Phòng, tránh ngộ độc thực phẩm trong mùa hè

05:07, 12/07/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mùa hè thời tiết nóng ẩm, tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật phát triển, làm thức ăn dễ ôi thiu. Đây là thời điểm mà nỗi lo về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) lại tăng lên.

TIN LIÊN QUAN

Trong tháng 5.2018, Quảng Ngãi đã xảy ra vụ 19 học sinh lớp 3B, Trường Tiểu học Trần Phú phải nhập viện và bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn thạch rau câu và trà sữa. Đây là một cảnh báo về tình hình ATVSTP, nhất là trong mùa hè này.

Bảo quản thực phẩm đúng cách giúp ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm. Trong ảnh: Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm tươi sống tại siêu thị Co.op mart.
Bảo quản thực phẩm đúng cách giúp ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm.
Trong ảnh: Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm tươi sống tại siêu thị Co.op mart.


Theo kết quả điều tra của Cục An toàn thực phẩm, kiến thức của các nhóm đối tượng người sản xuất, kinh doanh, chế biến và người tiêu dùng thực phẩm đã nâng cao đáng kể, song “thực hành đúng” về ATTP vẫn còn hạn chế.

Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh, Bác sĩ Nguyễn Văn Oai cho biết, tiết trời nóng ẩm trong mùa hè là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus phát triển mạnh và là nguyên nhân chủ yếu gây độc tố trong thức ăn. Trong mùa hè, thức ăn có nguồn gốc động vật và các loại thực phẩm có nhiều dầu, đạm như cá, hải sản, sữa... nếu không được chế biến kỹ, nấu xong không ăn ngay, hoặc sau khi ăn bảo quản không cẩn thận, thì nguy cơ gây ngộ độc rất cao. Thức ăn để trước 6 giờ có thể tạm coi là vô khuẩn, nhưng sau 6 giờ, vi khuẩn có thể nhân lên, gây ngộ độc.

Mùa hè cũng làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm do rác thải, nước thải và sự phát triển mạnh của côn trùng truyền bệnh như ruồi, nhặng, gián, muỗi... Với những cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, nếu không tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn trong chế biến thực phẩm, dễ dẫn đến nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm.

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong mùa hè, Bác sĩ Oai khuyến cáo: Người dân cần chọn mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở các cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm và nên tuân thủ việc “ăn chín, uống sôi”. Điều quan trọng để phòng, chống ngộ độc và bệnh truyền qua thực phẩm là người tiêu dùng cần nắm được những kiến thức cơ bản, về ATVSTP, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống. Bên cạnh đó, người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn uống phải có trách nhiệm, đạo đức để góp phần phòng, tránh ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cộng đồng.

Theo kinh nghiệm của chị Lê Mỹ Chi, ở phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi), trong những ngày nắng nóng chị luôn chú ý đến chế độ ăn và chất lượng bữa ăn cho cả gia đình. Thực phẩm được mua khi còn tươi, nhất là đối với các loại thịt, cá. Với các loại rau, củ quả chị rửa kỹ bằng nước sạch hoặc nước muối loãng, chú ý khâu vệ sinh tay và dụng cụ ăn uống trong quá trình chế biến thực phẩm.

Đối với tủ lạnh, chị phân loại thực phẩm để có cách bảo quản hợp lý. Đồ ăn chín được cho vào các hộp đựng đậy nắp để không bị nhiễm vi khuẩn từ các loại đồ ăn tươi sống khác. Chị cũng thường xuyên nhắc nhở các thành viên trong gia đình cần chú ý khi ăn các loại thức ăn đường phố. Không ăn các loại rau sống hoặc đồ ăn chưa nấu chín như tiết canh, gỏi cá, nem chua khi không biết rõ quy trình chế biến, nguồn gốc xuất xứ...


                                     Bài, ảnh: PV  

 

 


.