Nguy cơ do ăn rau cần nhúng tái

03:10, 17/10/2018
.

Rau cần và các loại rau trồng dưới nước như rau muống, rau rút, rau ngổ... dễ bị nhiễm loài sán lá ruột.
 


Rau cần và các loại rau trồng dưới nước như rau muống, rau rút, rau ngổ... dễ bị nhiễm loài sán lá ruột (Fasciolopsis buski). Từ người bệnh, trứng sán theo phân ra ngoài, phát triển trong nước ngọt ao hồ, đồng ruộng. Từ 3 - 7 tuần, ấu trùng lông phát triển hoàn chỉnh trong trứng và thoát ra, xâm nhập vào một số loài ốc và chuyển thành bào ấu. Ở trong con ốc, sau 4 - 7 tuần, bào ấu phát triển nở thành rất nhiều ấu trùng đuôi. Ấu trùng đuôi rời ốc, sống bám vào một số cây mọc dưới nước như bắp niễng, ngó sen, ngó khoai, rau muống, rau cần, rau rút... phát triển thành nang trùng. Người ăn phải các loại cây thủy sinh có chứa các nang trùng này chưa nấu chín kỹ sẽ nhiễm sán.

Bệnh trải qua 3 giai đoạn: Khởi phát với các triệu chứng mệt mỏi, giảm sút sức khỏe, thiếu máu; toàn phát: người bệnh thấy đau bụng, thường đau âm ỉ ở vùng hạ vị, có thể có những cơn đau dữ dội, tiêu chảy thất thường, kéo dài nhiều tuần, phân lỏng, không có máu, nhưng có nhầy lẫn thức ăn không tiêu, bụng bị trướng; giai đoạn nặng: phù toàn thân, phù mặt, phù chân... Bệnh cần điều trị sớm, đủ liều và dùng thuốc đặc hiệu, kết hợp điều trị hỗ trợ để nâng cao thể trạng bệnh nhân.

Phòng bệnh: Thực hiện ăn chín, uống sôi; không ăn sống các loại rau thủy sinh như rau cần, rau muống, rau rút, rau ngổ... Gia đình bạn nên nấu chín kỹ rau cần và các loại rau thủy sinh khác mới ăn để phòng nhiễm sán.
 

Theo BS. Bùi Thị Hoa/SKĐS
 


.