Máy siêu âm, điện tim ở trạm y tế: Chưa phát huy hiệu quả sử dụng

09:07, 17/07/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Máy điện tim, siêu âm là những thiết bị y tế hiện đại trang bị ở các trạm y tế xã để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến y tế cơ sở. Thế nhưng, nhiều nơi chưa phát huy hiệu quả sử dụng.

TIN LIÊN QUAN

Thiếu đồng bộ

Hiện nay, ở nhiều trạm y tế tuyến xã có máy siêu âm, điện tim, nhưng hiệu quả sử dụng chưa cao. Nguyên nhân là do bác sĩ chưa được đào tạo cách sử dụng, nên không được BHXH thanh toán chi phí thực hiện khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Điều này khiến không ít trạm làm dịch vụ cầm chừng, không thể áp dụng đại trà cho người bệnh.

Bác sĩ Trạm Y tế xã Bình Nguyên (Bình Sơn) sử dụng máy siêu âm trong thăm khám bệnh.
Bác sĩ Trạm Y tế xã Bình Nguyên (Bình Sơn) sử dụng máy siêu âm trong thăm khám bệnh.


Đơn cử như tại Tây Trà, trong 9 trạm y tế trên địa bàn huyện, đến nay đã có 4 trạm là Trà Nham, Trà Thanh, Trà Lãnh, Trà Phong có trang bị máy siêu âm, điện tim hiện đại. Dù các trạm này đều có bác sĩ, nhưng do thiếu chứng chỉ đào tạo sử dụng, nên chưa phát huy hiệu quả thiết bị y tế.

Còn tại Sơn Hà, đến nay toàn huyện có 13 trạm y tế đã trang bị máy siêu âm, máy điện tim, nhưng 5 trạm cũng chưa thể ứng dụng 5 máy điện tim vào khám chữa bệnh, vì bác sĩ các trạm này chưa được đào tạo chứng chỉ hành nghề về điện tim. “Sắp tới, Trung tâm Y tế huyện sẽ cử bác sĩ đi đào tạo chuyên môn để sử dụng hiệu quả các thiết bị này”, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế Sơn Hà Đinh Thị Hợi cho hay.

Tại Trạm Y tế xã Bình Nguyên (Bình Sơn), dù đã đạt chuẩn quốc gia, có đầy đủ máy móc, nhưng cũng như các trường hợp trên, trạm này bác sĩ cũng thiếu chứng chỉ đào tạo siêu âm, điện tim, nên khó ứng dụng vào khám chữa bệnh. Bình Nguyên có trên 80% người dân đăng ký khám chữa bệnh BHYT tại trạm y tế, nếu tình trạng này không sớm khắc phục, thì sẽ lãng phí máy móc đã trang bị.

Còn tại huyện Minh Long, dù quy mô Trạm Y tế xã Thanh An được xây dựng khang trang, đầy đủ thiết bị siêu âm, điện tim, nhưng số lượng làm dịch vụ này rất hạn chế. Theo Trưởng Trạm Y tế Thanh An Nguyễn Diên Ngôn: “Trạm quá gần Trung tâm Y tế huyện, nên qua thông tuyến khám chữa bệnh, người dân đến thẳng Trung tâm Y tế huyện là chính. Máy ở đây chủ yếu sử dụng trong trường hợp cấp cứu và các chiến dịch dân số”.

Cần nâng cao chất lượng y tế tuyến xã

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 87/183 trạm y tế có trang bị máy siêu âm, điện tim và 100% trạm y tế có bác sĩ. Lý giải nguyên nhân một số trạm y tế chưa đảm bảo nhân lực vận hành các thiết bị y tế đã đầu tư, Phó Giám đốc  Sở  Y tế Phạm Minh Đức cho biết: "Theo quy định, để sử dụng các thiết bị này, bác sĩ trạm y tế phải được đào tạo trong 3 tháng. Hiện một địa phương chưa cử bác sĩ đi đào tạo để bổ sung kịp thời vào hoạt động hành nghề tại trạm y tế xã".

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến nâng cao chất lượng khám chữa bệnh y tế cơ sở với các tỉnh, thành phố, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Người dân chưa tin tưởng vào y tế cơ sở vì vấn đề chất lượng, cán bộ y tế, mức chi trả quá thấp, danh mục kỹ thuật ít... Vì thế, từ khi thực hiện quy định thông tuyến, số lượt khám chữa bệnh tại xã trước đây từ 28% thì đến nay còn 19%; ngược lại tuyến huyện đã tăng lên đến hơn 50%. Bệnh nhân vượt tuyến, gây quá tải cho tuyến trên, tăng chi phí cho người dân, quỹ bảo hiểm.

Để giải quyết bất cập trên, theo ông Phạm Minh Đức, Sở Y tế sẽ chỉ đạo các trung tâm y tế có kế hoạch sớm triển khai đào tạo về chuyên môn sử dụng máy điện tim, siêu âm cho các trạm còn thiếu. Bên cạnh đó, sẽ luân chuyển máy móc kỹ thuật nơi không đủ nhân lực vận hành cho các trạm khác đủ năng lực và phân công bác sĩ từ trạm y tế xã lên tuyến huyện học chuyên môn, cử bác sĩ từ tuyến trên xuống cơ sở một thời gian, để người dân tin tưởng vào chất lượng của y tế tuyến dưới.


          Bài, ảnh: KN



 


.