Phát hiện thêm 3 bệnh nhân mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân

01:01, 10/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trên địa bàn huyện Ba Tơ đã phát hiện thêm 3 ca mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân. Như vậy, đến nay toàn huyện Ba Tơ có 8 ca mắc bệnh; hai ca nghi ngờ mắc bệnh và đã có 1 ca tử vong.

TIN LIÊN QUAN


Sáng 8.1, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Đức đã trực tiếp về xã Ba Ngạc (Ba Tơ) để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh và triển khai khám bệnh sàng lọc cho người dân tại địa phương.

Người bệnh ngại đến bệnh viện điều trị

 Từ tháng 12.2017 đến nay, ở hai xã Ba Ngạc, Ba Nam (Ba Tơ) đã phát hiện 8 ca mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân, trong đó có 4 ca tái phát. Có một bệnh nhân được chuyển viện đến điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Đà Nẵng, với chẩn đoán nhiễm trùng huyết, suy đa cơ quan và đã tử vong vào ngày 1.1.2018.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Đức ( bên trái)  đến nhà thăm hỏi, động viên bệnh nhân đến cơ sở y tế điều trị bệnh. K hám sàng lọc cho học sinh xã Ba Ngạc (Ba Tơ)
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Đức ( bên trái) đến nhà thăm hỏi, động viên bệnh nhân đến cơ sở y tế điều trị bệnh. K hám sàng lọc cho học sinh xã Ba Ngạc (Ba Tơ)


Qua khám sàng lọc, Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ cũng đã phát hiện thêm hai ca nghi ngờ mắc mới ở xã Ba Ngạc. Theo Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ Đặng Thị Phượng, hiện tại chỉ có 3 bệnh nhân điều trị tại trung tâm, 1 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh. Các bệnh nhân còn lại điều trị tại nhà. “Khó khăn lớn nhất hiện nay là việc vận động người bệnh đến bệnh viện điều trị. Đa số bệnh nhân không chịu đi bệnh viện mà ở nhà cúng bái và uống thuốc nam. Số bệnh nhân điều trị tại Trung tâm y tế huyện sức khỏe chưa ổn định, nhưng bệnh nhân không chịu xuống bệnh viện tuyến tỉnh để điều trị”, bác sĩ Phượng cho biết thêm.
 

“Hiện nay, tình hình hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp, khó lường, chưa xác định nguyên nhân rõ ràng. Chúng tôi mong các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương vào cuộc hỗ trợ người dân vùng dịch bệnh. Sở Y tế cần đề xuất các bệnh viện tuyến Trung ương tiếp nhận bệnh nhân và điều trị kịp thời". Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ Đặng Thị Phượng

Nói về lý do không điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân  A Troa  (17 tuổi), ở thôn Tà Noát, xã Ba Ngạc, cho biết:  “Ở bệnh viện không như ở nhà, em nhớ nhà, buồn lắm, nên em xin về nhà. Em không muốn đi xuống đó điều trị nữa đâu”.

Theo bác sĩ Phượng, nếu bệnh nhân không đến  bệnh viện điều trị sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng, vì bệnh diễn tiến khó lường, nguy cơ tử vong cao. Trước tình hình này, ngành y tế phối hợp với chính quyền địa phương trực tiếp đến nhà người bệnh để vận động bệnh nhân sớm đến cơ sở y tế để điều trị.

Cần có giải pháp hỗ trợ người bệnh

Theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Đức, vấn đề quan trọng hiện nay là các cấp chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt để tuyên truyền vận động người bệnh tiếp tục điều trị. Cùng với đó, ngành y tế cũng đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu về căn bệnh, tránh gây hoang mang trong cộng đồng.

Ông Đức cho biết: Trước mắt, Sở Y tế  báo cáo với UBND tỉnh,  Bộ Y tế về tình hình dịch bệnh để có giải pháp hỗ trợ về chuyên môn điều trị. Đồng thời chỉ đạo các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Da liễu và các cơ sở y tế tăng cường khám sàng lọc, nhằm phát hiện kịp thời các ca bệnh, hạn chế số ca mắc mới và tử vong. Thực hiện nhóm giải pháp nâng cao thể trạng cho người dân thông qua khám bệnh, cấp phát thuốc vi chất. Bênh cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ để người bệnh an tâm  điều trị tại các cơ sở y tế, bởi đa số người bệnh có hoàn cảnh khó khăn.
 

Sáng 8.1, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ triển khai khám sàng lọc, cấp phát thuốc hỗ trợ dinh dưỡng miễn phí cho gần 700 học sinh Trường Tiểu học và THCS Ba Ngạc, nhằm hạn chế các ca mắc mới phát sinh trong cộng đồng.

 

Bài, ảnh: KIM NGÂN


 


.