Bệnh đục thủy tinh thể

09:09, 30/09/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Bệnh đục thủy tinh thể, còn gọi là cườm khô là hiện tượng đục mờ thủy tinh thể. Sự đục mờ này ngăn không cho tia sáng lọt qua, kết quả là võng mạc không thu được hình ảnh và thị lực suy giảm thậm chí có thể mù lòa.

Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương năm 2007 có khoảng 251.700 người mù do đục thủy tinh thể, 373.000 người mù 2 mắt do đục thuỷ tinh thể có thị lực dưới 1/10. Hiện có hơn 700.000 mắt cần phẫu thuật. Số người mắc bệnh mới hàng năm khoảng 85.000 ca 2 mắt chiếm 1% dân số và 85.000 ca 1 mắt.

Năm 2009 cả nước đã phẫu thuật 132.419 ca đục thủy tinh thể lĩnh vực y tế công, trong đó phẫu thuật phaco 39.537 ca. Tại Quảng Ngãi theo điều tra Quốc gia đánh giá nhanh các bệnh gây mù có thể phòng tránh năm 2015 tỉ lệ bị đục thủy tinh thể hai mắt chiếm khoảng 0,7% dân số khoảng 9000 ca mỗi năm.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ dẫn đến đục thủy tinh thể như: đục thủy tinh thể ở tuổi già, đục thủy tinh thể phát triển ở những người có một số bệnh lý toàn thân và tại mắt, ví dụ bệnh lý tiểu đường, bệnh viêm màng bồ đào…

Đục thủy tinh thể do chấn thương mắt; dùng quá nhiều chất kích thích như: bia, rượu, thuốc lá… Tác dụng phụ của một số thuốc khi dùng kéo dài như corticoid, thuốc chống loạn nhịp tim, thuốc trầm cảm; tiếp xúc nhiều với tia cực tím, các xạ ion hóa được sử dụng trong X – quang và xạ trị ung thư. Ngoài ra còn gặp đục thủy tinh thể bẩm sinh xuất hiện ngay từ khi trẻ mới sinh ra, nguyên nhân có thể do di truyền hoặc do bệnh của phôi trong thời kì mang thai.

Bác sĩ Nguyễn Cao Cường, Bác sĩ chuyên khoa II, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Mắt Quảng Ngãi cho biết dấu hiệu nhận biết đục thủy tinh thể thường gặp nhất là: Thị lực giảm từ từ, không đau nhức. Lúc đầu nhìn xa mờ, nhìn gần rõ về sau khi đục nhiều thì nhìn xa cũng mờ và nhìn gần cũng mờ. Có thể giảm độ kính lão (kính nhìn gần) hoặc bỏ kính vẫn nhìn rõ (hiện tượng cận thị giả). Độ kính thay đổi nhiều trong thời gian ngắn. Cảm giác chói mắt khi nhìn ánh sáng, ra nắng nhìn mờ vào râm mát nhìn rõ hơn. Nhìn hai hình ở một mắt (song thị một mắt).  Một số người có rối loạn về màu sắc.

Đối với đục thủy tinh thể giai đoạn sớm, có thể đeo kính, dùng kính lúp hoặc chiếu sáng tốt khi làm việc. Trường hợp những biện pháp này không có tác dụng thì chỉ có phẫu thuật là cách điều trị hiệu quả nhất. Phẫu thuật sẽ lấy thủy tinh thể bị đục và đặt một thấu kính để thay thế thủy tinh thể. Phẫu thuật được chỉ định khi đục thủy tinh thể gây giảm thị lực cản trở sinh hoạt hàng ngày như lái xe, đọc sách, xem ti vi…

Bệnh nhân và bác sĩ  cùng quyết định thời điểm phẫu thuật. Trong đa số trường hợp có thể trì hoãn phẫu thuật cho đến khi tư tưởng đã sẵn sàng. Nếu bạn bị đục thủy tinh thể cả hai mắt, bác sĩ cũng không phẫu thuật hai mắt cùng lúc mà mỗi mắt sẽ được phẫu thuật ở hai thời điểm khác nhau.

Bác sĩ Nguyễn Cao Cường - Bác sĩ chuyên khoa II, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Mắt Quảng Ngãi khuyến cáo: Hiện nay phẫu thuật lấy thủy tinh thể là một trong những phẫu thuật phổ biến nhất của chuyên khoa Mắt. Đây cũng là một trong những phẫu thuật an toàn và cho kết quả rất tốt.

Có hai cách lấy thủy tinh thể: Phương pháp nhũ tương hóa thủy tinh thể hay phaco: Tạo một đường rạch nhỏ ở một bên giác mạc (giác mạc là cái vòm trong suốt che phủ phía trước tròng đen). Sau đó đưa một thiết bị nhỏ vào mắt. Thiết bị này phát ra sóng siêu âm làm thủy tinh thể mềm và phân thành những mảnh nhỏ, do đó có thể hút ra.

Hiện nay hầu hết phẫu thuật lấy thủy tinh thể được thực hiện bằng phương pháp phaco. Phương pháp lấy thủy tinh thể ngoài bao: Tạo một đường rạch dài hơn ở một phía giác mạc và lấy phần nhân cứng thủy tinh thể ra. Sau đó hút phần còn sót lại. Sau khi lấy thủy tinh thể, một kính nội nhãn sẽ được đặt thay vào vị trí của thủy tinh thể.

Kính nội nhãn là một thấu kính nhân tạo trong suốt và thị lực sẽ cải thiện tốt với kính nội nhãn vì ánh sáng xuyên qua nó đến võng mạc. Một số trường hợp không thể đặt kính nội nhãn vì đang có bệnh mắt khác hoặc có tai biến khi phẫu thuật. Trường hợp này có thể đeo kính sát tròng hoặc đeo kính gọng sau mổ.

Quan trọng hơn cả là thay đổi lối sống để phòng ngừa bệnh đục thủy tinh thể hàng ngày nên hạn chế để mắt tiếp xúc với khói bụi, tia cực tím nên đeo kính râm, đội mũ rộng vành để giảm độ chói bảo vệ mắt; hạn chế bia, rượu, thuốc lá, ăn nhiều thực phẩm có chứa nhiều vitamin C, E, A, kẽm, lutein, zeaxanthin có trong rau xanh cà rốt, dâu tây, cam, quýt, rau bina…, trái cây, ngũ cốc, trứng sữa, cá… Hạn chế ăn mặn và thức ăn có nhiều đường, dầu mỡ. Tập thể dục thường xuyên từ 30 - 45 phút mỗi ngày; kiểm tra mắt định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh về mắt.

MINH HIỀN


 


.