Cấp phát thuốc tại các bệnh viện: Tăng cường khâu kiểm soát

10:01, 23/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau sự cố cấp nhầm thuốc cho bệnh nhân tại Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh, ngành y tế tăng cường kiểm soát việc thực hiện quy trình cấp phát thuốc tại các bệnh viện theo đúng quy định của Bộ Y tế.

TIN LIÊN QUAN

Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh chấn chỉnh, kiểm tra, giám sát, thực hiện tốt các bước theo quy định của Bộ Y tế về công tác quản lý quy trình tại các bệnh viện, nhất là việc tập huấn, hướng dẫn cho nhân viên y tế, tránh sai sót trong quá trình cấp phát thuốc, điều trị cho bệnh nhân.

Không được chủ quan, lơ là

Giám đốc Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh, bác sĩ Nguyễn Đình Tuyến cho biết, bệnh viện nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và rà soát lại quy trình cấp, phát thuốc. Bệnh viện bố trí lại các khoa, phòng; sắp tới sẽ tách riêng một số phòng bệnh, giao cho bác sĩ thực hiện đặt thuốc cho người bệnh. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, lãnh đạo bệnh viện cũng đã gửi thông báo đến các khoa, phòng yêu cầu chấp hành tốt việc tuân thủ các nguyên tắc về an toàn người bệnh; phòng tránh việc nhầm lẫn trong việc cấp phát thuốc điều trị cho người bệnh. Bệnh viện cũng đã lập tổ thường xuyên kiểm tra, giám sát để chấn chỉnh những thiếu sót của các khoa điều trị.

Nhân viên Khoa Dược và cán bộ điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa tỉnh kiểm tra lại đơn thuốc trước khi cấp phát cho bệnh nhân.
Nhân viên Khoa Dược và cán bộ điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa tỉnh kiểm tra lại đơn thuốc trước khi cấp phát cho bệnh nhân.


Trưởng Khoa Dược BVĐK tỉnh Phạm Thị Trang, cho biết: Nguyên nhân dẫn đến sai sót trong việc cấp phát thuốc đối với điều dưỡng thường do thiếu kiến thức về sử dụng thuốc; thực hiện sai quy trình sử dụng thuốc, thực hiện y lệnh miệng; quá tải công việc; giao tiếp và tư vấn về thuốc cho người bệnh chưa đạt hiệu quả; nhầm lẫn các thuốc có tên gọi và hình thức gần giống nhau... Do vậy, việc tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, tập huấn cho nhân viên y tế về tuân thủ các bước quy trình sử dụng thuốc tại bệnh viện cần phải được quan tâm. Nếu nhân viên y tế lơ là, thiếu trách nhiệm thì hậu quả rất nghiêm trọng.

Điều dưỡng Đặng Ngọc Mai (Khoa Hồi sức tích cực chống độc, BVĐK tỉnh), cho biết: "Đối với điều dưỡng, ngoài nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân, phải cấp thuốc, hướng dẫn người bệnh điều trị theo toa thuốc được bác sĩ chỉ định. Không những kiểm tra kỹ, tránh sai sót mà phải giải thích cặn kẽ, để bệnh nhân và người nhà biết về liều lượng và loại thuốc đang điều trị”.

 Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện đang sử dụng phần mềm kê đơn điện tử (điều dưỡng không còn sao chép y lệnh), nên hạn chế sai sót. "Chúng tôi tuân thủ theo quy định "5 đúng" khi dùng thuốc: Đúng người bệnh, đúng thuốc, đúng liều, đúng đường dùng, đúng thời gian... Để tránh xảy ra sai sót và tăng hiệu quả điều trị, giữa bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng có sự phối hợp chặt chẽ với nhau trong chỉ định và sử dụng thuốc cho người bệnh”, dược sĩ Trang cho biết thêm.

Tăng cường kiểm tra

Phó Phòng phụ trách Nghiệp vụ dược (Sở Y tế) Nguyễn Thành Bảng, cho biết: Việc cung cấp thuốc từ khoa dược đến các khoa, phòng chuyên môn, đến phòng bệnh cho từng bệnh nhân được các bệnh viện xây dựng theo quy trình được phê duyệt, tùy theo điều kiện phù hợp tại đơn vị. Tùy theo nhân lực của các bệnh viện, quy trình được thực hiện các bước như: Từ khoa dược đến khoa lâm sàng rồi đến bệnh nhân, hoặc khoa dược sẽ trực tiếp cấp thuốc xuống từng khoa, phòng cho bệnh nhân.

Các quy định đều được Bộ Y tế hướng dẫn áp dụng thực hiện. Quan trọng là bộ phận thực thi, nếu sao nhãng rất dễ xảy ra sai sót. Chính vì vậy, các bệnh viện phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định.  

Theo ông Bảng, Sở Y tế xây dựng kế hoạch triển khai Đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn, giai đoạn 2017-2020" và đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trong thời gian tới, cùng với việc tăng cường quản lý, kiểm tra các cơ sở y tế công lập và tư nhân trong sử dụng thuốc và bán thuốc, ngành y tế đẩy mạnh tập huấn, truyền thông để nâng cao nhận thức cộng đồng và đơn vị y tế về công tác sử dụng thuốc, nâng cao hiệu quả điều trị và an toàn cho người bệnh.
 

Bài, ảnh: TRÍ PHONG
 


.