Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm

09:04, 14/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là chủ đề của "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2018, được phát động từ ngày 15.4 đến 15.5.

TIN LIÊN QUAN

Mục tiêu của đợt cao điểm lần này là đảm bảo an toàn thực phẩm các mặt hàng thuộc trách nhiệm quản lý của ngành y tế, nông nghiệp và công thương theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP. Đặc biệt là siết chặt quản lý chất lượng thực phẩm từ khâu sản xuất đến lưu thông, chế biến, kinh doanh và sử dụng sản phẩm tươi sống.

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh kiểm tra một cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.                ẢNH: TRÍ PHONG
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh kiểm tra một cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. ẢNH: TRÍ PHONG


Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Quảng Ngãi Nguyễn Văn Oai cho biết: Thực hiện tháng cao điểm về ATVSTP, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh sẽ tập trung kiểm tra khoảng 60 cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) thực phẩm như nước uống đóng chai, rượu, các sản phẩm từ thịt, chả, các cơ sở sản xuất bún, phở và kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát... nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm. Cùng với đó, sẽ tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng đối với việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm của các cá nhân, cơ sở SXKD, hướng tới giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, điều tiên quyết vẫn là đề cao lương tâm và trách nhiệm của mỗi chủ cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm trong việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đảm bảo ATVSTP. Bởi lâu nay, các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn Quảng Ngãi chủ yếu do các chủ cơ sở sản xuất không đảm bảo vệ sinh.

Tại Quảng Ngãi, trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương cùng sự phối hợp của các ban, ngành liên quan, công tác quản lý an toàn thực phẩm đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, hiện vẫn còn những bất cập trong công tác đảm bảo ATVSTP. Trên địa bàn tỉnh hiện đang phát triển dịch vụ chế biến thực phẩm lưu động phục vụ tiệc cưới, hỏi... Đây là loại hình phục vụ tiện lợi nên được nhiều người dân lựa chọn sử dụng, nhưng việc quản lý các cơ sở chế biến thực phẩm này đang là một trong những khó khăn của các ngành chức năng. Một khi cơ sở sản xuất không đảm bảo vệ sinh thì rất dễ xảy ra nguy cơ ngộ độc thực phẩm tập thể.

Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; tỷ lệ mẫu rau tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật vẫn còn cao; trong nuôi thủy sản còn lạm dụng hóa chất, kháng sinh; tình trạng hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng vẫn còn bày bán công khai; loại hình thức ăn đường phố tiềm ẩn nguy cơ mất ATVSTP vẫn khó quản lý... Đây là nguy cơ tiềm ẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018 là đợt cao điểm, phát động chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong các hoạt động SXKD thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm. Vì vậy, ngoài tăng cường vai trò quản lý của cơ quan chức năng, người SXKD thực phẩm cần trang bị kiến thức về sản xuất thực phẩm, cũng như đảm bảo các điều kiện sản xuất thực phẩm an toàn. Điều đó không chỉ  nhằm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, mà còn là điều kiện sống còn của cơ sở sản xuất, nếu không muốn người tiêu dùng “tẩy chay”.
      

PV

 


.