Cách xử trí khi bệnh nhân lên cơn co giật

07:07, 04/07/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Động kinh là một trạng thái bệnh lý của não bộ do sự phóng điện đột ngột, quá mức của tế bào thần kinh, gây ra các cơn co giật cục bộ hoặc lan tỏa trong thời gian từ vài giây đến vài phút, có tính chất lặp đi lặp lại.

Cơn động kinh xảy ra thường không xác định được nguyên nhân, chiếm khoảng 60 - 75%. Các trường hợp còn lại do một số nguyên nhân, như tổn thương não trong bào thai, chấn thương lúc sinh; ngộ độc, nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, chấn thương sọ não, u não, tai biến mạch máu não... Biểu hiện của động kinh có nhiều mức độ nhưng trên lâm sàng thường chia ra: Động kinh cục bộ và động kinh phức tạp.

Trưởng Khoa Khám bệnh-Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Tâm thần tỉnh),  Bác sĩ Nguyễn Văn Bé cho biết: Động kinh cục bộ có thể là cục bộ vận động, cục bộ cảm giác, cục bộ thực vật. Cơn động kinh cục bộ thực vật biểu hiện bằng cơn vã mồ hôi, đỏ mặt, lạnh, tụt huyết áp, đau bụng. Cơn động kinh phức tạp hay còn gọi là cơn động kinh thái dương, cơn tâm thần vận động rất nguy hiểm, bệnh nhân có ảo giác, ảo tưởng và có những hành vi gây nguy hiểm cho người khác.

Khi lên cơn động kinh, nếu không được sơ cứu đúng cách sẽ nguy hiểm cho người bệnh, thậm chí là tử vong. Bác sĩ Nguyễn Văn Bé khuyến cáo: Cần loại bỏ các đồ vật sắt nhọn, nguy hiểm xung quanh bệnh nhân để đề phòng bệnh nhân lên cơn co giật gây chấn thương cho họ và người khác. Nới lỏng quần áo cho bệnh nhân dễ thở, cho bệnh nhân nằm nghiêng đầu và người về một bên để đề phòng các chất nôn, các đờm gây ra trào ngược dẫn đến suy hô hấp.

Tuyệt đối không được đưa bất kỳ vật gì vô miệng bệnh nhân, vì bệnh nhân sẽ cắn đồ vật gây gãy răng, trật khớp hàm, các dị vật rơi vào đường thở của bệnh nhân có thể dẫn đến tử vong. Tuyệt đối không cho bệnh nhân uống nước hay bất kỳ thức ăn gì trong quá trình bệnh nhân co giật, chưa tỉnh táo. Khi bệnh nhân co giật không nên giữ chặt tay bệnh nhân vì sẽ gây trật khớp, gãy xương, tổn thương cơ.

Phần lớn các cơn động kinh tự dứt mà không cần dùng thuốc, sau cơn không nhất thiết phải chuyển đi cấp cứu nếu bệnh đã được xác định rõ ràng. Trong một số trường hợp: Cơn động kinh kéo dài trên 5 phút; cơn động kinh khác bắt đầu ngay sau cơn đầu tiên; người bệnh khó thở hoặc bị ngạt thở; người bệnh có vẻ lú lẫn hoặc không trở lại bình thường sau cơn động kinh 1 giờ; bệnh nhân đang mang thai hoặc có bệnh tiểu đường... thì phải đưa đi cấp cứu kịp thời tại các cơ sở y tế.

AN HẢO
 


.