Chủ động khám, điều trị giun sán

02:04, 11/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, khi có nhu cầu xét nghiệm các loại ký sinh trùng, như giun đũa chó, giun lươn, ấu trùng sán heo, sán lá gan... đa số người dân ở Quảng Ngãi phải đi TP.Hồ Chí Minh hoặc Quy Nhơn (Bình Định) để  khám điều trị. Còn nay, người dân được xét nghiệm bằng máy hiện đại và điều trị ngay tại tỉnh.

Những ngày này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh có nhiều người đến liên hệ tư vấn và điều trị về các bệnh giun sán. Bởi lẽ, hiện nay trung tâm đã đưa vào sử dụng máy xét nghiệm giun sán ELISA  hiện đại, với kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng.

Bác sĩ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh tư vấn cho người dân cách phòng bệnh nhiễm giun sán.
Bác sĩ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh tư vấn cho người dân cách phòng bệnh nhiễm giun sán.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bác sĩ Hồ Minh Nên cho biết: "Trước đây, do chưa có thiết bị hiện đại nên nhiều người trong tỉnh phải đến các trung tâm, bệnh viện ngoài tỉnh để điều trị giun sán. Nay trung tâm đầu tư máy xét nghiệm giun sán hiện đại để phục vụ người dân. Trước đó, trung tâm đã cử bác sĩ đi đào tạo, chuyển giao kỹ thuật từ Viện Sốt rét ký sinh trùng Quy Nhơn và mời các chuyên gia về hỗ trợ".
 

Đa số người bị nhiễm giun đũa chó thường rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác của da liễu như da nổi mẩn ngứa, mụn nhỏ, bầm tím; người mệt mỏi, đau bụng, ăn không ngon, giảm cân, ho, khò khè như bị suyễn... Phần lớn các ca đến khám đều ở mức độ nhẹ; một số ca nặng hơn phải nhập viện điều trị do ấu trùng giun đũa chó đã thâm nhập vào một số bộ phận nội tạng. Nếu bệnh nhân để lâu, ký sinh trùng xâm nhập sâu hơn vào não, có thể gây mù mắt, liệt tay chân. Giai đoạn đầu nhiễm giun đũa chó rất khó phát hiện. Chỉ khi có các biến chứng, tổn thương, viêm nhiễm một cơ quan nào đó trên cơ thể và xét nghiệm máu mới biết được. Đặc biệt, các đầu giun đũa chó khi vào cơ thể người có khả năng tự nhân lên.
Phó Khoa Khám bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bác sĩ PHẠM TĂNG PHƯƠNG

Từ cuối tháng 3.2017 đến nay, trung tâm đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến xét nghiệm, điều trị giun sán. Thiết bị này có chức năng chẩn đoán nhanh chóng, chính xác, hỗ trợ bác sĩ trong việc phát hiện các loại giun và đưa ra phác đồ điều trị tốt hơn; giảm chi phí cho người bệnh. Hai mẹ con chị N, ở phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) đến khám trong tình trạng ngứa nhiều nơi trong cơ thể, ở tay và chân xuất hiện nhiều vết đỏ như nổi mề đay.

Sau khi khám và xét nghiệm máu, các bác sĩ phát hiện cả hai mẹ con chị N mắc bệnh giun đũa chó. Chị N, cho biết: “Nhà không nuôi chó, mèo, nên chủ quan, nghĩ đi khám để kiểm tra sức khỏe, ai ngờ bị nhiễm giun; các y, bác sĩ tư vấn tận tình”, chị N chia sẻ.

Ngoài giun đũa chó, hiện số người nhiễm giun lươn, giun kim, sán lá gan… trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ cao. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, qua giám sát tại cộng đồng, tỷ lệ người dân nhiễm các loại giun sán từ đất lây truyền qua người ở 6 huyện miền núi chiếm hơn 70%. Tỷ lệ nhiễm giun kim trong cộng đồng ở huyện Lý Sơn chiếm 43%. Theo điều tra của Viện Sốt rét ký sinh trùng Quy Nhơn, tỷ lệ nhiễm giun đũa chó ở huyện Mộ Đức chiếm 23%.

Theo Phó Khoa Khám bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bác sĩ Phạm Tăng Phương, nhiễm giun, sán gây nhiều tác hại cho sức khỏe con người, tước đoạt dưỡng chất, dẫn đến cơ thể bị suy dinh dưỡng, các bệnh bội nhiễm vi trùng, chậm phát triển. Nếu giun sán xâm nhập các cơ quan quan trọng như não, tim, phổi, gan có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Gần đây, tình trạng nhiễm giun, sán từ thú nuôi trong nhà bắt đầu gia tăng.

Trẻ em là đối tượng rất dễ nhiễm bệnh giun sán, bởi các em chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh thân thể, vệ sinh ăn uống. Mặt khác, sức đề kháng của trẻ kém hơn người lớn cũng khiến giun sán dễ xâm nhập và gây bệnh trên cơ thể. "Để chủ động phòng bệnh giun sán, mọi người cần tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần. Cần có lối sống đảm bảo vệ sinh, ăn chín, uống sôi; tránh tiếp xúc thường xuyên với vật nuôi. Chất thải vật nuôi cần xử lý, chôn lấp, tránh ấu trùng giun sán phát tán ra môi trường, gây bệnh cho cộng đồng”, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bác sĩ Hồ Minh Nên khuyến cáo.


         Bài, ảnh: TRÍ PHONG

 


.