nhân lực thiếu, nên việc cử bác sĩ đi đào tạo cũng gặp nhiều khó khăn. Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trà Bồng Đinh Hồng Nhía cho biết: “Trung tâm đã kiến nghị Sở Y tế để thu hút thêm bác sĩ có chuyên môn về hỗ trợ cho đơn vị, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nhưng vẫn chưa có”.

Đối với Trung tâm Y tế huyện Minh Long thì có phần khá hơn so với những trung tâm y tế khác. Nhờ đào tạo được bác sĩ Răng - Hàm - Mặt, nên trung tâm đã trang bị đầy đủ máy móc kỹ thuật cho công tác điều trị các bệnh về răng miệng... Tuy nhiên, nhân lực bác sĩ chuyên môn sâu vẫn còn thiếu nhiều; hầu hết các ca bệnh về ngoại, ngoại sản đều phải chuyển tuyến.


Bài, ảnh: KN



 


.