Nỗi niềm cán bộ dân số ở cơ sở

08:09, 20/09/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, cán bộ chuyên trách dân số cấp xã và cộng tác viên (CTV) dân số ở thôn, tổ dân phố đã có nhiều đóng góp cho công tác DS-KHHGĐ ở địa phương. Tuy nhiên, các chế độ chính sách, đãi ngộ đối với đội ngũ này vẫn còn nhiều bất cập...

TIN LIÊN QUAN

 Chị Lý Thị Vân (phải) cán bộ dân số xã Bình Đông (Bình Sơn) tuyên truyền chính sách dân số cho chị em phụ nữ.
Chị Lý Thị Vân (phải) cán bộ dân số xã Bình Đông (Bình Sơn) tuyên truyền chính sách dân số cho chị em phụ nữ.


Xã vùng cao Sơn Trung (Sơn Hà) có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc Hrê sinh sống; dân trí còn nhiều hạn chế, đời sống kinh tế khó khăn, nên tỷ lệ sinh con thứ ba của xã luôn ở mức cao hơn 10%.
 

 “Toàn tỉnh hiện có 184 cán bộ chuyên trách dân số cấp xã, hơn 2.700 CTV dân số thôn, tổ dân phố. Cán bộ DS-KHHGĐ cấp xã chỉ hưởng hệ số phụ cấp 0,9 - 0,95 theo mức lương tối thiểu từ kinh phí sự nghiệp của ngành y tế. Họ phải kiêm nhiệm nhiều việc tại cơ sở để có thêm phụ cấp. Vì vậy, cán bộ DS-KHHGĐ cấp xã không ổn định, làm ảnh hưởng đến chất lượng các hoạt động dân số ở địa phương".


Phó Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh ĐẶNG VĂN NGỮ

Là người Hrê, thấu hiểu tâm tư, tình cảm cũng như các phong tục, tập quán của địa phương, nên khi được giao làm chuyên trách dân số xã, chị Đinh Thị Suốt đã cùng với CTV dân số các thôn, phối hợp với các già làng để tuyên truyền cho người dân thực hiện tốt các chính sách DS-KHHGĐ.

Nhờ đó, số phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên giảm đáng kể. Chia sẻ về công việc đang làm, chị Suốt cho hay, hơn chục năm làm cán bộ dân số xã chị vẫn chưa được tuyển dụng vào biên chế. Chế độ phụ cấp chỉ có 1,6 triệu/tháng, trong khi nhiệm vụ rất nặng.

Chị Lý Thị Vân, hơn 14 năm làm cán bộ chuyên trách dân số xã Bình Đông (Bình Sơn), cũng có nhiều trăn trở, do mức phụ cấp thấp, chị phải kiêm nhiệm thêm công tác lao động thương binh xã, để nâng thu nhập. "Tôi chờ hơn 10 năm nay vẫn chưa được vào biên chế để được hưởng các chế độ BHXH”, chị Vân  bộc bạch.

Được biết, thực hiện Thông tư 05/2008/TT của Bộ Y tế, nhiều tỉnh, thành đã đưa cán bộ dân số xã vào biên chế, nhưng gần 10 năm nay, cán bộ chuyên trách dân số xã trên địa bàn Quảng Ngãi vẫn còn phải chờ. Nhiều cán bộ dân số do có thu nhập thấp nên đã xin nghỉ việc, phần nào ảnh hưởng đến công tác DS-KHHGĐ tại địa phương. Đối với CTV dân số ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều biến động. Hằng năm có từ 5-7% số CTV xin nghỉ việc với lý do thu nhập không đảm bảo được cuộc sống.

Chị Đinh Thị Răng, CTV dân số thôn Tà Lương, xã Sơn Bao (Sơn Hà) trăn trở: “Tôi làm CTV hơn 14 năm rồi. Phụ cấp chỉ có 160.000 đồng/tháng, nhưng 4 tháng nay, chưa được nhận phụ cấp. Nhiều lúc tôi muốn xin nghỉ việc để lo cho cuộc sống gia đình, nhưng lãnh đạo xã động viên nên tôi tiếp tục đóng góp cho công tác dân số của địa phương”.

Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Đức Phổ Nguyễn Thị Phương Thảo lo lắng: “Thời gian qua, huyện có 53 CTV dân số nghỉ việc, do chế độ phụ cấp thấp. Vì thế, chúng tôi gặp khó khăn trong tuyên truyền công tác DS-KHHGĐ tại cơ sở, vì khó khăn trong tìm người thay thế”.

 

Theo Quyết định 1547 của Chủ tịch UBND tỉnh, đến ngày 31.12.2018, các trung tâm DS-KHHGĐ 14 huyện, thành phố sẽ sáp nhập vào Trung tâm Y tế huyện. Đối với cán bộ dân số xã và CTV dân số trong khi chờ sắp xếp vẫn hoạt động trực thuộc UBND xã, phường, thị trấn để triển khai các hoạt động DS-KHHGĐ tại địa phương.

 


Bài, ảnh: TRÍ PHONG


 


.