Phòng bệnh tiêu chảy

08:07, 22/07/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Thời tiết mùa hè rất oi bức, nhiệt độ cao, độ ẩm lớn tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, virut và nấm mốc gây tiêu chảy phát triển và xâm nhập qua thức ăn, nước uống, gây bệnh cho người. Bệnh có thể lây lan thành dịch.

Virut là nguyên nhân chính gây bệnh tiêu chảy. Nguy hiểm nhất là tiêu chảy do phẩy khuẩn tả (còn gọi là bệnh tả).  Rotavirus là nguyên nhân phổ biến của tiêu chảy cấp tính ở trẻ em; vi khuẩn và ký sinh trùng trong thức ăn hoặc nước bị ô nhiễm cũng là nguồn truyền bệnh cho người qua đường phân - miệng (ăn uống). Ký sinh trùng Giardia lamblia như Crypxosporidium có thể gây ra tiêu chảy.

Các chứng rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy mạn tính còn có một số nguyên nhân khác, chẳng hạn như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng, bệnh celiac... Thói quen ăn uống không hợp vệ sinh, hay ăn rau sống, thủy hải sản… chưa nấu chín kỹ cũng có nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy. Bệnh tiêu chảy cấp thường phổ biến ở giai đoạn nắng nóng kéo dài và sau mùa lũ ở những vùng ngập nước.

 

Ảnh minh họa - Ảnh Internet
Ảnh minh họa - Internet


Bác sĩ Phạm Đức Dũng - BSCKI, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Người bị tiêu chảy cấp đi đại tiện trên 3 lần/ngày, phân lỏng có nhiều nước, đau bụng, mệt mỏi, có thể bị chuột rút, biểu hiện tình trạng mất nước từ nhẹ đến nặng như: khát nước, hốc hác, mắt trũng, mạch nhanh, huyết áp hạ, có khi không đo được huyết áp, tiểu tiện ít hoặc vô niệu, chân tay lạnh… và có thể dẫn đến tử vong.

Tiêu chảy kéo dài ngoài ảnh hưởng tới sự hấp thu đối với chất dinh dưỡng khiến cho người bệnh gầy gò, da nhăn nheo, sức đề kháng giảm, dễ bị nhiễm trùng (với trẻ sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển). Với tiêu chảy cấp, nếu không xử trí kịp thời, nguy cơ trụy tim mạch rất có khả năng xảy ra; đặc biệt là ở trẻ em, người cao tuổi, người có sức khỏe yếu. Với trẻ em do sự phân bố nước trong cơ thể khác với người lớn, nên khi bị tiêu chảy dễ làm rối loạn nước (mất nước), các chất khoáng (điện giải) nhanh hơn và dễ dẫn đến tử vong.

Để phòng bệnh tiêu chảy Bác sĩ Phạm Đức Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; mỗi gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, không đi tiêu bừa bãi, không đổ rác thải, phân xuống ao, hồ; không sử dụng phân tươi, phân chưa xử lý đảm bảo vệ sinh để bón cây trồng; bảo đảm vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh, hạn chế ra vào vùng đang có dịch; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (thực hiện ăn chín, uống sôi, không ăn các thức ăn còn sống như gỏi cá, tiết canh...). Chọn mua thức ăn từ nguồn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không sử dụng thực phẩm quá hạn sử dụng cũng là biện pháp đảm bảo ăn uống hợp vệ sinh, phòng bệnh tiêu chảy.

Để phòng ngừa bệnh tiêu chảy, đòi hỏi mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội cần phải nâng cao nhận thức về phòng bệnh. Trong đó, việc chọn nguồn thực phẩm, nguồn nước, cách bảo quản và chế biến đúng cách, hợp vệ sinh…có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Người dân ở những vùng thường xuyên ngập nước cần chọn nguồn nước sử dụng đã xử lý bằng cloramin B theo quy định. Đưa người bị bệnh tiêu chảy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.

 

MINH HIỀN
 


.