Khó khăn trong thực hiện chỉ tiêu đình sản

02:12, 19/12/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo quy định của Bộ Y tế, trong phẫu thuật đình sản yêu cầu phải có bác sĩ gây mê, hồi sức khiến nhiều địa phương không đạt chỉ tiêu này. Bên cạnh đó, phương pháp đình sản cũng ít được người dân lựa chọn để thực hiện kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ).

TIN LIÊN QUAN

Năm 2018, chỉ tiêu thực hiện đình sản trên địa bàn tỉnh là 400 ca, nhưng chỉ thực hiện được 336 ca. Nói về lý do chưa đạt chỉ tiêu, Phó Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Đặng Ngữ cho biết: Do yêu cầu trong phẫu thuật bắt buộc phải có bác sĩ gây mê, nên hầu hết các ca đình sản hiện nay đều thực hiện tại bệnh viện tuyến tỉnh. Trước đây, Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh và một số Trung tâm y tế tuyến huyện đều có thể thực hiện đình sản, nhưng 3 năm trở lại đây, tỷ lệ đình sản tương đối thấp.

 

Thực hiện phương pháp cấy que tránh thai cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Thực hiện phương pháp cấy que tránh thai cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.


Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh Võ Thị Thu Hoa cho biết thêm: “Trước đây, đơn vị thường về tận các xã để thực hiện đình sản, có địa phương thực hiện hàng chục ca mỗi đợt. Nhưng khi có quy định bắt buộc phải có bác sĩ gây mê thì trung tâm không thực hiện, mặc dù có nhiều phụ nữ ở miền núi yêu cầu.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Giới, bác sĩ gây mê hồi sức hiện nay của toàn ngành y tế tỉnh chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Ngành gây mê, hồi sức có nhiều rủi ro, đơn điệu và thu nhập thấp, nên việc động viên bác sĩ đi đào tạo gặp nhiều khó khăn. Do thiếu bác sĩ gây mê hồi sức, nên hầu hết các ca phẫu thuật tuyến huyện đều chuyển lên tuyến tỉnh, gây quá tải đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Với các huyện miền núi trong tỉnh, việc thực hiện đình sản nữ là giải pháp tối ưu trong thực hiện biện pháp tránh thai. Bởi lẽ, nhiều phụ nữ vùng cao trình độ dân trí còn thấp, việc áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, như đặt vòng, bao cao su, dùng thuốc uống, que cấy còn hạn chế và tỷ lệ “vỡ kế hoạch” còn cao. Đây cũng là lý do dẫn đến gia tăng tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở miền núi. Tuy nhiên, do thiếu bác sĩ gây mê, nên một số địa phương thực hiện đình sản chỉ đạt trên 50% chỉ tiêu.

Tại các huyện đồng bằng, việc vận động thực hiện biện pháp tránh thai bằng phương pháp đình sản cũng gặp nhiều khó khăn... Những năm trước đây, khi điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế của người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, thì đình sản là biện pháp phù hợp, hiệu quả, vì đây là biện pháp tránh thai an toàn, vĩnh viễn. Song, ngày nay xã hội phát triển, mạng lưới y tế cơ sở phủ khắp đến tận các xã, phường, nên người dân có nhiều điều kiện để lựa chọn các biện pháp tránh thai hiện đại, ít lựa chọn biện pháp tránh thai bằng phương pháp đình sản.

Để tháo gỡ khó khăn trên, ngành dân số kiến nghị, khi giao chỉ tiêu thực hiện các biện pháp tránh thai hằng năm không nên đề ra chỉ tiêu cho phương pháp đình sản, mà tập trung tuyên truyền thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại, nhằm giảm áp lực chỉ tiêu đình sản cho các địa phương.


  Bài, ảnh: TRÍ PHONG  


 


.