Cách phòng tránh bệnh dại

09:04, 15/04/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virút dại có tên khoa học Rhabdovirus gây nên. Ổ chứa vi rút dại trong thiên nhiên là động vật có vú máu nóng như: Chó, mèo, dơi và động vật có vú khác. Ở nước ta, chó là nguồn truyền bệnh dại cho người nhiều nhất (chiếm 96 - 97%), sau đó là mèo (chiếm 3 - 4 %).

TIN LIÊN QUAN

Chó bị dại thường có 2 thể điển hình là thể điên cuồng và thể bại liệt. Thể dại điên cuồng chó có biểu hiện thần kinh, chạy lung tung, hoảng loạn, hung dữ bất thường, cào cắn người hay động vật khác, thấy bóng là vồ, tiếng sủa thay đổi khan hoặc ồm, chó bỏ ăn, chảy nước dải, sùi bọt mép, bỏ đi hoang. Thể bại liệt hay còn gọi là thể dại câm chó buồn bã thích nằm trong tối, hàm trề xuống, lưỡi thè ra ngoài, nước dải chảy tự do, không cắn sủa sau hai đến ba ngày sẽ chết.

Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền vi rút dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại lên da bị tổn thương. Những người khi đã mắc bệnh dại lên cơn đều dẫn đến tử vong 100%. Vậy đâu là cách để phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này?

Tiêm phòng.
Tiêm bệnh dại phòng.


Người bị con vật nghi dại cắn thời gian ủ bệnh trung bình là từ 2 đến 8 tuần, ngắn hơn khoảng 10 ngày, cũng có thể dài hơn 1 năm hoặc 2 năm. Thời kỳ ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết thương, số lượng vi rút xâm nhập, khoảng cách từ vết thương đến não bộ, vết thương nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Giai đoạn đầu tiên của bệnh nhân lên cơn dại là giai đoạn tiền triệu người bệnh có biểu hiện nôn nao bất thường, nhức đầu, mất ngủ, tại vết cắn tê, đau nhức và sau đó là giai đoạn toàn phát bệnh nhân sợ gió, sợ nước, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, bị co thắt thanh quản, tăng tiết nước bọt, khạc nhỗ, sốt tiết mồ hôi rất nhiều thời gian như vậy từ 2 đến 4 ngày bệnh nhân dần dần nặng, hôn mê rồi tử vong.

Bác sĩ Huỳnh Hữu Lục – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Quảng Ngãi cho biết: Trong 3 tháng đầu năm 2018 đã có 880 trường hợp đến tiêm phòng bệnh dại, tăng 122 trường hợp so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó có người già và trẻ em bị chó, mèo cắn phải tiêm huyết thanh kháng dại. Đặc biệt, ghi nhận 1 trường hợp tử vong do chó nghi dại cắn tại xã Ba Xa, huyện Ba Tơ. Nguyên nhân là người dân chưa nhận thức được sự nguy hiểm khi bị chó dại cắn, chủ quan không đi tiêm phòng.

Số ca tử vong do bệnh dại trong những năm gần đây đã giảm nhưng bệnh dại vẫn diễn biến phức tạp vì việc quản lý đàn chó nuôi chưa chặt chẽ, chó không nhốt xích, chó không rọ mõm thả rông cắn người nhiều nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi. Nhiều người khi bị con vật nghi dại cắn không tiêm phòng bệnh dại mà xử lý rất sai lầm bằng cách uống thuốc nam, tự đắp lá… để chữa trị.

Thạc sĩ- Bác sĩ Võ Văn Phú - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ngãi cho biết, cách tốt nhất để phòng chống bệnh dại người dân cần thực hiện đúng các biện pháp sau: Khi bị chó, mèo cắn cần rửa ngay vết thương dưới vòi nước chảy với xà phòng diệt khuẩn liên tục 15 phút, nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Sau đó sát trùng vết thương bằng cồn 70% hoặc cồn iốt. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại. Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.

Đến ngay Trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại kết hợp với  huyết thanh kháng dại kịp thời. Tuyệt đối không tự chữa tại nhà bằng thuốc lá dùng để đắp, rắc vào vết thương. Những đối tượng có nguy cơ nhiễm virus dại cao như cán bộ thú y, cán bộ kiểm lâm, người làm trong phòng thí nghiệm với virus dại... phải tiêm vắc xin phòng bệnh dại  gây miễn dịch chủ động trước khi bị nhiễm. 

Tiêm phòng cho chó, mèo nuôi đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Chó nuôi phải xích, nhốt, khi ra đường mang rọ mõm. Diệt chó chạy rông, chó vô chủ. Không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi.

Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh dại. Đến nay, bệnh dại vẫn chưa có thuốc điều trị nên khi đã lên cơn dại thì nguy cơ tử vong là điều không thể tránh khỏi. Do đó tiêm kháng huyết thanh và vắc xin dại là cách duy nhất ngăn ngừa tử vong vì bệnh dại.

MINH HIỀN

 


.