Hiểm họa từ ớt bột

02:06, 14/06/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau đợt kiểm tra vào tháng 5.2018, Bộ NN&PTNT kết luận: Quảng Ngãi là một trong 11 tỉnh, thành phố có mẫu ớt bột nhiễm độc tố nấm mốc aflatoxin, một chất gây ung thư gan.

Sau khi Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh công bố thông tin 100% mẫu ớt bột thu thập đều nhiễm aflatoxin có thể gây ung thư, Thanh tra Bộ NN&PTNT cùng Cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản và Cục An ninh kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh ớt bột của 11 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có Quảng Ngãi.

Với 262 mẫu ớt bột, ớt khô nguyên liệu được kiểm tra, kết quả cho thấy, số mẫu vượt ngưỡng dư lượng aflatoxin cho phép là 95/262 mẫu, chiếm 36%. Trong đó, tại cơ sở sản xuất, kho bảo quản chiếm 30,7%; tại hộ kinh doanh trong chợ chiếm 48,6%; tại siêu thị chiếm 21,6%.

Nhiều hộ sản xuất ớt bột phơi ớt ngay trên lề đường Mỹ Trà - Mỹ Khê (TP.Quảng Ngãi).
Nhiều hộ sản xuất ớt bột phơi ớt ngay trên lề đường Mỹ Trà - Mỹ Khê (TP.Quảng Ngãi).


Nguyên nhân được xác định là do hầu hết các cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản và kinh doanh ớt bột là hộ gia đình, nên điều kiện chế biến, bảo quản không đảm bảo, dẫn tới có độc tố vi nấm aflatoxin trong sản phẩm ớt bột.

Qua khảo sát tại tỉnh ta, một số cơ sở sản xuất bột ớt, không có lò sấy khép kín. Việc hong phơi ớt phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Ớt tươi phơi khô ngay trên mặt đất, bên lề đường, không có che đậy... Ớt khô sau đó được nghiền thành bột và đóng vào các bao nilon hàng chục ký để chuyển đến tiêu thụ tại các chợ trên địa bàn tỉnh. Nhiều nơi có độ ẩm cao, thời tiết mưa nhiều, không đủ độ khô, bao gói sơ sài dẫn đến ớt bột thường bị nhiễm nấm mốc aspergillus flavus, aspergillus parasiticus, đây là nguyên nhân chính sinh ra độc tố aflatoxin.

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản Võ Văn Kỹ cho biết, sản xuất ớt bột trên địa bàn tỉnh hầu hết là các cơ sở nhỏ lẻ, không thực hiện đăng ký kinh doanh, nên rất khó trong công tác kiểm soát.

Aflatoxin B1 có thể gây một số triệu chứng độc đối với gan, nếu ở hàm lượng cao (vài mg/kg). Còn về độc tính lâu dài, aflatoxin B1 là chất gây ung thư, xếp vào nhóm có khả năng gây ung thư trên người. Nếu hàm lượng aflatoxin B1 vượt quá mức quy định và sử dụng thực phẩm trong thời gian dài, người sử dụng sẽ bị tích độc, ảnh hưởng đến rất nhiều các cơ quan, bộ phận khác nhau trong cơ thể, nhất là gan, lâu ngày sẽ dẫn tới ung thư gan...

Bằng mắt thường, người tiêu dùng rất khó phát hiện ớt bột có bị nhiễm độc tố hay không. Không chỉ ớt bột, ở những thực phẩm nhiều dầu, có thành phần protein cao như bắp, gạo, đậu phụng, đậu nành... đều dễ bị nấm mốc và xuất hiện độc tố aflatoxin.

Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nguyễn Văn Oai, khuyễn cáo: Khi thấy ớt bột hay bất cứ sản phẩm nào bị mốc thì không nên sử dụng. Đồng thời, nên lựa chọn mặt hàng có xuất xứ, thông tin ngày sản xuất, hạn sử dụng và chỉ tiêu chất lượng rõ ràng. Đối với người sản xuất bột ớt, cần phải sấy khô sản phẩm theo tiêu chuẩn và bảo quản ở nhiệt độ, môi trường đảm bảo, ghi thời hạn sử dụng sản phẩm rõ ràng...


Bài, ảnh: PV



 


.