An toàn truyền máu

09:01, 17/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Truyền máu là một liệu pháp điều trị hiệu quả trong nhiều bệnh lý, góp phần hỗ trợ quan trọng trong điều trị và bảo vệ sức khỏe người bệnh. Nhiều người nghĩ rằng, sau khi tiếp nhận máu từ người hiến máu sẽ đưa tới để truyền cho bệnh nhân. Tuy nhiên, để truyền cho người bệnh, máu sẽ phải qua các công đoạn sàng lọc và xét nghiệm để phát hiện các bệnh truyền nhiễm như viêm gan B, C, HIV, giang mai, sốt rét...  nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh.

An toàn truyền máu là một quá trình khép kín gồm nhiều giai đoạn từ khi chọn người hiến máu, khám lâm sàng, làm các xét nghiệm sàng lọc, thu thập máu, sản xuất các chế phẩm máu, lưu trữ, phân phối máu đến chỉ định truyền máu và thực hành truyền máu trên lâm sàng.

Sản xuất chế phẩm máu tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương. Ảnh: Internet
Sản xuất chế phẩm máu tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương. Ảnh: Internet

Trưởng Khoa Huyết học và truyền máu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), bác sĩ Huỳnh Thị Thuận, cho biết: An toàn truyền máu chỉ được bảo đảm khi hội tụ cả 3 yếu tố: An toàn đối với người cho, người nhận và cả nhân viên làm công tác truyền máu. Ngay cả khi nguồn máu đã loại trừ nguy cơ nhiễm bệnh, thì việc thực hiện các biện pháp phòng hộ lao động cho người làm công tác truyền máu khi tiến hành các thao tác chuyên môn vẫn phải được tiến hành một cách nghiêm ngặt, đúng quy trình, quy định. Quan trọng nhất là an toàn cho người nhận máu, với các bước: Xác định nhóm máu, thử phản ứng chéo... đều được thực hiện đúng quy định trước khi truyền máu cho bệnh nhân.

Máu rất quan trọng và cần thiết cho việc điều trị nội khoa, ngoại khoa và sản khoa; đồng thời cũng rất cần để triển khai nhiều kỹ thuật cao như ghép tạng, mổ tim... Nhờ có máu mà nhiều bệnh nhân đã được cứu sống. Tuy nhiên, việc truyền máu có thể gây ra những tai biến nghiêm trọng nếu không bảo đảm, tuân thủ các nguyên tắc về an toàn truyền máu. Bác sĩ Thuận, nhấn mạnh: Nguyên tắc bất di bất dịch trong truyền máu an toàn mà theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, đó là cần gì truyền nấy, không cần không truyền và truyền những thành phần bệnh nhân thiếu.

Máu là tế bào sống, ở nhiệt độ nóng hay lạnh hơn so với quy định sẽ khiến máu chết; nếu không bảo quản tốt các tế bào sẽ vỡ ra, khi đó máu sẽ không còn tác dụng, thậm chí sẽ nguy hiểm cho người sử dụng máu. Bên cạnh đó, để bảo đảm cho người nhận máu không bị lây nhiễm các bệnh qua đường truyền máu, việc sàng lọc những tác nhân gây bệnh được xem là một trong những mục tiêu chủ yếu. Vì vậy, các xét nghiệm sàng lọc HIV, viêm gan B, C, giang mai, sốt rét... khi tiếp nhận máu được quy định bắt buộc thực hiện đối với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo, nên sử dụng nguồn máu trong điều trị từ hiến máu nhân đạo, bởi chất lượng máu từ nguồn này cao hơn hẳn việc mua bán từ bên ngoài.

GIA BẢO

 


.